Thị trường chứng khoán hôm nay 12/9: Chứng khoán gặp khó ngày đầu tuần, cổ phiếu bán lẻ tỏa sáng
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường chứng khoán hôm nay 9/9: VN-Index bất ngờ tăng hơn 14 điểm cuối phiên, cổ phiếu dầu khí dẫn sóngThị trường chứng khoán hôm nay 8/9: VN-Index mất thêm gần 9 điểm, cổ phiếu FLC tăng trần trước khi rời sànThị trường chứng khoán hôm nay 7/9: "Cổ phiếu vua" bị bán mạnh, VN-Index "bốc hơi" hơn 34 điểmVN-Index tăng nhẹ 0,84 điểm
Theo Tin nhanh chứng khoán, sau tuần giảm khá mạnh hơn 31 điểm, thị trường tiếp đà hồi phục ở phiên cuối tuần 9/9 với đà tăng nhẹ, chỉ số biến động lình xình quanh mốc 1.255 điểm trong suốt cả phiên giao dịch sáng hôm nay 12/9. Đặc biệt, hôm nay là phiên đầu tiên áp dụng hình thức bán chứng khoán lô lẻ. Thông tin này được kỳ vọng sẽ tác động tốt đến tâm lý nhưng lại không gây ra biến động do giá trị giao dịch khá thấp.
Trên thực tế, nhà đầu tư mua bán lô lẻ được thực hiện trên một bảng giá riêng biệt với lô chẵn là lượng giao dịch nhỏ giọt để chủ yếu phục vụ cho việc xử lý cổ phiếu thừa trong danh mục, chứ không có tác động đáng kể nào đến diễn biến thị trường.
Bước sang phiên chiều, thị trường không có thêm tín hiệu lạc quan và tiếp tục duy trì trạng thái ảm đạm bởi dòng tiền khá nhỏ giọt.
Chỉ số VN-Index duy trì đà tăng nhẹ trong suốt cả phiên giao dịch trước khi thu hẹp về cuối phiên. Một số nhà đầu tư mất kiên nhẫn đã gia tăng áp lực bán lên thị trường trong đợt khớp lệnh ATC, qua đó khiến nhiều mã thu hẹp biên độ hoặc điều chỉnh, đẩy VN-Index lùi về sát mốc tham chiếu.
Đóng cửa, sàn HoSE ghi nhận 238 mã tăng và 215 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 0,84 điểm (+0,07%) lên mức 1.249,62 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 410 triệu đơn vị, giá trị ở mức xấp xỉ 10.748 tỷ đồng, giảm 30% về khối lượng và 22,12% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 19,46 triệu đơn vị, giá trị hơn 696 tỷ đồng.
Sàn HNX có 101 mã tăng và 89 mã giảm, HNX-Index giảm 1,55 điểm (-0,54%) xuống 283,08 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 51,3 triệu đơn vị, giá trị 1.108,9 tỷ đồng. Về giao dịch thỏa thuận có thêm 7,64 triệu đơn vị, giá trị 293,2 tỷ đồng.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,4 điểm (-0,44%) xuống 90,25 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 23,14 triệu đơn vị, giá trị 471,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,88 triệu đơn vị, giá trị hơn 170,24 tỷ đồng.
Nhóm Vingroup phân hóa mạnh
Đóng góp tích cực nhất cho chỉ số trong phiên hôm nay đến từ mã VHM của Vinhomes khi mã này tăng giá 2,5% lên 61.400 đồng (mang về hơn 1,6 điểm cho thị trường).
Trong khi tổng thể nhóm cổ phiếu bán lẻ có mức độ tác động lớn nhất với nhiều mã tăng mạnh. Trong đó, đáng kể là MWG của Thế giới Di Động tăng 2,8% lên 74.000 đồng hay cổ phiếu VRE của Vincom Retail leo 4,5% đạt 28.750 đồng.
