Thị trường chứng khoán hôm nay 4/8: VCB trở thành "đầu tàu" nâng đỡ chỉ số, VN-Index tăng phiên thứ 4 liên tiếp
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường chứng khoán hôm nay 3/8: VN-Index tiếp tục thăng hoa, tiến sát mốc 1.250 điểmThị trường chứng khoán hôm nay 2/8: Giữ vững sắc xanh, VN-Index vượt mốc 1.240 điểm với thanh khoản cải thiệnThị trường chứng khoán hôm nay 1/8: "Bank - chứng - thép" đồng thuận bứt phá, VN-Index tăng 25 điểm phiên đầu tháng 8VN-Index tăng phiên thứ 4 liên tiếp
Thị trường chứng khoán Việt Nam sau 3 phiên tăng điểm liên tiếp duy trì giao dịch tích cực trong phiên 4/8. Mặc dù một vài thời điểm xuất hiện áp lực chốt lời đẩy VN-Index lùi dưới ngưỡng tham chiếu, chỉ số chính nhanh chóng chinh phục mốc 1.250 nhờ dòng tiền đồng thuận tham gia dần về cuối phiên.
Theo Tin nhanh chứng khoán, đóng cửa, sàn HoSE có 231 mã tăng và 213 mã giảm, VN-Index tăng 4,39 điểm (+0,35%), lên 1.254,15 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 724,7 triệu đơn vị, giá trị 17.006,8 tỷ đồng, giảm 8% về khối lượng và 3% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 68,8 triệu đơn vị, giá trị 1.882,9 tỷ đồng.
Chốt phiên, sàn HNX có 108 mã tăng và 92 mã giảm, HNX-Index giảm 0,38 điểm (-0,13%), xuống 297,73 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 91,57 triệu đơn vị, giá trị 1.711,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,58 triệu đơn vị, giá trị 170,2 tỷ đồng.
Sàn UpCoM-Index tăng 0,55 điểm (+0,61%), lên 90,86 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 42,2 triệu đơn vị, giá trị 747,55 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,63 triệu đơn vị, giá trị 100,8 tỷ đồng.
VCB trở thành "đầu tàu" nâng đỡ chỉ số chính
Mặc dù có những lúc chịu áp lực bán mạnh, nhưng lực kéo tốt từ một số cổ phiếu đầu ngành đã giúp chỉ số tăng tốt về cuối ngày. Trong đó, dẫn đầu chính là mã ngân hàng VCB của Vietcombank khi góp đến 3,55 điểm tăng, thị giá mã này bất ngờ leo 3,8% lên mức 82.500 đồng.
Chỉ trong 13 phiên gần nhất, VCB đã tăng 15,7% giá trị, trở thành cổ phiếu có tốc độ tăng giá nhanh nhóm nhóm ngân hàng. Một lợi thế của VCB là mã này khởi động chậm, chỉ tạo đáy từ ngày 19/7 vừa qua trong khi nhiều mã ngân hàng khác tạo đáy từ giữa tháng 6. Sự lệch pha về thời gian này là một hiệu ứng tốt, vì sẽ đến lúc thị trường cần các trụ đỡ đủ lớn như phiên hôm nay.
Mức tăng này đã lan tỏa sang NAB, SGB, BVB, VPB, VBB… đều tăng điểm tốt với biên độ 1,4%-2,8%. Tuy vậy, chiều giảm giá trong nhóm ngân hàng ghi nhận STB, CTG, EIB, BAB… giảm nhẹ dưới 1%.
Tiếp đến là các mã bất động sản VHM của Vinhomes tăng giá 1,8% đạt 63.000 đồng và NVL của Novaland nhảy vọt 3% lên 78.500 đồng. Hay BCM của Becamex cũng đóng góp tốt với mức tăng giá 2,5% ở 76.700 đồng.
Phần lớn các nhóm ngành có diễn biến phân hóa với sự đan xen giữa sắc xanh và sắc đỏ. Ở nhóm chứng khoán, HCM tăng 0,93% còn VIX, TVS, AGR đứng giá tham chiếu, trong khi VND giảm 0,71%, SSI giảm 1,49%, VCI giảm 1,82%.
Nhóm thủy sản ghi nhận sự tăng điểm của MPC, ABT, AAM… trong khi IDI, CMX, ACL, FMC… ngược chiều giảm điểm. Tuy nhiên, nhóm phân bón lại giao dịch không mấy tích cực, PCE, DPM, LAS, BFC.. đi lùi, nhiều ông lớn khác như DCM hay DDV dừng ở mức tham chiếu.
