Thiếu cung, giá tăng cao: "Cửa" mua nhà cho người thu nhập thấp dần hẹp lại
Nguồn cung hạn hẹp
Báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng cho biết, trong quý II, thị trường bất động sản đã xuất hiện dấu hiệu hồi phục và phát triển tốt với tổng lượng giao dịch nhà ở riêng lẻ, chung cư, đất nền cao hơn cũng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, nguồn cung về nhà ở thương mại trong quý II vẫn chưa được cải thiện. Số lượng dự án được cấp phép mới chỉ bằng 42% so với cùng kỳ năm 2021.
Cụ thể, trong quý II số lượng nhà ở thương mại hoàn thành là 24 dự án với hơn 5.600 căn; dự án đang triển khai xây dựng là 1.091 với hơn 327.100 căn; được cấp phép mới là 29 dự án với hơn 6.700 căn.
Lý giải về nguyên nhân khiến nguồn cung hạn hẹp, Bộ Xây dựng cho biết, việc siết chặt thủ tục pháp lý là nguyên nhân chủ yếu hạn chế các dự án. Ngoài ra, việc kiểm soát nguồn vốn tín dụng, sự suy giảm thị trường trái phiếu, phát hành trái phiếu cũng là nguyên nhân làm hạn hẹn nguồn cung.
Về giá căn hộ chung cư, Bộ Xây dựng nhìn nhận vẫn tăng so với thời điểm cuối năm 2021. Mức độ tăng giá tập trung vào phân khúc trung trong quý I chậm dần và chững lại trong quý II.
"Tại khu vực trung tâm, các dự án nhà ở thương mại hầu như không có giá dưới 25 triệu đồng/m2, mức giá này tập trung ở các dự án xa trung tâm", Bộ Xây dựng cho biết.
Thị trường vẫn tập trung vào các căn hộ phân khúc cao cấp. Đặc biệt, tại TP.HCM và Hà Nội một số dự án có vị trí đặc biệt được chào bán lên 120-325 triệu đồng/m2 như dự án T-Place (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) có giá khoảng 325 triệu đồng/m2; dự án M Landmark Residence (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) có giá khoảng 120 triệu đồng/m2; dự án Grand Marina Saigon (quận 1, TP.HCM) có giá khoảng 300 triệu đồng/m2...
Có 2 tỷ vẫn khó mua nhà
Nguồn cung hạn hẹp, giá chung cư liên tục tăng cao đang khiến người dân có nhu cầu mua nhà để ở gặp không ít khó khăn. Chia sẻ với PV, chị Nguyễn Thị Cúc (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, chị đang có nhu cầu tiềm mua một căn hộ chung cư tại khu vực Thanh Xuân, với tiêu chí là 70m2 có hai phòng ngủ và hai nhà vệ sinh với số tiền khoảng 2 tỷ đồng, nhưng vẫn không thể mua được.
"Qua một số dự án tôi đã tham khảo, hầu hết các căn hộ với diện tịch 70m2 đều có giá 3 tỷ trở lại. Mặt bằng chung cư tại khu vực Thanh Xuân có giá giao động từ 45-50 triệu đồng/m2. Vì vậy, tôi đã chuyển qua tìm các dự án chung cư cũ nhưng mức giá chủ nhà đòi là 2,6 tỷ đồng với căn 68m2. Tôi cũng không nghĩ là mức giá chung cư cũ mà vẫn cao như vậy" - chị Cúc cho biết.
Cũng đang tìm chung cư quanh khu vực vành đai III hoặc Tố Hữu với mức giá 2 tỷ, anh Hoàng Văn Thái cho biết, đã tìm hiểu, cùng với đó liên hệ với một số sàn giao dịch bất động sản nhưng với mức tài chính là 2 tỷ thực sự việc mua nhà không hề dễ dàng.
