Thị trường chứng khoán hôm nay 18/8: VN-Index quay đầu giảm nhẹ trong phiên đáo hạn phái sinh
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường chứng khoán hôm nay 17/8: Cổ phiếu lớn "cởi trói" áp lực cho thị trường giúp VN-Index duy trì sắc xanhThị trường chứng khoán hôm nay 16/8: Thanh khoản bùng nổ tại nhóm thép, VN-Index nhích tăngThị trường chứng khoán hôm nay 12/8: Cổ phiếu thép "dậy sóng", VN-Index bất ngờ tăng mạnh dù thanh khoản giảm sâuVN-Index đảo chiều giảm trong phiên đáo hạn phái sinh
Theo Tin nhanh chứng khoán, nhịp giảm cuối phiên sáng tiếp tục được đẩy mạnh ngay khi bước vào phiên giao dịch buổi chiều khiến VN-Index lao khá nhanh xuống dưới mốc 1.270 điểm. Tuy nhiên, nhóm trụ như VIC, GAS, MSN, SAB đã kéo VN-Index có nhịp hồi 13 điểm để vượt qua ngưỡng cản mạnh 1.280 điểm.
Tuy nhiên, do hôm nay là phiên đáo hạn phái sinh tháng 8, thường xuất hiện những diễn biến bất thường trong những phút cuối phiên, nên nhà đầu tư vẫn giữ tâm lý thận trọng, không vội vã mua đuổi vì sợ sập bẫy.
Diễn biến thị trường sau đó đã cho thấy sự thận trọng này là hợp lý khi VN-Index vừa vượt qua ngưỡng 1.280 đã nhanh chóng bị đẩy trở lại. Nhịp giảm này đã khiến VN-Index mất 6 điểm sau đó hồi nhẹ ở mức 1.278,73 điểm trước khi bước vào đợt ATC.
Chốt phiên, sàn HoSE ghi nhận 132 mã tăng và 311 mã giảm, VN-Index giảm 1,62 điểm (-0,13%), xuống mốc 1.273,66 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 599 triệu đơn vị, giảm gần 16% về khối lượng và 13% về giá trị so với phiên giao dịch hôm qua. Về giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 40,65 triệu đơn vị, giá trị 1.270 tỷ đồng.
Đóng cửa, sàn HNX có 79 mã tăng và 107 mã giảm, chỉ số HNX-Index giảm 1,4 điểm (-0,46%), xuống 301,19 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 71,5 triệu đơn vị, giá trị 1.386,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 2,4 triệu đơn vị, giá trị 70,7 tỷ đồng.
Sàn UpCoM-Index giảm 0,22 điểm (-0,24%), xuống 92,85 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 28,3 triệu đơn vị, giá trị 516,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 9,66 triệu đơn vị, giá trị 289,1 tỷ đồng, trong đó, chủ yếu là hơn 6,9 triệu cổ phiếu KLB, trị giá hơn 188 tỷ đồng.
Cổ phiếu chứng khoán bứt phá
Biến động trong phiên giao dịch đáo hạn phát sinh không phải điều quá bất ngờ. Trong rổ VN-30, cổ phiếu SAB dẫn đầu cũng chỉ tăng 2,7% lên 193.500 đồng/CP; GAS tăng 1,2%; VIC tăng 1,2%; VNM tăng 1,1%; SSI tăng 2,2% lên 25.100 đồng/CP. Một số mã khác như ACB, HDB, MSN, PDR, VJC, VRE tăng nhẹ.
Ở chiều ngược lại, NVL giảm 1,5%; BID giảm 1%; CTG giảm 1,2%. Các mã: BVH, GVR, HPG, MBB, MWG, PLX, STB, TCB, VHM, VIB, VPB giảm nhẹ.
Xét về từng nhóm ngành, sắc đỏ phủ kín tại các nhóm Bất động sản, Bảo hiểm, Xây dựng, Ngân hàng, Bán lẻ... Cụ thể, nhóm Bất động sản - Xây dựng ghi nhận nhiều mã giảm, trong đó, VIC tăng khá mạnh trong phần lớn thời gian nhưng kết phiên chỉ có thêm 1,19% giá trị. Các cổ phiếu ghi nhận sắc xanh khác có thể kể đến như VRE, PDR, VPI nhưng gây ấn tượng nhất vẫn là LGC khi tăng kịch trần. Tuy nhiên, sắc đỏ vẫn chiếm chủ đạo, trong đó NVL giảm 1,54%, BCM giảm 1,6%, KBC giảm 2,16%, NLG giảm 2,51%, TCH giảm 1,62%, HPX giảm 1,12%, HBC giảm 2,27%, SZC giảm 2,04%, CII giảm 2%, FLC giảm kịch sàn...
