Thị trường bất động sản “án binh bất động”, nhiều môi giới lâm vào cảnh khó khăn
Có người giàu lên nhờ công việc môi giới bất động sản, nhưng cũng có người còn đang phải lo lắng về chi phí sinh hoạt hàng tháng, bởi cuộc sống không phải chỉ màu hồng. Đặc biệt, kể từ đầu năm 2022, thị trường bất động sản rơi vào tình trạng trầm lắng khiến cho nhiều môi giới cũng khốn khó theo.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Lê Hiệp (trú tại Đông Anh, Hà Nội) ngậm ngùi cho biết: “Tôi đang cố gắng duy trì, cầm cự từ nay đến Tết Nguyên đán xem tình hình có biến chuyển gì không. Ngay cả tôi cũng không tin rằng mới chỉ bảy, tám tháng trước, cuộc sống của tôi vẫn là sáng đủng đỉnh uống cà phê, ăn sáng; chiều tối về ra phòng tập tập thể dục, còn ban ngày thì sắp xếp lịch đi xem đất với khách hàng, chăm sóc khách hoặc thăm dò các thị trường tiềm năng để đầu tư... mà nay đã khó khăn thế này.
Thời điểm tháng 2/2022, tôi vẫn kỳ vọng vào sức nóng lên của thị trường bất động sản nên đã góp vốn 1 tỷ đồng cùng với một người đồng nghiệp thân thiết đầu tư mảnh đất tại Nam Định. Số vốn đó vừa là tiền tiết kiệm, vừa là tiền vay ngân hàng do tôi cầm cố sổ hồng căn chung cư hiện đang ở.
Tuy nhiên, mọi thứ không như chúng tôi tính toán vì đất tại khu vực chúng tôi đầu tư không nổi “sóng”, thị trường có sủi bọt lăn tăn nhưng rồi lại lặng sóng, giá đất chẳng những không lên mà còn có chiều hướng giảm nhẹ. Ngay cả công việc môi giới của tôi cũng rơi vào tình trạng bấp bênh do không phát sinh giao dịch. Vì không có nguồn thu vào, chỉ có chi ra nên số tiền tôi tiết kiệm được cũng ra đi nhanh chóng vì mình vẫn phải sống, vẫn phải sinh hoạt, hơn nữa lại còn phải trả nợ ngân hàng thì bao nhiêu cho đủ.
Hết cách, hơn một tháng nay tôi sống bằng tiền vay mượn bạn bè, vay một số người thân thiết trong gia đình, số tiền còn lại trong tài khoản để phòng trả lãi ngân hàng. Khoản đầu tư trái phiếu của tôi cũng gặp vấn đề và khó rút ra, hầu như một số kênh đầu tư tôi theo đều “đóng băng” hoặc diễn biến thị trường xấu. Tôi sẽ cố gắng duy trì đến Tết Nguyên đán, có thể thời điểm Tết thị trường sẽ ấm lên, nếu không sẽ phải làm thêm các việc khác để chi trả các khoản phí sinh hoạt và gánh lãi”.
Cuộc sống của anh Nguyễn Long (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) - một môi giới bất động sản - cũng đang trong cảnh khó khăn vất vả, anh chia sẻ: “Thời điểm thị trường sốt nóng, việc kiếm hoa hồng từ các giao dịch dễ dàng hơn rất nhiều so với hiện tại, chi phí mọi thứ tôi cũng thoáng hơn.
Nhưng đến nay, thị trường rất ảm đảm, việc chốt được giao dịch là rất khó mà “miệng ăn núi lở” nên tôi phải vay mượn, tiêu sài tiết kiệm hơn rất nhiều. Hơn nữa, đợt vừa rồi do sức khỏe yếu đi nên tôi có phải vào viện khám, chi phí cũng đội lên mà không thể không chi. Đây cũng là bài học sâu sắc cho tôi nếu xác định theo nghề này, có lẽ tôi cũng sẽ phải tìm kiếm thêm việc làm tạm thời, chờ đợi diễn biến của thị trường thời gian tới ra sao”.
