Thị trường chứng khoán hôm nay 24/8: Cổ phiếu lương thực thăng hoa, VN-Index tiếp tục tăng điểm tích cực
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường chứng khoán hôm nay 23/8: Lực cầu cuối phiên giúp VN-Index nhảy vọt lên ngưỡng 1.270 điểmThị trường chứng khoán hôm nay 22/8: Sắc đỏ ngập tràn, VN-Index có phiên giảm điểm mạnh nhất 6 tuầnThị trường chứng khoán hôm nay 19/8: Áp lực bán gia tăng, VN-Index giảm hơn 4 điểm phiên cuối tuầnVN-Index tăng thêm 6 điểm
Theo Tin nhanh chứng khoán, tiếp nối đà phục hồi của phiên chiều qua, thị trường chứng khoán lấy được sắc xanh ngay từ khi mở cửa phiên sáng với sự dẫn dắt của một số mã lớn trong nhóm ngân hàng. Tuy nhiên, việc thiếu động lực khiến VN-Index 2 lần thất bại khi test lại ngưỡng kháng cự 1.280 điểm.
Bước vào phiên chiều, VN-Index tiếp tục mở rộng chiều đi lên trong phần lớn thời gian giao dịch trước khi chịu áp lực bán mạnh về cuối ngày. Nhiều người lo ngại về kịch bản thị trường sẽ diễn biến theo kiểu kéo xả điển hình và VN-Index sẽ bị “knock out”, song thị trường vẫn diễn biến khả quan và tăng điểm về cuối phiên.
Chốt phiên, VN-Index tăng 6,35 điểm (+0,50%), lên 1.277,16 điểm với 279 mã tăng và 172 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 601,9 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 15.195,6 tỷ đồng, tăng 6,6% về khối lượng và 8% về giá trị so với phiên giao dịch hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 82 triệu đơn vị, giá trị 2.395 tỷ đồng.
Đóng cửa, chỉ số HNX-Index tăng 2,16 điểm (+0,7%), lên 301,3 điểm với 112 mã tăng và 79 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch ở mức 74 triệu đơn vị, giá trị đạt 1.731,3 tỷ đồng, giảm 22% về khối lượng và 12% về giá trị so với phiên hôm qua.
Với 215 mã tăng và 85 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,52 điểm (+0,56%), lên 93,30 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 46,3 triệu đơn vị, giá trị 1.000,3 tỷ đồng, giảm về khối lượng, ngược lại tăng nhẹ về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 1 triệu đơn vị, giá trị 19,4 tỷ đồng.
Cổ phiếu lương thực hút dòng tiền mạnh mẽ
Tâm điểm của thị trường chứng khoán Việt Nam hôm nay hướng về nhóm cổ phiếu lương thực và dịch vụ nông nghiệp khi nhà đầu tư lo ngại về tình trạng thiếu lương thực trên toàn cầu sau những xung đột diễn ra tại Ukraine và hạn hán kỷ lục tại Trung Quốc.
Phiên hôm nay, cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia lai tiếp tục bứt phá với chiến lược một cây con của doanh nghiệp. Cổ phiếu HAG hôm nay tăng giá 2,4% lên 12.650 đồng với thanh khoản gần 27 triệu cổ phiếu, trở thành mức giao dịch cao nhất sàn chứng khoán.
Tương tự, mã HNG của HAGL Agrico cũng bứt phá 3,8% lên 7.200 đồng với thanh khoản đạt hơn 15,5 triệu cổ phiếu. Được biết, hai công ty này mới thông báo sẽ tách bạch nghĩa vụ tài sản thế chấp với nhau.
Một tập đoàn nông nghiệp lớn là PAN Group cũng ghi nhận cổ phiếu tăng hết biên độ lên mức 24.800 đồng với 4,5 triệu cổ phiếu được sang tay, mức này cao gấp 4 lần thanh khoản bình quân trước đó. Tập đoàn này sở hữu danh mục dày đặc về lúa gạo, thủy sản, giống cây trồng, cà phê, hạt điều,...
