Thị trường chứng khoán hôm nay 6/4: Cổ phiếu bất động sản "rực lửa", dòng tiền tháo chạy khỏi nhóm đầu cơ
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường chứng khoán hôm nay 5/4: VN-Index mất điểm vì cổ phiếu ngân hàng, cổ phiếu hệ sinh thái FLC Group đỏ lửa sau phiên tăng trầnThị trường chứng khoán hôm nay 4/4: Nhóm FLC dư mua giá trần hàng chục triệu đơn vị, cổ phiếu chứng khoán dậy sóngThị trường chứng khoán hôm nay 1/4: Thị trường bùng nổ, VN-Index áp sát đỉnh cao lịch sử chỉ trong một phiên tăngVN-Index thoát hiểm
Trong phiên giao dịch sáng nay, thông tin Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố ông Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đã ảnh hưởng ít nhiều tới thị trường. Trong nửa đầu phiên, VN-Index bị đẩy xuống vùng 1.510 điểm, nhưng nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu công nghệ, thị trường đã dần hồi phục trở lại. Tuy nhiên, lực bán vẫn quá lớn khiến VN-Index vẫn bước vào phiên nghỉ trưa với sắc đỏ.
Bước vào phiên giao dịch chiều, đà giảm được thu hẹp dần, VN-Index hướng trở lại tham chiếu, nhưng chỉ 15 phút sau, lực bán đã ồ ạt diễn ra, nhất là tại nhóm cổ phiếu FLC và các mã có tính đầu cơ cao khiến VN-Index lao mạnh xuống dưới ngưỡng 1.510 điểm, xuyên thủng đáy của phiên sáng.
Tưởng chừng lệnh bán tháo ở nhóm cổ phiếu đầu cơ sẽ lan rộng ra các nhóm khác, khiến thị trường có phiên giảm sâu thì nhóm “đại gia” đã ra tay nâng đỡ kịp thời. Lực mua được thúc đẩy ở nhóm VN30 và một lần nữa dòng bank lại đóng vai trò chính để nâng đỡ thị trường trong những lúc hoảng loạn.
Chốt phiên hôm nay, VN-Index tăng 2,87 điểm (+0,19%), lên 1.522,9 điểm với 173 mã tăng, trong khi có tới 279 mã giảm và 42 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt 944 triệu đơn vị, giá trị 30.016,7 tỷ đồng, tăng 34,5% về khối lượng và 38,2% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 31,3 triệu đơn vị, giá trị 1.309 tỷ đồng.
Sàn HNX-Index giảm 9,27 điểm (-2,03%), xuống 446,83 điểm với chỉ 76 mã tăng, trong khi có tới 162 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 117,3 triệu đơn vị, giá trị 3.809,1 tỷ đồng, tăng 24,5% về khối lượng và 30,5% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 3 triệu đơn vị, giá trị 147,2 tỷ đồng.
UPCoM-Index giảm 0,86 điểm (-0,73%), xuống 116,84 điểm với 129 mã tăng và 208 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 70,2 triệu đơn vị, giá trị 1.899,3 tỷ đồng, giảm trên dưới 20% về thanh khoản và giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 17 triệu đơn vị, giá trị 642,6 tỷ đồng.
Cổ phiếu bất động sản lao dốc
Phiên giao dịch ngày 6/4 chứng kiến sự giằng co, phân hóa mạnh của thị trường. Trong suốt phiên, các cổ phiếu bất động sản, xây dựng trở thành “tội đồ” của thị trường khi tiếp tục bị bán mạnh và đồng loạt giảm sâu.
Trong đó, VIC lao dốc 2,19% vẫn là cổ phiếu khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất. Dù vậy mã này chiều nay đã có cải thiện nhẹ, giá chốt phiên tăng cao hơn buổi sáng khoảng 0,37%. Cổ phiếu này đang xuất hiện nỗ lực giữ giá sau khi có tin hạn chế cấp margin. Thanh khoản phiên này tăng 58% so với hôm qua, tăng 89% so với trung bình 20 phiên, nhưng giá vẫn “thoát đáy”.
