Thí điểm giám sát tài khoản nghi ngờ giả mạo các tổ chức tín dụng
BÀI LIÊN QUAN
Điều gì khiến giao dịch bất động sản Long Biên tăng đột biến trong quý II/2024?Lượng hàng tồn kho bất động sản thực tế có thể cao hơn con số báo cáoTích cực “săn” quỹ đất sạch: Cuộc chạy đua nước rút của các “ông lớn” bất động sảnTheo thống kê, hiện có hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng. Nhiều ngân hàng đã có hơn 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh mẽ qua các năm, đặc biệt về số lượng giao dịch thanh toán qua di động (mobile) và QR code.
Bên cạnh những tiện ích mà các sản phẩm, dịch vụ trên không gian mạng đem lại, ngành ngân hàng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, rủi ro liên quan đến an ninh, an toàn, bảo mật trước nguy cơ bị tấn công mạng, tình trạng sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tiền và tài khoản ngân hàng của người dân. Thủ đoạn của các đối tượng xấu ngày càng tinh vi và phức tạp hơn.
Nhằm ứng phó với tình trạng này, một giải pháp đã được thực hiện gần đây là xác nhận sinh trắc học. Theo đó, từ ngày 1/7, các giao dịch chuyển tiền qua tài khoản từ 10 triệu đồng trở lên thì ngân hàng yêu cầu phải xác nhận sinh trắc học.
Theo ông Phạm Tiến Dũng - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, xác thực sinh trắc học là cần thiết, thêm một lớp bảo vệ thì sẽ an toàn hơn. Trường hợp khách hàng mất giấy tờ, bị kẻ xấu mang đến ngân hàng để giả mạo lừa đảo tiền cũng khó thực hiện vì có sinh trắc học khuôn mặt xác nhận chính chủ.
Tại họp báo của Ngân hàng Nhà nước được tổ chức sáng 23/7, ông Lê Văn Tuyên - Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, tính đến ngày 22/7, đã có 26,3 triệu khách hàng xác thực sinh trắc học thông qua căn cước công dân gắn chip.
Trong đó, 22,5 triệu người dùng qua ứng dụng và 3,8 triệu người làm tại quầy. 37 tổ chức tín dụng triển khai chính qua ứng dụng di động, 47 tổ chức tín dụng thực hiện tại quầy, 25 tổ chức tín dụng được gửi dữ liệu qua Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an.
Theo ông Lê Văn Tuyên, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các thông tư hướng dẫn tổ chức tín dụng sử dụng tài khoản thanh toán và thẻ ngân hàng. Quy định nêu rõ chỉ được rút tiền thanh toán bằng phương tiện điện tử trên tài khoản khớp với giấy tờ tùy thân hoặc sinh trắc học của chủ thẻ.
Ông Đoàn Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Ngân hàng Nhà nước) cũng cho hay, ngay sau ngày 1/7 đã xuất hiện đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện để hỗ trợ khách hàng thực hiện sinh trắc học. Các đối tượng này dẫn dụ khách hàng xác thực qua ứng dụng, đường link lạ để chiếm quyền sử dụng điện thoại rồi chiếm đoạt tiền.
Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng cảnh báo tới khách hàng. Khách hàng chỉ cập nhật sinh trắc học qua ứng dụng chính thức của ngân hàng hoặc tại quầy, không cung cấp qua bất kỳ ứng dụng hay đường link lạ nào. Không cung cấp thông tin cá nhân hay mã OTP cho bất cứ ai, đồng thời nâng cấp phần mềm để bảo vệ.
Ông Đoàn Thanh Hải nhấn mạnh, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp như làm sạch tài khoản, áp dụng biện pháp xác thực mạnh trong giao dịch (OTP, sinh trắc…), áp dụng cơ chế giám sát giao dịch bất thường để kịp thời xử lý, tránh người dân mất tiền vào kẻ xấu.
Ngân hàng Nhà nước hiện đang thí điểm giám sát tài khoản nghi ngờ gian lận giả mạo các tổ chức tín dụng. Các tổ chức tín dụng thông báo thông tin nghi ngờ giả mạo về Ngân hàng Nhà nước. Nếu Ngân hàng Nhà nước xác định bất thường, giao dịch có nguy cơ về gian lận, giả mạo sẽ bị chặn hoặc yêu cầu bắt buộc phải xác thực để giao dịch.
Mới đây, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố kết quả tổng hợp trong tháng 6/2024.
Theo đó, NCSC đã phát hiện thêm 68 trang thông tin điện tử (website) giả mạo thương hiệu của các cơ quan, tổ chức để lừa đảo người dùng. Trong đó, 2 website giả mạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam và 1 trang giả mạo website của Thanh tra Chính phủ và có đến 28 website giả mạo ngân hàng.
Trong số 28 website giả mạo, có nhiều ngân hàng phổ biến tại Việt Nam như: Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB), Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên phong (TPBank)…