Thị trường chứng khoán hôm nay 6/12: Cổ phiếu lớn lại bị bán tháo, VN-Index "bốc hơi" gần 45 điểm
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường chứng khoán hôm nay 2/12: Cổ phiếu đua nhau bứt phá, VN-Index tăng "bốc đầu" gần 44 điểmThị trường chứng khoán hôm nay 1/12: Thanh khoản bùng nổ, tiền vào chứng khoán cao nhất trong hơn 7 thángThị trường chứng khoán hôm nay 30/11: Khối ngoại tiếp đà mua ròng, VN-Index có phiên tăng thứ 5 liên tiếpVN-Index bất ngờ giảm mạnh nhất Châu Á
Theo Tin nhanh chứng khoán, áp lực bán gia tăng ngay khi giao dịch trở lại phiên chiều, khiến VN-Index lùi về gần vùng đáy của phiên sáng quanh 1.070 điểm, trước khi nhận thêm một nhịp rơi mạnh mất gần 35 điểm về dưới 1.060 điểm sau thời điểm 14h.
Tại thời điểm này, nhiều cổ phiếu đã rơi sâu và cũng không ít mã rơi về giá sàn khiến lực mua bắt đáy gia tăng mạnh mẽ, kéo chỉ số về lại ngưỡng trên 1.070 điểm.
Tuy nhiên, áp lực chốt lời một lần nữa được tung mạnh vào thị trường khiến VN-Index quay đầu giảm và lần giảm này còn sâu hơn khiến chỉ số chính mất 40 điểm so với tham chiếu ngay trước phiên ATC và tiếp tục mất thêm gần 10 điểm về dưới 1.050 điểm trong những phút cuối.
Đóng cửa, sàn HoSE ghi nhận 87 mã tăng và 391 mã giảm (93 mã giảm sàn), VN-Index giảm 44,98 điểm (-4,11%), xuống 1.048,69 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt mức hơn 1.481,8 triệu cổ phiếu, giá trị 23.533 tỷ đồng, tăng 18% về khối lượng và 12% về giá trị so với phiên hôm qua.
Sàn HNX có 51 mã tăng và 131 mã giảm (trong đó 40 mã giảm sàn), HNX-Index giảm 7,16 điểm (-3,25%), xuống 212,8 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 186,7 triệu đơn vị, giá trị 2.716 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,72 triệu đơn vị, giá trị 160,1 tỷ đồng.
Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 2,22 điểm (-3,03%), xuống 71,02 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 67,77 triệu đơn vị, giá trị 685,44 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,2 triệu đơn vị, giá trị 22,7 tỷ đồng.
Cổ phiếu vốn hóa lớn lại bị bán tháo
Thị trường chứng khoán phiên giao dịch ngày 6/12 được kỳ vọng sẽ diễn biến tích cực sau thông tin Ngân hàng Nhà nước nới hạn mức tín dụng thêm 1,5 - 2%, ước tính quy mô tín dụng có thể tăng thêm 156.000-200.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, diễn biến thực tế trên các sàn lại đi ngược so với kỳ vọng, áp lực bán tháo tại các cổ phiếu vốn hóa lớn bắt đầu lan rộng ra thị trường để đẩy các chỉ số nhanh chóng tụt dốc.
Một số chuyên gia cho rằng, dù thị trường đón nhận thông tin tích cực từ nới tín dụng nhưng lại chịu ảnh hưởng lớn bởi áp lực chốt lời ngắn hạn và phiên lao dốc từ chứng khoán Mỹ đêm qua (Dow Jones mất gần 500 điểm với nhiều cổ phiếu công nghệ bán tháo do lo ngại có thể Fed tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ).
Bộ chỉ số VN30 trong phiên hôm nay lao dốc 56,88 điểm (-5,12%) với toàn bộ 30 mã trong danh mục đều đi xuống. Trong đó, riêng 9 mã vốn hóa lớn gồm GVR, HPG, MBB, NVL, PDR, STB, VIB, VPB, VRE đều đã giảm về giá sàn.
Gây tác động xấu nhất lên thị trường đến từ nhóm ngân hàng. Trong đó, đứng đầu là VCB của Vietcombank với mức giảm 5,9% về 80.000 đồng. Ngoài ra còn có BID mất 5,2%, VPB giảm về giá sàn 16.900 đồng , CTG giảm 5,6% hay TCB đi lùi 6,7% về sát giá sàn.
