Thị trường chứng khoán: Xử phạt chưa đủ sức răn đe
BÀI LIÊN QUAN
Định giá thị trường chứng khoán Việt Nam liệu đã đủ hấp dẫn để nhà đầu tư quay trở lại?Thị trường chứng khoán hôm nay 3/6: Thị trường giằng co, VN-Index đỏ nhẹ cuối phiênCác quỹ đầu tư lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam làm ăn ra sao trong tháng 5?Thị trường chưa minh bạch
Trong báo cáo về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trên thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi, nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh, nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa đảm bảo chất lượng (điển hình là vụ việc của FLC và Louis).
Liên quan vụ án tại tập đoàn FLC, theo kết quả điều tra ban đầu xác định từ ngày 1/9-10/1/2019, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế mượn chứng minh thư nhân dân của 26 cá nhân lập 20 doanh nghiệp, mở 450 tài khoản tại 41 công ty chứng khoán để thực hiện các hành vi thao túng giá cổ phiếu nhằm tạo ra cung cầu giả với 6 mã chứng khoán FLC và thu lợi bất chính, theo dự tính ban đầu là 975 tỷ đồng. Điều này đã gây thiệt hại đặc biệt lớn cho các nhà đầu tư.
Hiện nay Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiếp nhận 557 đơn của các nhà đầu tư tố cáo hành vi thao túng thị trường chứng khoán của Trịnh Văn Quyết và đồng phạm.
Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nên phát sinh rủi ro khi một bộ phận nhà đầu tư cá nhân chưa hiểu biết rõ về pháp luật đã gian lận khi xác định trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Một số tổ chức cung cấp dịch vụ (công ty chứng khoán, công ty kiểm toán, công ty thẩm định giá...) chưa tuân thủ quy định pháp luật trong việc tư vấn hồ sơ chào bán, kiểm toán báo cáo tài chính, định giá tài sản đảm bảo hoặc chào mời không đúng đối tượng nhà đầu tư hiện đang bị các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra để xử lý vi phạm, như vụ việc của Tân Hoàng Minh.
Bên cạnh đó là tình hình tài chính của một số doanh nghiệp phát hành còn hạn chế, một số doanh nghiệp sử dụng vốn cho mục đích không rõ ràng.
Đâu là nguyên nhân?
Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là thị trường chứng khoán tăng trưởng quá nhanh trong 2 năm gần đây phát sinh nhiều hành vi vi phạm tinh vi, gian lận quy định pháp luật trong khi quy định về mức xử phạt còn nhẹ, chế tài xử phạt chưa đủ tính răn đe; quy định về thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khi kiểm tra, thanh tra chưa đảm bảo khả năng giám sát toàn diện đối với những hành vi vi phạm mới phát sinh. Điều kiện phát hành trái phiếu và điều kiện trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Luật Chứng khoán đang tương đối thấp.
Bên cạnh đó, theo Bộ tài chính, nguyên nhân tiếp theo gây nên tình trạng mất “trong sạch” cho thị trường đến từ phía doanh nghiệp và nhà đầu tư. Trong đó, có doanh nghiệp cố tình vi phạm và thông đồng với các công ty chứng khoán, tổ chức cung cấp dịch vụ để thực hiện các hành vi gian lận trên thị trường.
Bộ cũng cho rằng nhận thức của nhà đầu tư còn hạn chế, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân, dù đã được thông tin, cảnh báo nhiều lần nhưng vẫn đầu tư theo tâm lý đám đông, tin đồn, chưa có kinh nghiệm phân tích, khả năng quản lý tài chính, đầu tư. Thậm chí, có nhiều cá nhân đã đầu tư theo hình thức hợp đồng góp vốn do đó không được coi là chủ sở hữu trái phiếu.
Để phát triển thị trường chứng khoán, trái phiếu minh bạch, bền vững, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ triển khai quyết liệt 6 nhóm giải pháp, trong đó có phối hợp chính sách tài khóa, tiền tệ; hoàn thiện khung pháp lý, quản lý giám sát…
Bên cạnh trà soát đồng bộ từ Luật đến các Nghị định và văn bản hướng dẫn để tăng cường minh bạch thông tin, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường thì Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu để sớm trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế.
Bộ này cũng đã có kế hoạch rà soát Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp để sửa đổi các quy định về điều kiện phát hành TPDN, điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, các biện pháp và chế tài xử phạt để tăng tính răn đe..
“Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an trong xác minh, điều tra, xử lý các vụ việc thao túng, phối hợp xử lý các tin đồn thất thiệt, sai sự thật, cung cấp thông tin cho cơ quan công an khi có các dấu hiệu nghi ngờ trong quá trình thanh, kiểm tra” – người đứng đầu ngành tài chính nhấn mạnh.
Về câu chuyện sử đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI chia sẻ rằng, hiện Luật đưa ra quá nhiều điều kiện cho việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, gây khó khăn huy động vốn trong khi điều cần hiện nay là công khai minh bạch thông tin. Cần phải hài hòa khi sửa đổi Nghị định 153, làm sao siết chặt quản lý nhưng không được kìm hãm thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Đảm bảo công khai minh bạch thông tin doanh nghiệp thông qua việc bắt buộc doanh nghiệp phải được xếp hạng tín nhiệm, thông tin được công bố công khai trên website doanh nghiệp cho nhà đầu tư.
"Doanh nghiệp cũng có thể phát hành trái phiếu khi doanh nghiệp thua lỗ, nhưng phải thông báo cho nhà đầu tư đang lỗ bao nhiêu? Hay có thể phát hành trái phiếu để đảo nợ, miễn là công khai minh bạch", ông Đức nhấn mạnh.
“Mấu chốt thông tin được rõ ràng, minh bạch mọi điều đều được chấp nhận khi công khai. Nếu áp dụng cả quy định cũ và mới, thì đa số các doanh nghiệp sẽ không thể phát hành trái phiếu doanh nghiệp", ông Trương Thanh Đức cho biết.