Tập đoàn Hòa Phát - Tập đoàn sản xuất công nghiệp đứng đầu Việt Nam
Sơ lược về Tập đoàn Hòa Phát
- Tên đầy đủ: Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (viết tắt: HPG)
- Tên tiếng Anh: HOA PHAT GROUP JOINT STOCK COMPANY
- Trụ sở đặt tại: KCN Phố Nối A - Xã Giai Phạm - Huyện Yên Mỹ - Tỉnh Hưng Yên
- Điện thoại: (84.24) 6284 8666
- Fax: (84.24) 6283 3456
- Website:
http://www.hoaphat.com.vn
- Email:
hoaphatgroup@hoaphat.com.vn
Năm 2007, Hòa Phát tổ chức lại theo mô hình Tập đoàn, trong đó công ty mẹ là Công ty Cổ Phần Tập đoàn Hòa Phát cùng các Công ty liên kết và Công ty thành viên. Hiện nay, Tập đoàn Hòa Phát có 11 Công ty thành viên với 25.424 cán bộ công nhân viên, hoạt động trải rộng trên phạm vi cả nước và tại Singapore có 1 văn phòng.
Trong các lĩnh vực hoạt động thì các mặt hàng liên quan tới thép vẫn chiếm 80% doanh thu và lợi nhuận của công ty. Hòa Phát là doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với công suất 8 triệu tấn thép thô/năm.
Mô hình tổ chức của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát
Tháng 1/2007, Hội đồng quản trị quyết định tái cấu trúc theo mô hình Tập đoàn, với Công ty mẹ là Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát và các Công ty con. Các Tổng công ty sẽ phụ trách từng lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn theo quyết định cơ cấu lại mô hình.
Trong đó, có 5 Tổng công ty trực thuộc Tập đoàn cơ cấu lại tổ chức bao gồm:
- Tổng công ty sản phẩm Thép
- Tổng công ty Gang Thép
- Tổng công ty Phát triển Bất động sản, Tổng công ty Nông nghiệp
- Tổng công ty Điện máy gia dụng
Tổng công ty sản phẩm Thép
Tổng công ty có vốn điều lệ 3.500 tỷ đồng, lĩnh vực hoạt động gồm đầu tư, sản xuất, kinh doanh ống thép, tôn mạ màu và các hoạt động phụ trợ. Các công ty thành viên bao gồm:
- Công ty TNHH Ống thép Hòa Phát
- Công ty TNHH Tôn Hòa Phát
- Công ty TNHH Chế tạo kim loại Hòa Phát
- Công ty CP Sản xuất Container Hòa Phát
Tổng công ty Gang Thép
Tổng công ty có vốn điều lệ 39.000 tỷ đồng, lĩnh vực hoạt động là đầu tư, sản xuất kinh doanh thép xây dựng và các hoạt động phụ trợ. Các công ty thành viên bao gồm:
- Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên
- Công ty Cổ phần thép Hòa Phát tại Hải Dương
- Công ty Cổ phần thép Hòa Phát tại Dung Quất
- Công ty cổ phần Đầu tư Khoáng sản An Thông
Tổng công ty Nông nghiệp
Tổng công ty Nông nghiệp là trung tâm chi phối, quản lý tất cả hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Các công ty thành viên gồm có:
- Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Hòa Phát tại Hưng Yên
- Công ty cổ phần Phát triển Chăn nuôi Hòa Phát
- Công ty TNHH Thương mại Hòa Phát
- Công ty TNHH Gia cầm Hòa Phát
Tổng công ty Bất động sản
Tổng công ty có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, chủ yếu quản lý các hoạt động đầu tư, xây dựng, phát triển bất động sản và các hoạt động phụ trợ. Các công ty thành viên bao gồm:
- Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển Đô thị Hòa Phát
- Công ty cổ phần Bất động sản Hòa Phát Hà Nội
- Công ty cổ phần Bất động sản Hòa Phát Sài Gòn
Tổng công ty Điện máy gia dụng
Tổng công ty này sẽ giám sát:
- Công ty TNHH Điện máy Hòa Phát
- Công ty Cổ phần Điện máy gia dụng Hà Nam
Việc quyết định thay đổi quản lý theo mô hình tổng công ty được cho là sẽ giúp việc điều hành của tập đoàn được thống nhất, xuyên suốt trong từng lĩnh vực kinh doanh sản xuất.
Thành viên ban lãnh đạo tập đoàn Hòa Phát
Thành viên HĐQT ngoài Chủ tịch HĐQT ông Trần Đình Long, là cha đẻ của Tập đoàn Hòa Phát còn có 3 phó Chủ tịch HĐQT bao gồm:
- Ông Doãn Gia Cường
- Ông Nguyễn Mạnh Tuấn
- Ông Trần Tuấn Dương (kiêm Tổng giám đốc) và một số thành viên trong HĐQT.