Sau giai đoạn thăng hoa, cổ phiếu bất động sản đã chuyển biến xấu khi nhà đầu tư bán bằng mọi giá. Nhiều mã trắng bên mua có thể kể đến như NVL, PDR, DXG, NRC, DIG, CEO, HPX, LDG, HQC, BCG, CRE...
Cổ phiếu ngành thép cũng diễn biến không mấy tích cực với sắc xanh lơ tại HPG, HSG, NKG, SMC... Nhóm bán lẻ ghi nhận MWG của Thế Giới Di Động đi xuống 6,8% hay mức giảm tối đa tại DGW, FRT.
Mặc dù thị trường chìm trong sắc đỏ nhưng một số nhóm ngành có vốn hóa trung bình vẫn có diễn biến khá tốt, qua đó trở thành những điểm sáng hiếm hoi của thị trường chung.
Trong đó, cổ phiếu ngành thủy sản đang trở lại mạnh mẽ khi đi ngược xu hướng chung. Cụ thể, trong phiên đỏ lửa ngày 6/12 này nhiều mà đã tăng trần như VHC của Vĩnh Hoàn, ANV của Navico hay IDI, ACL...
Cổ phiếu ngành phân bón cũng có sắc tím tại BFC của Phân bón Bình Điển. Ngoài ra, DCM của Đạm Cà Mau bứt phá 4,3% đạt 30.050 đồng, DPM của Đạm Phú Mỹ thêm 3% đạt 42.300 đồng hay LAS của Lâm Thao tăng 1,1% ở mức 9.000 đồng.
Tương tự, nhóm cổ phiếu ngành nông nghiệp cũng đi ngược xu hướng với HAG (HAGL) và HNG (HAGL Agrico) đều tăng tối đa, thậm chí còn dư mua hàng triệu đơn vị. Hay như cổ phiếu DBC của Dabaco, TAR của Gạo Trung An hay BAF của Nông nghiệp BAF Việt Nam đều tăng từ 3-5%.
Trái với đà giảm của chỉ số chính, giao dịch khối ngoại trở thành điểm sáng khi họ mua ròng tổng giá trị hơn 817 tỷ đồng trên toàn thị trường.
Trên HoSE, khối này mua ròng khối lượng 28 triệu cổ phiếu, ghi nhận giá trị xấp xỉ 785 tỷ đồng. Trong đó, SSI được mua ròng nhiều nhất với giá trị 152 tỷ đồng, tiếp theo là VHM với 134 tỷ đồng. Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài còn mua ròng FUEVFVND và NLG với giá trị lần lượt 98 tỷ đồng và 55 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, DCM và VRE chịu áp lực bán ròng mạnh nhất với giá trị lần lượt là 39 tỷ đồng và 20 tỷ đồng. Xếp tiếp theo trong danh sách bán ròng còn có VSC (-13 tỷ đồng), DPM (-13 tỷ đồng) và CII (-12 tỷ đồng).
Trên HNX, khối ngoại mua ròng giá trị 42 tỷ đồng. Trong đó, PVS được mua ròng mạnh với 32 tỷ đồng, ngoài ra dòng vốn ngoại còn tìm tới IDC và CEO với giá trị lần lượt 6 tỷ và 3 tỷ đồng. Ngược lại, PLC bị bán ròng mạnh nhất 2 tỷ đồng trên HNX.
Trên UpCOM, nhà đầu tư ngoại hôm nay bán ròng 9 tỷ đồng. Với VEA và QTP hôm nay bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất 8 tỷ và 3 tỷ đồng tỷ đồng, VTP, CSI, PAT,.. cũng bị bán ròng với giá trị mỗi mã 1 tỷ đồng. Ngược lại, MCH và BSR hôm nay được mua ròng mỗi mã 2 tỷ đồng, tương tự, ACV, FOC, MPC,... được mua ròng mỗi cổ phiếu vài trăm triệu đồng.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai của chỉ số VN30 đều giảm mạnh, với VN30F2212 giảm 58 điểm, tương đương -5,25% xuống 1.046 điểm.