Thống nhất đề xuất tăng tiền lương tối thiểu vùng 6% từ ngày 1/7/2022
BÀI LIÊN QUAN
Chưa phải nộp thuế thu nhập cá nhân nếu lương 17 triệu đồng/thángTừ năm 2022, đóng BHXH đủ 30 năm sẽ được hưởng lương hưu bao nhiêu?Tiết lộ mức lương trung bình mỗi năm của công nhân VinFast tại MỹMức lương tối thiểu vùng tăng 6%
Theo Tiền Phong, trong 2 năm 2020 và 2021, lương tối thiểu vùng không tăng cùng với đó là những đợt bùng phát đại dịch Covid-19 đã khiến đời sống, thu nhập của bộ phận người lao động gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất và tiến hành thảo luận, thương lượng để tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động tại các doanh nghiệp.
Phiên họp thứ 2 của Hội đồng Tiền lương quốc gia có sự tham gia của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam.
Tại phiên họp này, đại diện cho phía người lao động là Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đã đưa ra 2 phương án.
Phương án 1 là điều chỉnh mức lương tối thiểu từ ngày 1/7/2022, với mức tăng từ 270.000 - 330.000 đồng/tháng, bình quân tăng 8,16% so với năm 2020 - 2021.
Phương án 2 là điều chỉnh mức lương tối thiểu từ ngày 1/7/2022, với mức tăng từ 230.000 - 300.000 đồng/tháng, bình quân tăng 7,25% so với năm 2020 - 2021.
Phía hiệp hội thuộc Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa nhiều phương án tăng lương tối thiểu vùng từ 3 - 6 % và tăng từ 1/1/2023.
Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia đưa ra phương án tăng từ 5 - 6,18%.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia cho biết, sau hơn 4 tiếng thảo luận và thương lượng đầy căng thẳng, các thành viên trong hội đồng đã bỏ phiếu thống nhất phương án trình Chính phủ tăng 6% lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022.
Cụ thể, đã có 15/17 thành viên đồng ý tăng lương tối thiểu vùng bắt đầu từ ngày 1/7/2022 và 2/17 thành viên đồng ý thời gian tăng từ 1/1/2023.
Theo đó, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I, lương tối thiểu vùng tăng 260.000 đồng. Từ 4.420.000 đồng/tháng lên 4.680.000 đồng/tháng.
Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II, lương tối thiểu vùng tăng 240.000 đồng. Từ 3.920.000 đồng/tháng lên 4.124.000 đồng/tháng.
Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III, lương tối thiểu vùng tăng 210.000 đồng. Từ 3.430.000 đồng/tháng lên 3.640.000 đồng/tháng.
Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV, lương tối thiểu vùng tăng 180.000 đồng. Từ 3.070.000 đồng/tháng lên 3.250.000 đồng/tháng.
Tăng lương góp phần gắn kết người lao động và doanh nghiệp
Sau cuộc họp, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, hiện nay cộng đồng doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp đang bắt tay vào quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh như người ốm rất lo ốm lại nên cần điều chỉnh phù hợp.
Ông Phòng nói: “Bản thân chúng tôi cũng chưa hài lòng với mức tăng lương này, chưa đáp ứng được kỳ vọng chung của cộng đồng doanh nghiệp. Doanh nghiệp hy vọng sẽ điều chỉnh từ 1/1/2023, nếu điều chỉnh từ 1/7/2023 sẽ rất vất vả cho doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh lại các phương án kinh doanh, tăng trưởng của doanh nghiệp, trong khi các đơn hàng và kế hoạch đã được chốt từ đầu năm. Tuy nhiên, hội đồng đã thống nhất cao với 17 thành viên đồng ý với phương án trên, 2 thành viên đề xuất tăng từ 1/1/2023".
Phó Chủ tịch VCCI cho biết thêm, việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng cũng sẽ khiến các doanh nghiệp phải tăng thêm các chi phí. Tuy nhiên, Hội đồng Tiền lương hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận với mức % đồng ý rất là cao.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam trả lời báo chí sau cuộc họp: “Thực ra, với tư cách đại diện cho người lao động thì chúng tôi mong muốn mức lương tăng cao hơn nữa, nhưng trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn và dịch bệnh còn diễn biến phức tạp thì chúng tôi cho rằng mức này đã thể hiện sự chia sẻ của người lao động, của tổ chức đại diện cho người lao động với doanh nghiệp, chúng ta cùng nắm tay nhau thực hiện tốt chương trình phục hồi phát triển kinh tế của Chính phủ”.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên trong 2 năm 2020, 2021, Chính phủ chưa điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng. Sau hơn 2 năm đại dịch bùng phát đã khiến đời sống của người lao động đã khó khăn nay lại càng khó khăn gay gắt, một bộ phận không thể trở lại doanh nghiệp hoặc lựa chọn nhận bảo hiểm xã hội một lần. Do đó, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất tăng lương tối thiểu vùng để giúp đỡ người lao động. Đồng thời là đòn bẩy thu hút người lao động quay trở lại thị trường việc làm hậu đại dịch.
Ông Duy Hiểu nói: "Tôi chia sẻ với khó khăn của nhiều doanh nghiệp, nhưng chúng ta không thể không quan tâm đến một bộ phận người đang rất khốn khó. Sức chịu đựng của người lao động cũng đã đến ngưỡng để xem xét điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng tăng liên tục và đời sống người lao động gặp rất nhiều khó khăn".
Việc tăng tiền lương nhằm đảm bảo đời sống của người lao động còn là trách nhiệm pháp lý và đạo lý của doanh nghiệp. Trên thực tế, từ các quốc gia và doanh nghiệp cho thấy việc tăng lương không chỉ mang lại lợi ích cho người lao động mà còn là động lực giúp tăng năng suất của người lao động, giúp thúc đẩy doanh nghiệp phát triển nhanh và mạnh hơn. Đây là tiền đề giúp gắn kết người lao động với đơn vị doanh nghiệp sử dụng lao động.
"Thời điểm này tăng lương vừa để hỗ trợ giúp người lao động vượt qua khó khăn, đồng thời cũng chính là động lực để tăng năng suất lao động, giúp cho doanh nghiệp phục hồi nhanh, phát triển mạnh", Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay. .