"Các dự án đều có mức giá khởi điểm là 45 triệu đồng/m2 với diện tích 70m2, với mức giá này thì ít nhất tôi phải có tới 3 tỷ. Tôi không nghĩ là giá chung cư hiện nay cao như vậy, cứ nghĩ cầm trong tay 2 tỷ sẽ có thể mua được một căn, thế nhưng trên thực tế là không có" - anh Thái chia sẻ.
Theo báo cáo mới nhất của JLL Việt Nam - Công ty chuyên cung cấp các dịch vụ bất động sản và đầu tư, hiện nay trên thị trường tại các đô thị lớn số lượng căn hộ có giá trị 2 tỷ đồng trở xuống chỉ chiếm 10%. Nguồn cung và mức giá này trên thị trường khá hạn chế, hầu hết là các căn hộ có diện tích khá nhỏ.
"Hiện nay, các chủ đầu tư đang theo xu hướng giảm diện tích để vừa với nhu cầu người mua.Tuy nhiên, với mức giá 2 tỷ đồng thì số lượng căn hộ rất hạn chế và hiện trạng này vẫn chưa thể giải quyết trong thời gian tới" - JLL Việt Nam nhận định.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định, hiện nay nhà ở giá rẻ, nhà ở bình dân phù hợp với đại đa số người dân đang thiếu trầm trọng. Trong khi đó các căn hộ cao cấp, biệt thự liền kề, các shophouse,... với mức giá trên 10 tỷ đồng thì lại rất nhiều.
Đồng quan điểm, TS Sử Ngọc Khương - Giám đốc Cấp cao Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam cũng đánh giá, thị trường bất động sản Việt Nam đang thiếu hụt nguồn cung trong khi đó giá bán lại ở mức rất cao nên tỷ lệ thanh khoản khá hạn chế, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM thì các dự án, căn hộ đều tập trung vào phân khúc cao cấp.
"Trên thị trường, phân khúc trung cấp và bình dân dành cho các đối tượng trẻ từ 30-35 tuổi (đối tượng có nhu cầu lớn) thì lại rất ít nguồn cung. Trên thực tế, các sản phẩm nhà ở phù hợp với khả năng tài chính nhóm đối tượng này rất hạn chế vì vướng pháp lý." - TS Sử Ngọc Khương đánh giá.
Các chuyên gia cũng nhận định, thị trường giá bán các căn hộ tại các thành phố lớn sẽ vẫn tiếp tục tăng cao so với quý trước, với mức tăng từ 9-15%. Theo ông Nguyễn Đức Cây, Chủ tịch HĐQT Công ty CP phát triển nhà Contrexim HOD, Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, giá các căn hộ chung cư tại Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cao vì nguồn cung yếu trong khi cầu thì vẫn duy trì ở mức ổn định, thậm chí mạnh hơn. Nhu cầu của người dân sau đại dịch cùng với yếu tố thị trường tăng cao sẽ khiến thị trường bất động sản bước vào chu kỳ tăng trưởng dài hạn.
"Hiện nay vẫn là thời điểm tốt cho người mua nhà, nếu càng chờ người dân sẽ càng mất cơ hội bởi giá nhà vẫn có xu hướng tăng cao khi mà giá đất, chi phí xây dựng tăng, nguồn cung khan hiếm. Từ nay đến cuối năm, mức giá có thể tăng 10 – 20%" - ông Nguyễn Đức Cây nhận định.
Ông Cây cũng cho rằng, giá các căn hộ tăng cao sẽ gây áp lục rất lớn đến khả năng mua nhà của nhiều người dân, đặc biệt là những người thu nhập thấp. Trên thực tế, nguồn cung từ các căn hộ cao cấp với giá hàng chục tỷ khó rất nhiều, nhưng lại để không. Trong khi đó, thị trường căn hộ cho các nhóm nhà ở tầm trung có nhu cầu mua nhà rất lớn thì lại thiếu hụt nguồn cung.