Thu hồi nhà ở xã hội bán “nhầm” đối tượng đã đủ sức răn đe?
BÀI LIÊN QUAN
Nghịch cảnh nhà ở xã hội: Nơi tấp nập, nơi đìu hiuBộ trưởng Tài chính: Cần có giá trần với nhà ở xã hộiCần mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội đối với công nhân các cụm công nghiệpNhiều “đại gia” sở hữu nhà ở xã hội
Câu chuyện nhà ở xã hội luôn nóng ở mọi thời điểm trên thị trường bất động sản. Bởi sản phẩm này ra đến đâu hết đến đó và nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân. Thậm chí, hầu hết các dự án tại thành phố lớn, nhiều người còn xếp hàng từ 1-2h sáng trong ngày nộp hồ sơ, mong muốn được sở hữu căn nhà ở xã hội. Giá rẻ chính là điểm mà nhiều người nhắm đến phân khúc nhà ở này. Thậm chí, không ít người thu nhập cao, có nhà ở rồi vẫn cố tình đăng ký mua nhà ở xã hội, sau đó cho thuê lại, đợi hết 5 năm thì sang nhượng kiếm lời.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh khẳng định, nếu phát hiện trường hợp mua bán nhà ở xã hội không đúng đối tượng sẽ buộc thu hồi.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nói rằng, hiện nay tại một số dự án nhà ở xã hội xuất hiện nhiều trung gian, “cò mồi”. Họ tham gia mua bán để kiếm tiền chênh lệch. Ông Sinh liệt kê một số tỉnh xuất hiện tình trạng này là Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đắk Lắk… “Bộ Xây dựng đã có văn bản yêu cầu các địa phương thanh, kiểm tra rà soát lại làm rõ tình trạng này từ đó chấn chỉnh, xử lý kịp thời. Trường hợp phát hiện sai, bán không đúng đối tượng phải thu hồi", Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
Câu chuyện nhà ở xã hội bán “nhầm” đối tượng không phải không có. Thời gian qua, một số trường hợp bán sai đối tượng đã bị cơ quan chức năng phát hiện. Cụ thể, theo Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh, tình trạng trên xuất hiện ở Khu nhà ở Bắc Từ Sơn, phường Đồng Nguyên, thị xã Từ Sơn, do Công ty TNHH Môi trường xanh làm chủ đầu tư.
Theo đó, trong số hơn 100 khách hàng ký hợp đồng mua bán nhà với chủ đầu tư chỉ có 33 hợp đồng hợp lệ được gửi danh sách về Sở Xây dựng và có tới 74 hợp đồng không hợp lệ. Kiểm tra 33 hợp đồng hợp lệ, đoàn kiểm tra phát hiện, một số trường hợp không đúng đối tượng được mua.
Tương tự, một dự án nhà ở xã hội khác cũng để xảy ra tình trạng bán “nhầm” đối tượng là Khu nhà ở xã hội Cao Nguyên 3 (Từ Sơn, Bắc Ninh). Dự án này có chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Cao Nguyên. Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án này có hơn 400 căn hộ. Khi bị cơ quan chức năng kiểm tra đã có 167 khách hàng đang sinh sống. Qua xác minh việc duyệt danh sách đối tượng, đoàn kiểm tra phát hiện 7 hợp đồng thuê nhà thực hiện không đúng, một số trường hợp không đúng đối tượng được mua nhà ở xã hội.
Tại Đà Nẵng, Sở Xây dựng của thành phố này cũng phát hiện nhiều người mua nhà ở xã hội ở (đợt 4) và khối nhà B2 thuộc dự án Khu chung cư nhà ở xã hội khu công nghiệp Hòa Khánh (huyện Liên Chiểu) không đủ điều kiện mua nhà. Được biết, chủ đầu tư của dự án nhà ở xã hội này là Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng.
Theo tìm hiểu, dự án này gồm 6 tháp chung cư (khối CT6, CT7, CT8 và CT9 cao 20 tầng; khối CT5 và CT10 cao 21 tầng nổi). Dự án cung cấp ra thị trường hơn 1.800 căn hộ. Trong đó, 1.165 căn hộ nhà ở xã hội để bán; 348 căn hộ nhà ở thương mại để bán và 296 căn hộ nhà ở xã hội cho thuê. Diện tích căn hộ từ dao động từ 45m2 đến 93m2.
Thu hồi là chưa đủ
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết, tại Điều 49 Luật Nhà ở năm 2014 đã quy định 10 nhóm đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội (công nhân, người lao động nghèo). Người thu nhập thấp được mua, thuê mua nhà ở xã hội nếu đáp ứng các điều kiện về nhà ở.
Theo đó, người thu nhập thấp sẽ được hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.
“Việc đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ cho người lao động, công nhân, người thu nhập thấp có cơ hội mua nhà ở xã hội để an cư lạc nghiệp thể hiện sự nhân văn của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, tại một số dự án lại xảy ra tình trạng bán “nhầm” đối tượng gây bức xúc xã hội, gây bất công bằng cho người nghèo. Mà sự việc này không chỉ xảy ra ở một địa phương mà nó xuất hiện tại khá nhiều tỉnh thành. Trong đó, từng có phản ánh, tại ngay giữa Thủ đô Hà Nội cũng xuất hiện tình trạng nhà ở xã hội bán cho người giàu”, Luật sư Diệp Năng Bình nói.
Theo vị này, việc thu hồi đối với các căn hộ thuộc dự án nhà ở xã hội bán sai đối tượng là điều hiển nhiên. Điều này đảm bảo sự công bằng, bình đẳng đối với người mua nhà. Tuy nhiên, việc thu hồi là chưa đủ. Bởi cần phải xử lý đối với người phê duyệt cho người giàu mua nhà ở xã hội.
Luật sư Bình nhấn mạnh: “Cần phải xem xét người phê duyệt “nhầm” đối tượng mua nhà ở xã hội là năng lực yếu hay cố ý. Nếu cố ý, có việc “xin-cho”, “đi đêm” cần thiết có thể mời cơ quan điều tra vào cuộc. Còn đối với việc vô tình lọt người giàu vào mua nhà ở xã hội, cần xem xét trách nhiệm người phê duyệt và chủ đầu tư dự án. Cần phải làm mạnh tay để một chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước đối với người dân không bị “méo mó” chỉ vì một số cá nhân”.
Cùng quan điểm, chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Mạnh Hải cho rằng, việc thu hồi căn hộ đối với việc phát hiện nhà ở xã hội bán “nhầm” đối tượng đã thể hiện cho sự quyết tâm của Bộ Xây dựng trong vấn đề này. Chắc chắn nhiều người sẽ “run tay” khi cố tình làm sai hòng trục lợi.
Ông chuyên gia Mạnh Hải, các điều kiện quy định đối tượng được hưởng chính sách mua nhà ở xã hội đã rất rõ ràng. Bất cứ ai cũng không thể nào ngụy biện là không hiểu luật được. Vì thế, cần xử lý nghiêm để các trường hợp tương tự không tái diễn nữa. Bên cạnh đó, cũng cần xử lý đối tượng “cò mồi” nhà ở xã hội kiếm tiền chênh lệch. Bởi theo phản ánh của người dân, có các đối tượng “cò mồi” còn đòi cả tiền trăm triệu đồng cam kết người giàu cũng có thể mua được nhà ở xã hội. Điều này là rất bất công bằng đối với người lao động có thu nhập thấp.