Tích cực “săn” quỹ đất sạch: Cuộc chạy đua nước rút của các “ông lớn” bất động sản
BÀI LIÊN QUAN
Thừa Thiên - Huế: "Siêu" dự án gần 5.000 tỷ chính thức về tay "ông trùm" vàng bạc đá quý DojiRút khỏi dự án khách sạn, Viconship dự chi gần 2.200 tỷ để "ôm trọn" Cảng Nam Hải Đình VũBán "lúa non" khi chưa được cấp phép, dự án The Landmark Nha Trang bị Sở Xây dựng "tuýt còi"Chỉ còn hơn 10 ngày, các Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật kinh doanh bất động sản mới sẽ chính thức có hiệu lực, các hoạt động tìm kiếm và giao dịch bất động sản trở nên sôi động, không chỉ ở các nhà đầu tư mà cả các doanh nghiệp. Kế hoạch phát triển quỹ đất của các doanh nghiệp đều được thông qua từ mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024.
Khởi động hàng loạt kế hoạch
Theo đó, trong phương án huy đông 1.000 tỉ đồng từ phát hành cổ phiếu, Công ty CP Tập đoàn Danh Khôi dự kiến dùng 195 tỉ đồng để mua một phần khu dân cư Đại Nam (quốc lộ 13, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước); 180 tỷ đồng để mua một phần dự án tại khu dân cư tiểu thủ công nghiệp thương mại dịch vụ Hàm Thắng - Hàm Liêm (quốc lộ 1, xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận).
Công ty CP Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền cũng cho biết, trong năm 2023 doanh nghiệp đã nhận chuyển nhượng một quỹ đất ở TP Thủ Đức để xây dựng dự án. Theo đó, trong năm 2024, An Dương Thảo Điền sẽ tiếp tục tìm mua thêm quỹ đất xung quanh khu vực này để thuận lợi phát triển các dự án về dân cư và nhà ở.
Trước đó, hồi tháng 4/2024, bà Nguyễn Thị Sơn – “nữ tướng” của Sơn Kim Group cho biết, đã đích thân về quê nhà Bắc Ninh để tìm kiếm quỹ đất đầu tư khu đô thị và thương mại. Động thái của nhà sáng lập Kim Sơn cho thấy cuộc đua thâu tóm quỹ đất của doanh nghiệp trong nước vẫn tiếp tục nóng lên.
Thực tế, các doanh nghiệp khác như DIC Holdings, Phát Đạt, Khang Điền, Hà Đô…thời gian qua cũng đã và đang lên kế hoạch “thâu tóm” quỹ đất để phục vụ hoạt động kinh doanh trong giai đoạn tới.
Nói đến cuộc đua gom đất trong thời gian qua không thế không nhắc đến Đất Xanh Group. Theo đó, doanh nghiệp cho biết đang tìm kiếm quỹ đất rộng 100 - 200 ha khắp cả nước, pháp lý tốt để làm các dự án giai đoạn 2024 – 2025.
Đáng chú ý, Đất Xanh còn thể hiện tham vọng lớn bằng việc lên kế hoạch mua bán và sáp nhập (M&A) các quỹ đất dự án hiện hữu có tiềm năng để phát triển sản phẩm nhà ở đáp ứng nhu cầu thực. Mục tiêu trước mắt của đại gia này là quỹ đất sạch pháp lý tại hai tỉnh Bình Phước và Đồng Nai.
Bên cạnh những dự án bất động sản dân cư, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cho thuê văn phòng và nghỉ dưỡng như Công ty CP Ngoại thương và Phát triển Đầu tư TP.HCM (FDC) và Công ty CP Big Invest Group cũng hướng đến các quỹ đất phù hợp với lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của mình.
Động thái trước giờ G
Dù mỗi đơn vị có mục tiêu kinh doanh khác nhau cho các quỹ đất “săn” được nhưng có một điểm chung là đều ưu tiên các quỹ đất đã hoàn chỉnh về mặt pháp lý, nộp đầy đủ tiền sử dụng đất và có thể đưa vào khai thác kinh doanh trong vài năm tới. Cùng với đó là các quỹ đất tại địa phương quen thuộc, từng thực hiện dự án trước đây.
Lý giải nguyên nhân các doanh nghiệp đẩy nhanh kế hoạch “săn” quỹ đất, ông Phạm Anh Khôi – Viện trưởng DXS – FERI cho biết, đây có thể là động thái trước khi các luật mới về bất động sản chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8. Theo đó, sau khi các luật chính thức được áp dụng, các chủ đầu tư phải thương lượng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì giá sẽ sát hơn với giá thị trường, dẫn đến tăng chi phí đầu vào của dự án. Các chủ đầu tư nhỏ lẻ khi bị "siết" phân lô bán nền phải đồng hành phát triển với các đơn vị phân phối chuyên nghiệp và các đơn vị có tiềm lực tài chính mạnh.
Đồng quan điểm về xu hướng tăng mua đất giai đoạn này, ông Nguyễn Thọ Tuyển – Chủ tịch HĐQT BHS Group cho rằng khi 3 bộ luật mới có hiệu lực, thị trường sẽ chuyển sang một giai đoạn mới, mặt bằng giá các sản phẩm bất động sản sẽ tăng cao. Mua được đất thời điểm hiện nay, chủ đầu tư sẽ có cơ hội lựa chọn những sản phẩm đã hoàn thiện về pháp lý và có giá phù hợp hơn.
Tương tự, ông Đinh Minh Tuấn – Giám đốc khu vực miền Nam batdongsan.com.vn cũng cho rằng, chưa từng có tiền lệ luật mới được thông qua mà giá nhà đất giảm. Ngược lại, khung pháp lý mới từ Luật Đất đai 2024 sẽ khiến chi phí triển khai dự án tăng. Các quy định mới sẽ góp phần tăng giá các loại đất từ đất dự án, đất nông nghiệp, đất phi thương mại và nhiều loại hình nhà đất khác cũng sẽ tăng.
Cụ thể, khi giá đất được xác định theo nguyên tắc thị trường sẽ khiến mức bồi thường giải phóng mặt bằng không còn thấp như trước, giai đoạn tính theo bảng giá đất, mà sát thị trường. Điều này sẽ kéo theo tổng chi phí đầu tư của dự án tăng lên, do đó, để đảm bảo quyền lợi chủ đầu tư sẽ phải tăng giá bán sản phẩm, điều này có thể ảnh hưởng đến thanh khoản. Còn nếu không muốn tăng giá bán, các chủ đầu tư phải có sẵn quỹ đất “rẻ” để phát triển dự án.