Nhóm bất động sản xây dựng chứng kiến nhiều diễn biến trái chiều. Tại chiều khởi sắc, nhiều cổ phiếu đồng thuận tăng điểm với mức tăng dao động từ 3% đến 6% như PV2, TIG, DPG, NVL… Song, hàng loạt mã giảm điểm mạnh đẩy thị trường rơi vào thế chống đỡ HDG, QCG, GEX, KBCF, DRH…
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu dầu khí GAS của PV Gas gây ra tác động xấu nhất bởi mức giảm mạnh 2,7% về 109.000 đồng. Bên cạnh đó, còn có đà đi xuống đáng kể của Sabeco (SAB) và Masan (MSN) hay Viglacera (VGC).
Độ rộng của thị trường nhìn chung vẫn không có nhiều khác biệt với sự lấn lướt nhẹ của sắc xanh. Toàn sàn có 517 mã tăng giá, 410 mã giảm giá và 191 mã đứng tại tham chiếu.
Thanh khoản toàn thị trường nhìn chung vẫn ở mức cao so với trung bình gần đây ở mức 19.773 tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ 2% so với hôm qua. Trong đó khớp lệnh sàn HoSE sụt nhẹ về mức 15.124 tỷ đồng.
Về giao dịch khối ngoại, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng nhẹ 54 tỷ đồng toàn thị trường.
Trên HoSE, khối ngoại mua ròng 56 tỷ đồng, tiêu điểm gom ròng các mã Bluechips như VHM, HPG, VCB.. lần lượt 185 tỷ, 91 tỷ và 68 tỷ đồng.Tại chiều bán ròng, khối ngoại bán mạnh nhất 2 chứng chỉ quỹ FUEVFVND và E1VFVN30 lần lượt 225 tỷ và 116 tỷ đồng. Theo sau, MSN, KBC, GAS cũng bị bán mạnh trong phiên.
Tại sàn HNX, khối ngoại bán ròng nhẹ gần 17 tỷ đồng, tập trung bán SHS (-15 tỷ đồng), NVB (-2 tỷ đồng)… Chiều ngược lại, họ gom ròng TNG, IDC, BAX mạnh nhất phiên, tuy nhiên giá trị không đáng kể, dưới 1 tỷ đồng.
Tại sàn UpCOM, khối ngoại mua ròng 15 tỷ đồng, tập trung gom VTP (8 tỷ đồng) và VEA (6 tỷ đồng). Chiều bán ròng, họ bán QNS gần 5 tỷ đồng, xếp tiếp theo danh sách còn có CSI, ACV, AMS…
Trong báo cáo mới đây về kinh tế và thị trường chứng khoán 7 tháng đầu năm 2022, ông Michael Kokalari, Chuyên gia kinh tế trưởng của VinaCapital, đánh giá đã có sự phân hóa đáng kể giữa chỉ số VN-Index và tăng trưởng GDP.
Theo đó, tính đến ngày 2-8, VN-Index giảm 17% so với đầu năm, trong bối cảnh số liệu thống kê kinh tế cho thấy nền kinh tế trong tháng 7 vừa qua tiếp tục phát triển với nền tảng 6 tháng đầu năm đầy tích cực.
“Nền kinh tế Việt Nam thậm chí còn tích cực hơn chúng tôi mong đợi vào đầu năm nhưng sức mạnh đó không được phản ánh vào giá cổ phiếu vì ảnh hưởng đến từ việc Fed tăng lãi suất mạnh và việc xử lý, cải cách gần đây ở Việt Nam”, ông Michael Kokalari lý giải.
Theo ông Michael Kokalari, ngoài diễn biến đi ngược chiều giữa VN-Index và tăng trưởng GDP, thị trường chứng khoán cũng sẽ chứng kiến sự phân hóa đáng kể giữa giá cổ phiếu các công ty có mức tăng trưởng thu nhập cao vượt trội so với thị trường nói chung.
Đây cũng là cơ sở hỗ trợ cho đà phục hồi của VN-Index trong 5 tháng còn lại của năm 2022. Trong năm ngoái, thu nhập doanh nghiệp tăng 36% cũng được đánh giá là một yếu tố thúc đẩy giúp VN-Index tăng 37%, theo đại diện VinaCapital.