Thanh khoản thị trường giảm, môi giới bất động sản lựa chọn “quay xe” về nghề cũ
Còn nhớ giai đoạn 2020 - 2021, thị trường bất động sản trở nên sốt nóng, nhiều nơi nổi lên lên các cơn sốt đất cục bộ. Cũng vì lẽ đó mà các văn phòng giao dịch bất động sản mọc lên như nấm sau mưa, không chỉ ở đô thị mà tại các vùng nông thôn hoạt động môi giới bất động sản cũng diễn ra hết sức sôi động. Sức hút khó cưỡng từ lợi nhuận bất động sản khiến cho nhiều người đang làm việc trong một số lĩnh vực như IT, văn phòng, ngân hàng... cũng sẵn sàng lấn sân sang môi giới bất động sản, không ít người nghỉ công việc ổn định để đi làm môi giới.
Tuy nhiên từ đầu năm 2022 cho đến nay, thị trường bất động sản bước vào giai đoạn trầm lắng và thanh lọc, dẫn đến thanh khoản sụt giảm rõ rệt. Không ít môi giới mới vào nghề, ngay cả những môi giới gạo cội cũng khó có giao dịch. Để duy trì hoạt động thông thường, nhiều văn phòng môi giới bất động sản lựa chọn phương án cắt giảm nhân sự, giảm gánh nặng về vấn đề tiền lương. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều môi giới bất động sản bị sa thải, rơi vào tình trạng thất nghiệp.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Hậu (trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Cuối năm 2021 tôi vẫn là nhân viên văn phòng, mức lương cũng không được cao vì loanh quanh chỉ tầm 10 triệu đồng trở xuống. Lúc ấy thị trường bất động sản cực kỳ nóng, khi tôi lên mạng và vào các hội nhóm thì rất nhiều văn phòng giao dịch bất động sản tuyển môi giới với mức thu nhập mơ ước, tiền hoa hồng khi chốt được các giao dịch cũng khá cao. Nghĩ về việc nếu như cứ với mức lương 10 triệu thế này thì không biết cả đời có mua nổi căn chung cư tại Hà Nội hay không. Do đó tôi quyết định nộp CV vào một văn phòng giao dịch có trụ sở cũng tại khu vực Nam Từ Liêm.
Khi mới vào làm việc, tôi được mọi người trong văn phòng giúp đỡ nhiệt tình, tư vấn sao cho có khách và chốt được đơn, tôi cũng thấy giao dịch dễ kiếm. Sau 2 tháng từng bước tiếp cận và học hỏi, tôi cũng đã có những giao dịch đầu tiên nhưng không phải một mình mình hưởng “trọn gói” mà cũng phải chia cho người đi cùng, vì tôi mới vào nghề nên cũng phải biết trước biết sau để có người hỗ trợ.
Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, thị trường bất động sản bắt đầu lắng xuống, gần 7 tháng nay tôi không có giao dịch. Theo tính toán trước đó, tôi sẽ lấy hoa hồng của các giao dịch trước bù vào các tháng không có giao dịch. Tuy nhiên trong một thời gian dài không có giao dịch, nguồn tài chính của tôi cũng cạn kiệt, tôi buộc phải tính kế sinh nhai bởi không biết bao giờ thị trường mới ấm dần lại và biết bao giờ tôi mới chốt được giao dịch tiếp theo. Sau gần một năm theo nghề môi giới bất động sản, tôi quyết định nghỉ việc. Tôi đã nộp đơn quay lại công ty cũ để tiếp tục làm công việc văn phòng, thay vào đó, tôi nghĩ sẽ kinh doanh thêm để kiếm thêm thu nhập hàng tháng”.
Một trường hợp khác là anh Lê Vũ Thanh (trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) - một môi giới cũng đã bị văn phòng cắt giảm nhân sự mới đây - cho biết: “Thời điểm đông nhất, văn phòng giao dịch của chúng tôi có khoảng đến 70 - 80 nhân viên, các giao dịch chốt liên tục nên mọi người rất có động lực làm việc. Nhưng đến nay tính cả người tự nghỉ và người bị cắt giảm, văn phòng hiện chỉ còn khoảng 20 người.
Bản thân tôi là người mới, chưa có kinh nghiệm và nhiều giao dịch nên có lẽ việc cắt giảm là điều đương nhiên. Tôi vào nghề được khoảng 5 tháng, kinh nghiệm làm việc cũng chưa có nhiều, giờ bị cắt giảm cũng chưa biết xoay sở ra sao. Giả sử xin sang văn phòng khác làm việc thì tình hình cũng có vẻ không khá hơn vì thị trường bất động sản là thị trường chung. Vì vậy, tôi quyết định quay lại công việc cũ, vẫn là chiếc “cần câu cơm” quan trọng với mình”.
Hay như anh Nguyễn Văn Hùng, một môi giới bất động sản vùng ven Hà Nội cho biết, công ty anh đã cắt giảm nhiều nhân sự và trong danh sách đó có anh. “Khoảng 40% nhân sự tại văn phòng tôi bị cắt giảm, đa số là những người cũng mới vào nghề như tôi. Những người còn lại đa phần là các môi giới lâu năm và có một tệp khách thân thiết nên thỉnh thoảng có giao dịch nên vẫn được giữ lại”, anh Hùng nói và cho biết hiện tại anh cũng đã tìm được một công việc mới để trang trải cuộc sống.
Một đại diện văn phòng giao dịch bất động sản tại Hà Nội chia sẻ, khá nhiều văn phòng giao dịch không chỉ tại Hà Nội mà ở nhiều tỉnh, thành khác quyết định cắt giảm nhân sự để đảm bảo có thể duy trì được qua giai đoạn thị trường bất động sản lặng sóng. Đa phần các văn phòng này đều là các văn phòng có trả lương cứng cho môi giới. Còn các văn phòng không trả lương cứng mà chỉ hỗ trợ tiền 2, 3 tháng đầu, sau đó chỉ trả mức hoa hồng thì không xảy ra việc cắt giảm nhân sự. Thế nhưng, khi không phát sinh giao dịch thì tại các văn phòng này, nhiều môi giới không “chịu được nhiệt” vì “chỉ chi, không thu” cũng sớm muộn từ giã nghề để sống.
Vị đại diện này cũng nhận định, nghề môi giới bất động sản thường làm ăn tốt chỉ trong các thời điểm thị trường sốt nóng, sau đó, đa số các môi giới phải “nằm gai nếm mật”, đợi chờ để nắm bắt cơ hội. Nhiều người thấy làm nghề môi giới đổi đời, mua nhà lầu, xe sang mà hoa mắt, tưởng rằng làm môi giới rất dễ kiếm tiền. Tuy nhiên, khi bước chân vào mới biết được hết sự khốc liệt và tính thanh lọc rất cao của nghề này. Hơn nữa, kể cả khi thị trường sôi động có nhiều môi giới cũng chưa chắc chốt được đơn.
Giai đoạn này, các môi giới mới vào nghề là các đối tượng bị tác động rất mạnh do chưa có kinh nghiệm và cả tệp khách hàng. Với những môi giới lâu năm cũng sẽ bị ảnh hưởng tuy nhiên mức độ nhẹ hơn do họ đã có khả năng xoay sở khi đã nếm trải qua nhiều giai đoạn của thị trường.