Môi giới ồ ạt chuyển nghề: Thời điểm vàng để thanh lọc môi giới địa ốc
BÀI LIÊN QUAN
Công ty chứng khoán chạy đua thị phần để làm gì khi biên lợi nhuận mảng môi giới dần thu hẹp?Thị trường ế ẩm, sàn bất động sản giảm quy mô, môi giới tìm đường luiĐất nền phân lô tách thửa ven đô hết “hot”, bị môi giới ghẻ lạnh“Chật vật” kiếm sống
Chỉ trong vòng mấy tháng trở lại đây, khi Ngân hàng Nhà nước siết chặt tín dụng, lãi suất tăng cao và nhiều ông lớn bất động sản bị bắt do dính phải sai phạm đã khiến thị trường bất động sản rơi vào tình cảnh ảm đạm. Số đông các môi giới nói riêng và các sàn giao dịch bất động sản nói chung đều đang phải đối mặt với tình cảnh không có giao dịch hoặc lượng giao dịch quá thấp không đủ để có thể bù đắp vào kinh phí vận hành.
Trong báo cáo mới đây về thị trường bất động sản của Bộ Xây dựng cũng cho thấy, giai đoạn đầu năm nay, hoạt động giao dịch bất động sản đã dần trở lại bình thường, lượng khách tìm kiếm đã tăng hơn so với năm 2021. Thị trường bất động sản phát triển nhanh về giá và cả lượng giao dịch ở nhiều phân khúc cũng đã giúp các sản giao dịch bất động sản phục hồi mạnh trong quý I,II. Tuy nhiên, đến quý III, thị trường bất động sản lại có sự điều chỉnh, lượng giao dịch bất động sản đã giảm sâu dẫn đến việc các sàn giao dịch giảm, theo đó số lượng môi giới cũng giảm theo.
Theo ghi nhận của PV tại một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội như Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Hà Đông – những địa điểm được xem là nơi đóng đô của các văn phòng giao dịch bất động sản thì nay hầu như là cửa đóng then cài. Chỉ riêng tại KĐT An Khánh (Hoài Đức) trước có tới hàng chục sàn giao dịch thì giờ chỉ còn một. Tại huyện Quốc Oai, Sơn Tây, Thạch Thất số lượng sàn giao dịch cũng giảm mạnh trong 2 năm nay.
Tình trạng này cũng đã diễn ra tại TP.HCM, khi chỉ có 9 dự án với 1.100 nền được mở bán, giảm 65% so với quý II. Lượng tiêu thụ đất nền đạt khoảng 550 nền, giảm 78% so với quý trước. Tại Khánh Hòa, trong quý III cũng không có dự án đất nền nào được mở bán, giao dịch tập trung với các vùng ven với mức giá từ 5-6 triệu đồng/m2. Thị trường đất nền cũng được ghi nhận chững lại từ đầu tháng 9/2022, lượng giao dịch sụt giảm so với quý trước.
Chia sẻ với PV, anh Hồ Minh Luân (Hoài Đức) – một mô giới bất động sản lành nghề tại khu vực Hoài Đức cho biết, từ khi vào nghề chưa bao giờ thấy công việc khó khăn như hiện nay. Giá đất tăng cao, khách hàng thì khó tiếp cận tín dụng, nguồn cung đất cũng rất hạn chế… tất cả những yếu tố này đang khiến anh trở nên nhàn rỗi.
“Nếu như trước đây mỗi quý tôi có thể bán được 8-9 lô đất, thì hiện tại (quý II) tôi chỉ bán được 2 lô, giảm tới 70% so với trước đây. Không giống như mọi người có nhiều nghề, tôi chỉ có một nghề môi giới nên với tình hình này không biết bao giờ mới có thể phục hồi, chắc tôi sẽ phải tìm công việc khác mới có thể nuôi gia đình”- anh Luân chia sẻ.
