Thị trường tiền số lao dốc chưa thể khiến kinh tế Mỹ “nghẹt thở”, vay nợ chính là điểm mấu chốt
Thị trường tiền ảo vẫn chứng kiến sự hỗn loạn chưa có hồi kết. Bởi lẽ các đồng tiền vẫn giảm giá mạnh và doanh nghiệp thì cắt giảm nhân viên, thậm chí có những tên tuổi nổi tiếng đi đến phá sản.
Vì cú chao đảo mà số tiền tiết kiệm cả đời của các nhà giao dịch nhỏ lẻ từng tin rằng tiền ảo là một khoản đầu tư an toàn hay 2.000 tỷ USD giá trị thị trường chỉ trong vài tháng đều bị cuỗm mất.
Từ sự việc các nhà đầu tư bị thâm hụt khối tài sản khổng lồ đã làm dấy lên lo ngại rằng sẽ xảy ra một cuộc suy thoái trên diện rộng vì sự cố trên thị trường tiền ảo.
Thị trường tiền ảo có vốn hóa chưa đến 1.000 tỷ USD. Con số này chưa bằng 1/2 của Apple và là rất nhỏ so với tổng GDP khoảng 21.000 tỷ USD và cũng là một con số vô cùng nhỏ bé so với quy mô thị trường nhà ở 43 nghìn tỷ USD của Mỹ.
Tuy nhiên, ước tính từ Goldman Sachs cho thấy người Mỹ nắm giữ 1/3 thị trường tiền ảo trên toàn cầu. Khảo sát của Pew Research Center tiết lộ rằng 16% người trưởng thành tại Mỹ đã giao dịch, đầu tư cũng như sử dụng tiền ảo.
Bởi vậy, sau khi thị trường tiền ảo ghi nhận liên tục bị bán tháo trong thời gian gần đây đã đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới gặp rủi ro.
Tuy vậy, các nhà kinh tế và chuyên gia ngân hàng chia sẻ với CNBC rằng họ không lo lắng về việc thị trường tiền số ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế Mỹ ra sao vì tiền ảo không liên quan trực tiếp với nợ.
“Thực tế cho thấy mọi người không dùng tiền ảo để làm tài sản thế chấp cho việc vay nợ trong thế giới thực. Bởi vậy, đây chỉ là thiệt hại trên giấy tờ nên nền kinh tế Mỹ Không phải lo ngại về vấn đề này”, theo giải thích của ông Joshua Gans, chuyên gia kinh tế tại Đại học Toronto.
Không liên quan đến nợ nần, không phải lo ngại
CNBC nhấn mạnh rằng chìa khóa để xác định rủi ro của nền kinh tế chính là mối liên quan giữa nợ vay và tiền ảo.
Hầu hết tài sản truyền thống được cho là sẽ ổn định giá trị trong dài hạn. Vì lý do này mà những tài sản đó có thể được sử dụng để làm tài sản thế chấp cho việc vay nợ.
Theo nhà kinh tế Gans, “vì tiền ảo có mức độ biến động rất lớn nên bạn không dùng chúng để mua các tài sản thực hoặc các tài sản tài chính truyền thống hơn mà đi vay theo cơ sở đó”.
Vị chuyên gia này khẳng định mọi người dùng tiền ảo để mua bán và giao dịch với các đồng tiền ảo khác và điều này chỉ diễn ra trong thế giới ảo mà không phải thế giới thực.
Tất nhiên vẫn có trường hợp ngoại lệ. Như hồi tháng 3 vừa qua, nền tảng MicroStrategy đã vay ngân hàng Silvergate 205 triệu USD bằng Bitcoin. Tuy vậy, hầu như các khoản vay được hỗ trợ bằng tiền ảo chỉ là một ngách nhỏ của thị trường cho vay.
Nghiên cứu mới nhất từ Morgan Stanley cho thấy chỉ có các doanh nghiệp và nhà đầu tư tiền ảo mới có thể vay tiền từ công ty cho vay trong lĩnh vực tiền ảo. Do vậy, rủi ro từ việc giá tiền ảo lao dốc dẫn đến hệ thống ngân hàng dựa trên đồng USD pháp định của Mỹ là rất hạn chế hoặc ảnh hưởng rất nhỏ.
“Một điều chắc chắn là các tổ chức tài chính và các ngân hàng khác rất chú ý tới tiền ảo và xem đó như một loại tài sản tài chính mà họ muốn khách hàng đầu tư vào”, bình luận của ông Gans từ Đại học Toronto.
Dẫu vậy, thực tế cho thấy những khoản đầu tư theo hình thức đó vẫn còn rất hạn chế. Nhà kinh tế lưu ý rằng các ngân hàng có bộ quy định và nhu cầu riêng nhằm đảm bảo các khoản đầu tư hợp lý.
Ông Gans nói thêm: “Tôi không cho rằng nền kinh tế đang đứng trước những rủi ro như những gì chúng ta từng thấy ở cuộc khủng hoảng tài chính trước đây”.
Tiếp xúc còn hạn chế
Theo các chuyên gia, các nhà đầu tư nhỏ lẻ tại Mỹ có mức độ tiếp xúc với thị trường tiền ảo không cao. Mặc dù, đợt bán tháo gần đây đã vùi dập một số nhà giao dịch nhỏ lẻ nhưng thiệt hại tổng thể trên thị trường này vẫn còn rất nhỏ so với tổng giá trị ròng của các hộ gia đình Mỹ, 150.000 tỷ USD.
Hồi tháng 5, Goldman Sachs đã đưa ra một lưu ý rằng các khoản đầu tư tiền ảo chiếm 33% so với cổ phiếu, trong khi chỉ chiếm 0,3% giá trị hộ gia đình ở Mỹ. Theo dự đoán của Goldman Sachs, cú lao dốc gần đây của thị trường tiền số có ảnh hưởng rất nhỏ đối với tổng chi tiêu của người dân Mỹ.
Thậm chí, một vài nhà phân tích Phố Wall còn nghĩ rằng việc các dự án tiền ảo thất bại là một điều tích cực đối với toàn ngành. Đó là một bài kiểm tra căng thẳng để xóa bỏ đi những mặt tối trong mô hình kinh doanh.
“Việc các mô hình kinh doanh yếu hơn như Luna và TerraUSD sụp đổ đem lại lợi ích dài hạn của lĩnh vực này”, theo ông Alkesh Shah - chiến lược gia tài sản số và tiền ảo toàn cầu tại Bank of America.
Theo vị chiến lược gia này, việc loại bỏ sự yếu kém của lĩnh vực tài sản số là một phần của việc điều chỉnh tài sản rủi ro trên diện rộng. Giá tiền ảo đi xuống ảnh sẽ gắn liền với giá cổ phiếu công nghệ thay vì khiến nền kinh tế sụp đổ. Bởi lẽ cả hai nhóm này đều không chịu được những áp lực từ môi trường kinh tế vĩ mô biến động, gồm Fed nâng lãi suất và lạm phát tăng cao.
“Các tài sản rủi ro như tiền ảo và công nghệ sẽ bị ảnh hưởng khi lãi suất tăng cao hơn dự kiến và nền kinh tế đứng trước nguy cơ suy thoái. Khi các ngân hàng Trung ương toàn cầu siết chặt chính sách tiền tệ, chúng tôi cho rằng thanh khoản thị trường toàn cầu sẽ bị mất đi khoảng 3.000 tỷ USD”, ông Shah nói thêm.