Cùng với đó, đại đa số các mã nhóm này giảm giá mạnh, trong đó VHM giảm 0,13%, NVL giảm 1,6%, ITA giảm 2,66%, LDG giảm 3,52%, KHG giảm 4,57%, SJS giảm 5,18%, CTD giảm 6,42%; DIG, FLC, HQC, ROS đồng loạt giảm kịch sàn. Số ít cổ phiếu đi ngược xu hướng có thể kể đến BCM, VPI, CII, DPG.
Trái ngược với nhóm bất động sản, cổ phiếu ngân hàng ghi nhận màn trình diễn tích cực trong phiên. Trong đó, tăng mạnh nhất là LPB với mức tăng hơn 5% lên 20.850 đồng, thanh khoản 4,45 triệu đơn vị. Tiếp đến là VPB tăng 4,3% lên 39.950 đồng, là mã tăng mạnh nhất trong nhóm VN30, thanh khoản 41 triệu đơn vị, đứng thứ 3 thị trường. MBB tăng hơn 2,1% lên 33.350 đồng, khớp 16,79 triệu đơn vị. VCB tăng hơn 1,9% lên 84.600 đồng. TCB và STB tăng hơn 1,7% lên 49.900 đồng và 32.350 đồng, khớp hơn 9 triệu đơn vị và hơn 12 triệu đơn vị…
Riêng 4 mã ngân hàng hôm nay là VCB, VPB, MBB, TCB đã đóng góp cho VN-Index hơn 5 điểm.
Phân hóa xảy ra ở cổ phiếu chứng khoán khi SSI tăng 0,68%, VND tăng 2,6%, FTS tăng 3,47% nhưng VCI lại giảm 0,51%, HCM giảm 0,14%, ORS giảm 1,44%.
Cổ phiếu năng lượng cũng phân hóa khi GAS giảm 0,52%, PLX giảm 0,18%, PGV giảm 1,14% nhưng POW tăng 0,31%.
Đáng chú ý, trong phiên hôm nay các mã midcap, penny đặc biệt là dòng đầu cơ tiếp tục bị bán mạnh và áp lực điều chỉnh chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Điển hình như nhóm cổ phiếu “họ” FLC ( FLC và ROS) và họ nhà Gelex (GEX, VGC) giảm kịch sàn.
Ở nhóm sản xuất, các cổ phiếu lớn đa phần tăng điểm như HPG có thêm 2,49% giá trị, MSN tăng 1,45%, GVR tăng 1,65%, SAB tăng 1,99%, DGC tăng 0,84%. Tuy nhiên, sắc đỏ cũng hiện lên ở không ít cổ phiếu như VNM giảm 1,37%, DPM giảm 4,75%, DCM giảm 6,37%, SAM giảm 3,1%; TTF thậm chí còn giảm kịch sàn sau khi vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ quý II/2022.
Cổ phiếu bán lẻ giao dịch tích cực khi MWG tăng 2,32%, PNJ tăng 0,25%, FRT tăng 1,89%. "Ông lớn" công nghệ FPT tiếp tục hành trình phá đỉnh với mức tăng 3,67%.
Trái ngược, cổ phiếu hàng không chìm trong sắc đỏ khi VJC và HVN lần lượt giảm 0,35% và 0,99%.
Bất ngờ nhất, một cổ phiếu của doanh nghiệp bán tương ớt là CMF hôm nay tiếp tục chuỗi đà tăng 7 phiên liên tiếp đưa thị giá cổ phiếu của doanh nghiệp này tăng gấp đôi (lên 295.000 đồng) chỉ trong vòng 7 ngày, trở thành cổ phiếu có thị giá đắt thứ hai trên sàn chứng khoán Việt Nam, chỉ xếp ngay sau cổ phiếu (L14 - 340.000 đồng/cổ phiếu).
Khối ngoại hôm nay tập trung mua ròng vào các mã STB, SSI, MSN, VND, TPB, GVR... Ở chiều ngược lại, HCM, GAS, NLG… là những mã bị bán ròng mạnh nhất, với giá trị lần lượt là 53 tỷ, 41 tỷ và 34,8 tỷ đồng.