Ngoài ra, một số mã bán lẻ khác cũng bứt phá ấn tượng như DGW của Digiworld tăng 5,7% lên mức 77.700 đồng, FRT của FPT Retail leo 4,2% ở 91.900 đồng hay PET của Petrosetco có thêm 2,6%... với kỳ vọng đạt doanh số cao sau khi iPhone 14 ra mắt.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu dầu khí cũng giao dịch khởi sắc khi một số dự án lớn có tín hiệu khởi động. Theo đó, mã PVB tăng trần lên 17.200 đồng, PFL bứt phá 7,8%, PXT có thêm 6% hay PVD tăng thêm 2,9% lên mức 21.100 đồng...
Ngược lại, ở chiều kéo có sự góp mặt của nhiều cái tên trong nhóm cổ phiếu trụ tiêu biểu như MSN của Masan Group giảm 0,9% còn 115.000 đồng, NVL của Novaland cũng mất 0,9% hay VIC lao dốc 0,6% so với phiên giao dịch trước đó.
Cổ phiếu ngân hàng giao dịch khá tiêu cực khi trên HoSE chỉ ghi nhận 3 cổ phiếu tăng điểm là VCB, CTG và LPB với mức biến động khiêm tốn. Trong khi đó, những cổ phiếu khác như BID, VPB, TCB, MBB, HDB, TPB, EIB, SHB đều giảm nhẹ dưới 1%. Giao dịch kém khả quan hơn là STB giảm 2,74%, ACB giảm 1,04%, VIB giảm 1,06%, SSB giảm 1,25%, MSB giảm 1,91%. Riêng OCB đứng giá tham chiếu.
Cổ phiếu chứng khoán phân hóa rõ rệt khi VND giảm 1,47%, SSI giảm 1,58%, HCM giảm 1,18%, VIX giảm 1,63%, trong khi TVS tăng 0,63%, FTS tăng 0,57%, ORS tăng 0,7%, AGR tăng 0,43%.
Ở nhóm bất động sản, cổ phiếu "họ Vingroup phân hóa mạnh. Cụ thể, trong khi VIC giảm 0,62% thì VHM lại tăng tới 2,5% qua đó trở thành cổ phiếu tác động tích cực nhất tới VN-Index, ngoài ra, VRE tăng mạnh 4,55% và cũng nằm trong top 3 cổ phiếu ảnh hưởng tích cực. Những cổ phiếu còn lại nhìn chung cũng là tình trạng phân hóa, tuy nhiên khá nhiều cổ phiếu ghi nhận mức giảm mạnh như DXG giảm 2,18%, DIG giảm 2,7%, CII giảm 2,65%, HDC giảm 2,75%, ITA giảm 2,44%.
Phiên hôm nay, thị trường chung đón nhận thông tin tích cực khi vòng quay tiền được rút ngắn với giao dịch T+2,5 và mới đây nhất là lô lẻ, tuy nhiên trạng thái giao dịch lại không ghi nhận con số tích cực, dòng tiền thậm chí còn bị mất hút.
Mới đây, Bộ Tài chính đã yêu cầu tăng cường giám sát thị trường, nhất là với các mã chứng khoán có thanh khoản lớn, diễn biến bất thường, tăng giảm đột ngột, giá trị không phù hợp với tình hình sản xuất cũng như kinh doanh của doanh nghiệp.
Phiên 12/9 thanh khoản bất ngờ rơi mạnh khi nhà đầu tư tỏ ra thận trọng và quan sát cung cầu với tổng giá trị giao dịch chỉ đạt mức 12.813 tỷ đồng. Trong đó giá trị khớp lệnh trên sàn HoSE giảm 20% so với phiên trước đó về 10.052 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ 27/7 đến nay.
Về giao dịch khối ngoại vẫn theo chiều hướng tích cực dù giá trị không quá cao. Trên HoSE, nhà đầu tư nước ngoài mua vào 795 tỷ và bán ra 618 tỷ, tương đương mua ròng 177 tỷ đồng. Trong đó, các mã được mua nhiều là PVD, HPG và DGC.