Chủ tịch HĐQT - Ông Trần Đình Long
Ông Trần Đình Long sinh ngày 22/02/1961 tại Hà Nội, Tháng 1/12/2020, ông Long có 864.000.000 cổ phiếu HPG, tương đương 26,08% vốn điều lệ Hoà Phát với giá trị 33.523,2 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch HĐQT - Ông Doãn Gia Cường
Ông Doãn Gia Cường sinh năm 1963, là thạc sĩ Quản trị kinh doanh. Tính tới đầu tháng 7 năm 2021, ông nắm giữ 41.530.604 cổ phiếu HPG, tương đương 0,93% cổ phần của Tập đoàn Hòa Phát.
Phó Chủ tịch HĐQT - Ông Nguyễn Mạnh Tuấn
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn sinh năm 1962 và làm việc tại Hòa Phát từ năm 1996. Ông tốt nghiệp bằng cử nhân kinh tế - Đại học Kinh tế Quốc dân từ năm 1983. Ông Tuấn có trong tay 75.148.096 cổ phiếu HPG, tương đương 1,68% cổ phần Hòa Phát.
Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc ông - Trần Tuấn Dương
Ông Trần Tuấn Dương sinh ngày 07/12/1963, ông tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân với bằng Cử nhân Kinh tế - năm 1986. Năm 1992, ông là cửa hàng trưởng Công ty TNHH Thiết bị Phụ tùng Hòa Phát, khi đó ông là người tham gia xây dựng Hòa Phát. Đến tháng 7/2021, ông đang có 76.645.414 cổ phiếu HPG, tương đương 1,71% cổ phần công ty.
Và các thành viên HĐQT:
- Ông Hoàng Quang Việt
- Ông Nguyễn Ngọc Quang
- Ông Nguyễn Việt Thắng
- Bà Trần Thị Thu Hiền
- Bà Nguyễn Thị Thảo Nguyên (Phó Tổng GĐ)
- Bà Phạm Thị Kim Oanh (Giám đốc tài chính kiêm kế toán trưởng)
Lịch sử hình thành và phát triển của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát
Từ năm 1992 -1996
Năm 1992, Công ty đầu tiên mang thương hiệu Hòa Phát ra đời là Công ty TNHH Thiết bị Phụ tùng Hòa Phát.
Năm 1995, Chủ tịch Hội đồng quản trị đã quyết định gia nhập thị trường nội thất và thành lập công ty Cổ phần nội thất Hòa Phát.
Năm 1996, công ty Ống thép Hòa Phát ra đời, sử dụng công nghệ Đài Loan để sản xuất thép ống.
Từ năm 2000 - 2007
Năm 2000, Hòa Phát thành lập công ty Cổ phần Thép Hòa Phát, hiện tại là Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên để chính thức bắt tay vào sản xuất, kinh doanh thép xây dựng.
Từ năm 2001-2004, các công TNHH Điện lạnh Hòa Phát; Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển Đô thị Hòa Phát; Công ty TNHH Thương Mại Hòa Phát lần lượt ra đời.
Tháng 1/2007, Công ty Cổ phần tập đoàn Hòa Phát chính thức ra đời.
Tháng 6/2007, Công ty Cổ phần Khoáng sản Hòa Phát được thành lập
Tháng 8/2007: triển khai Khu liên hợp sản xuất gang thép tại Kinh Môn, Hải Dương, thành lập Công ty CP Thép Hòa Phát.
Ngày 15/11/2007, cổ phiếu với mã chứng khoán là HPG được niêm yết trên sàn chứng khoán.
Từ năm 2009 - 2016
Tháng 6/2009: Công ty CP Đầu tư khoáng sản An Thông được mua lại.
Tháng 6/2009: Công ty CP Năng lượng Hòa Phát được mua lại. Cũng trong năm này, với mục tiêu trở thành nhà sản xuất thép hàng đầu Việt Nam thì khu liên hợp Gang thép tại Hải Dương của Hòa Phát được xây dựng.
Tháng 7/2010: Công ty CP Golden Gain Việt Nam trở thành Công ty thành viên.
Tháng 1/2011: Với việc tách mảng sản xuất và kinh doanh thép, cấu trúc mô hình hoạt động Công ty mẹ.
Tháng 1/2012: Giai đoạn 2 triển khai Khu liên hợp sản xuất gang thép tại Kinh Môn, Hải Dương.
Tháng 8/2012: Tròn 20 năm hình thành và phát triển tập đoàn Hòa Phát.
Ngày 09/03/2015, Hòa Phát chính thức đặt dấu mốc cho việc bước chân vào ngành nông nghiệp. Tập đoàn ra mắt Công ty TNHH MTV Thương mại và sản xuất thức ăn chăn nuôi Hòa Phát nay đổi tên là Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Hòa Phát Hưng Yên.
Tháng 2/2016, thành lập Công ty CP Phát triển Nông nghiệp Hòa Phát, giám sát các hoạt động của tất cả công ty trong nhóm nông nghiệp (gồm chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi).
Từ năm 2017 đến nay
Tháng 2/2017, thành lập Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất, triển khai Khu Liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất tại tỉnh Quảng Ngãi.
Năm 2018, Công ty TNHH Ống thép Hòa Phát quyết định đầu tư lắp đặt, xây dựng dây chuyền sản xuất ống thép cỡ lớn tại Nhà máy ở Hưng Yên.
