Thị trường chứng khoán hôm nay 28/3: Cổ phiếu "họ FLC" kéo nhóm bất động sản lao dốc, VN-Index bay hơn 15 điểm trong phiên đầu tuần
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường chứng khoán hôm nay 25/3: VN-Index vẫn chốt dưới mốc 1.500, nhóm dệt may nổi sóngThị trường chứng khoán hôm nay 24/3: Bluechips đồng loạt giảm, VN-Index mất mốc 1.500 điểmThị trường chứng khoán hôm nay 23/3: VN-Index đứt mạch chuỗi tăng 6 phiên liên tiếpVN-Index rơi mạnh 15 điểm
Phiên 28/3, thị trường chịu áp lực bán ngay từ sáng sau khi xuất hiện các tin đồn xung quanh Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết. Hàng loạt cổ phiếu "họ FLC" như FLC, ROS, KLF, HAI, ART giảm kịch sàn. Sang đến phiên chiều, áp lực bán lớn hơn khi xuất hiện thông tin ông Trịnh Văn Quyết bị tạm hoãn xuất cảnh.
Áp lực bán ồ ạt tại hàng loạt nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong khi lực mua quá yếu ớt đã khiến VN-Index không thể hồi phục trong toàn bộ thời gian giao dịch. Chốt phiên, sàn HOSE có 142 mã tăng (19 mã tăng trần) và 315 mã giảm (16 mã sàn), VN-Index giảm 15,32 điểm (-1,02%) xuống 1.483,18 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 1.065,5 triệu đơn vị, giá trị hơn 32.880 tỷ đồng, tăng 38,56% về khối lượng và 34% giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 25/3. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 76,5 triệu đơn vị, giá trị 2.388,36 tỷ đồng.
Sàn HNX có 87 mã tăng và 169 mã giảm, HNX-Index giảm 6,86 điểm (-1,48%) xuống 454,89 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 148,45 triệu đơn vị, giá trị 4.467,73 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,4 triệu đơn vị, giá trị gần 198 tỷ đồng.
Đóng cửa phiên giao dịch, UpCoM-Index giảm 1 điểm (-0,85%) xuống 116,01 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 86,82 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.819 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 6 triệu đơn vị, giá trị 214,38 tỷ đồng.
Cổ phiếu "họ FLC" kéo nhóm bất động sản lao dốc
Tâm điểm trong phiên đầu tuần đến từ nhóm cổ phiếu "họ FLC", trừ GAB không giao dịch, toàn bộ các mã FLC, ART, ROS, KLF, HAI, AMD đồng loạt giảm sàn ngay từ những phút đầu phiên, dư bán giá sàn lên tới hàng chục triệu đơn vị trên mỗi cổ phiếu. Tổng lượng dư bán sàn và dư bán tại phiên ATC của các mã này lên tới mức kỷ lục 230 triệu đơn vị.
Nhóm bất động sản chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ "họ FLC". Cụ thể, hàng loạt cổ phiếu giảm kịch sàn như DIG, HQC, QCG, LDG, NBB, VRC, HAR... Sắc đỏ bao trùm cả nhóm, trong đó VHM giảm 1,32%, NVL giảm 1,32%, BCM giảm 1,89%, VRE giảm 2,14%, NLG giảm 4,43%, DXS giảm 5,96%, ITA giảm 5,71%, TCH giảm 4,11%...
Tại nhóm ngân hàng, toàn bộ cổ phiếu trên sàn HoSE đều "đỏ lửa", trong đó VPB giảm 1,36% đóng góp 0,94 điểm giảm; SHB giảm 2,73% qua đó đóng góp 0,83 điểm giảm cho VN-Index, TCB giảm 0,91% đóng góp 0,62 điểm giảm cho VN-Index, ACB giảm 1,07% đóng góp 0,49 điểm giảm cho VN-Index; HDB giảm 1,97% đóng góp 0,47 điểm giảm cho VN-Index.