Cùng chung cảnh ngộ, chị Hoàng Thị Huyền - nhân viên kinh doanh sàn giao dịch tại Thanh Xuân cho biết, 4 tháng nay chị và các thành viên trong nhóm vẫn có giao dịch tuy nhiên số lượng giao dịch quá ít không thể bù vào chi phí cả nhóm bỏ ra. Vì vậy, để bám trụ với nghề thì nhiều người cũng đã tìm kiếm công việc khác để làm thêm như bán hàng online hay chạy xe ôm để kiếm tiền sinh hoạt qua ngày.
"Nhóm tôi thì vẫn bám trụ lấy nghề, nhưng nhiều đồng nghiệp khác thì đã bỏ việc, làm nghề khác để kiếm sống. Nhiều khi cũng thấy nản, nhưng chúng tôi vẫn bảo nhau cố gắng duy trì, giữ lấy các khách hàng thân thiết chờ qua giai đoạn khó khăn, thị trường phục hồi trở lại", chị Huyền chia sẻ.
Anh Phạm Đức Hoàn – chủ một sàn giao dịch bất động sản tại phía Tây Hà Nội cũng cho biết, từ khoảng cuối tháng 4 năm nay, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu chững lại. Từ quý III, thanh khoản giảm sâu cũng đã khiến các kế hoạch của anh thay đổi.
“Trước tình trạng thị trường, tôi đã quyết định cắt giảm 2/3 nhân sự. Có một số nhân viên thì tôi cũng đã quyết định cho nghỉ không lương chờ đến khi thị trường ổn định sẽ quay trở lại, nhiều người cũng đã quyết định bỏ nghề chuyển sang việc khác”, anh Hoàn cho biết.
Thời điểm “vàng” để thanh lọc đội ngũ môi giới
Dù vậy, theo ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Việt An Hòa, đây là thời điểm vàng để thanh lọc đội ngũ môi giới. Ông cũng cho biết, trong giai đoạn năm 201-2015 cả nước chỉ có khoảng 50.000 môi giới, thế nhưng theo cơn sốt đất, kiếm tiền có phần dễ dàng thì hàng trăm người lại đổ xô đi làm môi giới dù chưa qua trường lớp đào tạo bài bản nào.
“Trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, chỉ có những môi giới chuyên nghiệp mới có thể tìm kiếm được sản phẩm tốt để chào bán thuyết phục nhà đầu tư. Còn những nhà môi giới không chuyên mới bước vào nghề thì sẽ là khoảng thời gian chật vật, thậm chí phải bỏ nghề", ông Quang nhận định.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, thời gian này các sàn giao dịch nên có các hoạt động để xốc lại tinh thần và tập trung đào tạo đội ngũ. Đây cũng là thời điểm chững lại để các doanh nghiệp, sàn giao dịch tìm kiếm, đào tạo cho đội ngũ môi giới chất lượng và chuyên nghiệp hơn.
"Thị trường sau khi được điều chỉnh sẽ bật lên rất nhanh, lúc đó các sàn sẽ cần đến quân số lớn. Vì vậy, hiện tại phải có chính sách hợp lý để có thể duy trì nhân sự có trình độ, họ có thể làm thêm bên ngoài và nhận trợ cấp của doanh nghiệp và sẵn sàng quay lại khi thị trường phục hồi", ông Đính khuyến nghị.
Trong gian đoạn này, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng khuyên các môi giới nên tìm công việc tạm để mưu sinh, và tranh thủ thời điểm để bổ sung kiến thức cho bản thân.
"Môi giới cũng cần phải bình tĩnh, xác định đây là yếu tố khách quan khiến giao dịch sụt giảm, còn bản chất thì thị trường không suy thoái. Do đó, thời gian này nên trau dồi kỹ năng, sau khi thị trường phục hồi sẽ là cơ hội để các bạn kiếm tiền trở lại", ông Đính nói.