Cũng trong một hoàn cảnh tương tự, chị Minh Anh - chủ một văn phòng giao dịch bất động sản tại Thạch Thất, Hà Nội cho biết, khoảng 6 tháng trước, văn phòng của chị vẫn chốt giao dịch liên tục, khách ra khách vào nườm nượp nhưng đến hiện tại chỉ lác đác vài người:
“Văn phòng chúng tôi chuyên về lĩnh vực đầu tư, môi giới đất đấu giá, đất thổ cư... tại khu vực Thạch Thất. Ngày còn nhộn nhịp, các anh em môi giới đến rất đông vì giao dịch tốt, nguồn thu nhập cao. Nhưng khoảng 3 tháng trở lại đây thanh khoản thị trường giảm sút mạnh, dẫn đến nhà đất ế ẩm. Có những căn, những mảnh đất nền rao bán đến cả 3 tháng cũng không có khách đoái hoài.
Các anh em gần như không chốt được đơn vì lượng khách quá ít. Có môi giới cũng đã phải mượn tôi tiền để chi trả các hóa đơn, chi phí hàng ngày nhưng cũng không thể cho mượn trong thời gian dài vì tôi cũng còn nhiều khoản phải thanh toán. Xét về lâu dài, họ cũng bắt buộc phải tính kế sinh nhai rồi đợi thị trường ấm lên. Tuy nhiên, với tình hình lãi suất tăng cao như hiện nay thì phải hết năm nay thị trường có lẽ mới khởi sắc được”.
Đây mới chỉ là hai trường hợp điển hình cho việc chịu tác động khi thị trường bất động sản chững lại. Nhiều trường hợp môi giới cũng ôm hàng và mong chờ thời cơ để có thể gỡ gạc. Nhưng, giới chuyên gia dự báo, từ nay đến cuối năm thị trường bất động sản có thể còn trầm lắng hơn các năm trước đó, càng làm tác động tiêu cực đến thu nhập của đội ngũ môi giới bất động sản. Sự khó khăn này đến từ dòng vốn của thị trường gặp khó và việc lãi suất tăng lên khiến người mua nhà nảy sinh tâm lý lo lắng.
Còn theo GS. TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, tới đây, thị trường bất động sản sẽ chỉ hướng đến nhu cầu ở thực, hạn chế đầu cơ lướt sóng vì nguyên nhân quan trọng nhất tác động đến thị trường chính là cung - cầu. Ông Võ nhấn mạnh, nhu cầu ở thực và mong muốn sở hữu nhà ở của người dân vẫn luôn hiện hữu. Kể cả thị trường có chịu tác động như thế nào chăng nữa thì bất động sản nhu cầu ở thực cũng sẽ không bị tác động lớn, thậm chí giá vẫn tăng nếu nguồn cầu lớn. Với các khu vực sốt nóng do đầu cơ, thổi giá, lướt sóng thì các giao dịch sẽ chậm lại, thậm chí giảm, nhưng với phân khúc chung cư, thị trường này vẫn sôi động.
Ngoài ra, một số ý kiến cũng cho rằng, việc thị trường bất động sản phải trải qua các giai đoạn khác nhau là diễn biến thông thường. Vì vậy, để ứng phó với các biến đổi này, đội ngũ môi giới bất động sản cần tập trung nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức hành nghề... Thay vì quá chú trọng đến doanh số, thu nhập trong ngắn hạn mà bỏ quên mất quyền lợi của khách hàng trong dài hạn, vì vốn dĩ bất động sản là nghề có tính thanh lọc rất cao, muốn trở thành một môi giới giỏi và giàu lên từ bất động sản, việc trải qua đắng cay cũng là lẽ dễ hiểu.