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu xuất khẩu gạo cũng hút dòng tiền lớn. Trong đó, TAR của Gạo Trung An ghi nhận tăng trần tại 27.100 đồng AGM của Angimex có thêm 6,1% đạt 30.450 đồng hay LTG của Lộc Trời bứt tốc 6,6% lên 37.300 đồng.
Đồng thời, trong nhóm hóa lớn còn phải ghi nhận VNM của Vinamilk bứt phá mạnh nhất 2,5% lên 77.700 đồng hay NAF của công ty chanh dây Nafoods tăng 4,2%. Cổ phiếu dịch vụ nông nghiệp đơn cử như Vật tư nông nghiệp TSC tăng trần, phân bón DCM tăng 5,4%, Khử trùng VFG tăng thêm 5,7%...
Dù vậy, dẫn dắt xu hướng tăng điểm của thị trường chủ yếu vẫn đến từ nhóm vốn hóa lớn mà cụ thế là cổ phiếu ngân hàng. Trong đó, "đầu tàu" của nhóm cũng như của cả thị trường là VCB với mức tăng 2,24%, trở thành cổ phiếu tác động tích cực nhất tới VN-Index. Trong nhóm này còn có STB tăng 1,6%; TCB tăng 1,16%; các cổ phiếu khác như VPB, MBB, ACB, TPB, HDB, MSB,... đều tăng dưới 1%. Sắc đỏ hiện lên ở số ít cổ phiếu như BID, VIB, EIB, SHB LPB nhưng mức giảm đều khá khiêm tốn.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu SAB của Sabeco có lực kéo nhiều nhất khi mất 1,6% về 187.000 đồng. Bên cạnh đó còn là sắc đỏ của BID, MSN, HPG hay VIC.
Đáng chú ý, sau thông tin lô hàng mì Omachi bị tịch thu tại nước ngoài, cổ phiếu MSN của Masan bất ngờ bị bán mạnh về cuối phiên, chuyển từ sắc xanh bật ngược sang sắc đỏ giảm 0,6% về mức 111.900 đồng.
Nhìn chung thị trường vẫn ghi nhận bên mua chiếm ưu thế hơn. Toàn sàn ghi nhận 606 mã tăng điểm, trong khi chỉ có 336 mã giảm giá và 199 mã đứng tại tham chiếu. Thanh khoản toàn thị trường không nhiều biến động với tổng giá trị giao dịch là 17.927 tỷ đồng. Trong đó, giá trị khớp lệnh trên HoSE nhích nhẹ 2%, đạt hơn 12.800 tỷ đồng.
Về giao dịch khối ngoại, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng tổng cộng 160 tỷ đồng toàn thị trường. Trong đó, trên HoSE, họ bán ròng 162 tỷ đồng với khối lượng bán ròng hơn 4 triệu cổ phiếu, tâm điểm bán ròng là DGC (-69 tỷ đồng). Bên cạnh đó các mã SSI, HPG, KBC, CTG cũng bị bán ròng mạnh trong phiên với giá trị bán ròng mỗi mã trên 30 tỷ đồng. Ở chiều mua, nhà đầu tư ngoại mua ròng mạnh nhất VNM (+155 tỷ đồng), theo sau là PVD, HDG, VND, FTS,…
Trên HNX, khối này mua ròng dè dặt hơn với 4 tỷ đồng, tập trung gom các mã như PVS, TNG, PVG,… Tại chiều bán, VCS bị bán ròng nhiều nhất với 1,4 tỷ đồng. Hay IDC, IVS, PLC, PHP,.. cũng bị bán ròng song giá trị không đáng kể.
Tại sàn UpCOM, khối ngoại bán ròng giá trị gần 3 tỷ đồng. Trong đó, BSR là cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất với giá trị 14 tỷ đồng. Ngược lại, QNS được gom ròng mạnh nhất với 11 tỷ đồng. VTP, VEA, MPC,.. cũng được mua ròng trong phiên hôm nay.