Xét về mức độ đóng góp, cổ phiếu STB trở thành "tội đồ" lớn nhất khiến VN-Index đánh rơi tới gần 2 điểm trong phiên đầu tuần khi giảm mạnh 5,35% về mức giá 31.850 đồng/cổ phiếu. Thông tin đáng chú ý là STB hiện đang là "chủ nợ" lớn nhất của FLC với giá trị cho vay theo BCTC năm 2021 là 1.840 tỷ đồng.
Cổ phiếu ngân hàng và bất động sản là hai nhóm đang chiếm vốn hóa lớn nhất của thị trường chứng khoán thời điểm hiện tại. Việc thị trường tăng điểm trong thời gian qua một phần cũng nhờ tới việc dòng tiền trở lại các cổ phiếu này. Do đó, trong phiên hôm nay, bluechips dòng bất động sản và nhà bằng đồng loạt nhuộm sắc đỏ cũng đã khiến thị trường mất đi hai trụ đỡ quan trọng.
Cổ phiếu chứng khoán cũng không tránh khỏi xu hướng tiêu cực khi SSI giảm 2,76%, VCI giảm 1,91%, VND giảm 2,89%, VIX giảm 5,53%, TVS giảm 3,03%, BSI giảm 3,94%... Riêng FTS tăng mạnh 6,51%.
Ở nhóm sản xuất, các cổ phiếu lớn nhất là HPG, MSN, VNM, GVR đều ghi nhận sắc đỏ, lần lượt mất đi 1,08%, 0,55%, 2,39% và 2,45% giá trị. Trái lại, các cổ phiếu vốn hóa nhỏ hơn lại diễn biến khá tích cực, đặc biệt là cổ phiếu phân bón - hóa chất và thủy sản. Cụ thể, DPM tăng 1,65%, DCM tăng 3,97%; trong khi VHC tăng 2,66%, ANV tăng 4,19%, FMC và IDI tăng kịch trần.
Cổ phiếu hàng không giao dịch kém khả quan khi VJC và HVN lần lượt giảm 1,54% và 1,58%. Trái lại, cổ phiếu vận tải thủy giao dịch tích cực khi GMD tăng 2,74%, TMS tăng 1,35%, PVT tăng 1,56%, VSC tăng 1,22%...
Ở chiều ngược lại, sắc xanh le lói tại một số cổ phiếu bán lẻ giúp thị trường có lực chống đỡ, thu hẹp một phần đà giảm. Theo đó, MWG ngược dòng tăng mạnh 3,67% lên mức 144.000 đồng/cổ phiếu đã trở thành "công thần" lớn nhất giúp VN-Index tăng 1,43 điểm. Bluechips khác là FPT và DGC kết phiên với sắc xanh cũng là các nhân tố tác động tích cực cho thị trường trong phiên hôm nay.
Trước đó, hầu hết các công ty chứng khoán vẫn đưa ra những nhận định khá tích cực về xu hướng tích lũy của thị trường để chuẩn bị cho giai đoạn tăng điểm trong thời gian tới.
Tuy nhiên, những dự báo trên đã hoàn toàn sụp đổ trước thông tin nóng liên quan đến Chủ tịch Tập đoàn FLC. Theo đó, thị trường bước vào phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 28/3 không mấy khả quan.
Báo cáo mới đây của Chứng khoán ACB (ACBS) đã đánh giá, mặc dù chỉ số VN-Index đã tăng 17,4% CAGR trong giai đoạn 5 năm từ 2017-2021, song thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn không bị định giá quá cao. So với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận 15,8% CAGR trong 5 năm qua cùng với mức tăng trưởng lợi nhuận dự kiến đạt 21,8% trong năm 2022, ACBS cho rằng mức định giá hiện nay của thị trường chứng khoán Việt Nam là hợp lý.
Dự phóng kịch bản cho VN-Index trong năm 2022, trong kịch bản trung lập, ACBS ước tính chỉ số VN-Index sẽ đạt trên 1.700 điểm, tương đương với mức 2022 P/E là ~ 13,8x.