Phiên hôm nay, cổ phiếu FLC lại dư bán giá sàn hơn 18,8 triệu cổ phiếu, HAI cũng nằm sàn hơn 4,4 triệu cổ phiếu. Theo đó, giá FLC giảm kịch sàn 7% xuống còn 4.950 đồng/cổ phiếu. HAI cũng giảm sàn, xuống 2.270 đồng/cổ phiếu. Đây là phiên thứ 2 liên tiếp ghi nhận các cổ phiếu này lao dốc.
Đáng chú ý, một cổ phiếu khác trong họ FLC là GAB của CTCP Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC cũng vừa bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) nhắc nhở về việc chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022. Được biết, cổ phiếu này đã nhiều tháng không có giao dịch, cụ thể là từ sau phiên giao dịch ngày 25/3/2022 đến nay không có cổ phiếu nào được chuyển nhượng.
Tương tự, ở nhóm ngân hàng, sắc đỏ lấn át sắc xanh. Trong đó, BID giảm 1%, CTG giảm 1,2%, LPB giảm 1,26%, OCB giảm 1,37%. Những mã còn lại đa phần đều giảm dưới 15. Trên HoSE chỉ có ACB và HDB ghi nhận sắc xanh nhưng mức tăng cũng chỉ khiêm tốn; còn VCB, TPB và MSB đứng giá tham chiếu.
Nhóm dầu khí cũng chỉ có PVB, PVS cùng tăng 1,2%, còn lại các mã GAS, PLX, PVC, PVD chìm trong sắc đỏ.
Đi ngược với xu hướng chung, nhóm chứng khoán lại có phần khởi sắc hơn. Một số mã cổ phiếu như HCM (+4,81%); PSI (+4,55%); CSI (3,69%); HBS (+2,67%)… đều tăng với biên độ khá rộng. Đáng chú ý, SSI (+2,24%) và VND (+1,12%) là 2 mã có thanh khoản mạnh nằm top 3 với giá trị giao dịch lần lượt là 717 tỷ đồng và 500 tỷ đồng.
Bên cạnh nhóm chứng khoán, cổ phiếu ngành hóa chất phân bón cũng giao dịch khả quan trong sắc xanh. Cụ thể, CSV, DGC, PCE, DCM, DPM, PSW, LAS… đều tăng điểm, mặt khác nhiều cổ phiếu vẫn kém sắc hơn như DDV, BFC, SFG, HVT… giảm điểm nhẹ với biên độ không đáng kể.
Phiên giao dịch hôm nay ghi nhận 311 mã giảm giá trong khi số mã tăng là 132 tại HoSE, điều này gây áp lực giảm giá lan rộng từng nhóm cổ phiếu.
Trên HoSE, thanh khoản có phần đi lùi, tổng giá trị giao dịch đạt 15.352 tỷ đồng, trong đó giá trị khớp lệnh đạt 14.081 tỷ đồng, giảm gần 10% so với phiên hôm qua.
Về giao dịch khối ngoại hôm nay họ quay đầu mua ròng 110 tỷ đồng trên toàn thị trường. Trong đó, trên HoSE, nhà đầu tư ngoại mua ròng 118 tỷ đồng với khối lượng gần 6 triệu cổ phiếu, tập trung gom VNM với giá trị 116 tỷ đồng. Đồng thời, khối ngoại còn mua ròng các mã SSI, HDB, VND, STB,... trong phiên hôm nay. Ở chiều bán ròng, VHM là mã cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất phiên với 103 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, nhà đầu tư nước ngoài hôm nay mua ròng 14 tỷ đồng, tâm điểm gom thuộc về PVS với 21 tỷ đồng. Chiều ngược lại, khối ngoại bán TNG và IDC mỗi mã 4 tỷ đồng.
Ngược lại, tại sàn UpCOM, khối ngoại bán ròng 23 tỷ đồng, BSR là cái tên bị bán ròng mạnh nhất với giá trị 25 tỷ đồng. Tại chiều mua, nhóm này dè dặt gom ròng ACV, MPC, CSI,... với giá trị không đáng kể.