Năm 2020, Hòa Phát cơ cấu lại mô hình hoạt động của Tập đoàn. Theo đó, 4 Tổng Công ty trực thuộc tập đoàn đã được thành lập bao gồm: Tổng Công ty Gang thép, Tổng Công ty Sản phẩm Thép, Tổng Công ty Bất động sản, Tổng Công ty Nông nghiệp.
Tháng 9/2021, Tập đoàn thành lập thêm Tổng Công ty Điện máy gia dụng Hòa Phát với lĩnh vực hoạt động: Đầu tư, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm điện máy - gia dụng.
Tầm nhìn - mục tiêu - sứ mệnh mà Tập đoàn Hòa Phát hướng tới
Tầm nhìn
Công ty Cổ phần tập đoàn Hòa Phát sẽ trở thành Tập Đoàn sản xuất công nghiệp với chất lượng dẫn đầu, trong đó Thép là lĩnh vực cốt lõi. Chủ tịch Hội đồng quản trị Trần Đình Long nhấn mạnh: “Hòa Phát sản xuất các sản phẩm cơ bản cho nền kinh tế, nguyên liệu cho các ngành sản xuất khác, do đó chất lượng phải được quan tâm hàng đầu. Sự yêu thích của người tiêu dùng sẽ là hệ quả của chiến lược phát triển”.
Mục tiêu
Tập đoàn Hòa Phát cam kết dẫn đầu bằng chất lượng thông qua việc tăng cường kiểm soát nguyên vật liệu đầu vào, đầu tư đổi mới cập nhật công nghệ thiết bị mới cho sản xuất theo hướng hiện đại thân thiện môi trường hơn, trong khi vẫn tiết kiệm chi phí, tăng cường chất lượng sản phẩm. Tập đoàn kiểm soát chặt chẽ, kiên quyết không đưa ra thị trường sản phẩm lỗi, thực hiện chế độ bảo hành, dịch vụ sau bán hàng tốt hơn…
Sứ mệnh
Tập đoàn thực hiện sứ mệnh góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, cung cấp sản phẩm dẫn đầu, hướng tới sự tin yêu của khách hàng.
Giá trị cốt lõi
Giá trị cốt lõi của Tập đoàn Hòa Phát là “hòa hợp cùng phát triển”. Điều này thể hiện trong mối quan hệ giữa các cán bộ công nhân viên, giữa Tập đoàn và đối tác, đại lý, cổ đông và cộng đồng xã hội, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên liên quan trên cùng một con thuyền, hướng tới sự phát triển bền vững.
Đặc biệt, Tập đoàn Hòa Phát đã xây dựng được mối quan hệ đối tác bền vững, lâu dài, tin tưởng như người một nhà với các đại lý bán hàng song hành cùng Tập đoàn từ những ngày đầu thành lập.
Các thành tựu mà Tập đoàn Hòa Phát đạt được trong thời gian qua
Thành tựu của thép Hòa Phát
Năm 2017, Tập đoàn Hòa Phát có thành tựu to lớn và sự đóng góp không nhỏ giúp Việt Nam bước lên ngôi vị số 1 về tiêu thụ thép tại Đông Nam Á, vượt qua Indonesia.
Theo đó trong quý II/2017: Doanh thu toàn Tập đoàn Hòa Phát đạt 10.700 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 1.530 tỷ đồng. Theo số liệu của VSA, tính đến cuối tháng 6/2017: Thép Hòa Phát (HPG) đang dẫn đầu về thị phần thép xây dựng với 27,5% thị phần; thị trường ống thép với 28,39% thị phần; thị trường tôn mạ với 37,64% thị phần.
Năm 2019, sản lượng thép cung cấp cho thị trường lên đến 300.000 tấn, cung cấp 2,5 triệu tấn thép chất lượng cao cho thị trường trong và ngoài nước, trong đó có trên 220.000 tấn xuất khẩu tới các thị trường như Nhật Bản, Campuchia, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Úc, Mỹ… Cao nhất trong lịch sử gần 20 năm làm thép xây dựng của tập đoàn.
Thành tựu của Công nghiệp Hòa Phát
Sau 5 năm đầu tư, đến cuối năm 2020, Hòa Phát có 2 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi với công suất 300.000 tấn/năm; cung cấp cho thị trường 150.000 con bò Úc, khoảng 250.000 con heo thương phẩm và đạt sản lượng 700.000 trứng/ngày.
Mục tiêu của Công ty đến năm 2022 sẽ đạt sản lượng tối đa công suất thiết kế 600.000 tấn thức ăn chăn nuôi/năm; 500.000 đầu heo thương phẩm/năm; 250.000 bò thịt và 300 triệu trứng gà sạch mỗi năm.
Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2020, lĩnh vực nông nghiệp của tập đoàn Hòa Phát đạt 8.000 tỷ đồng doanh thu và 1.296 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp gần 3 lần thực hiện cả năm 2019. Hiện tại, lĩnh vực nông nghiệp có tỷ trọng đóng góp lớn thứ 2 về doanh thu và lợi nhuận sau thuế toàn Tập đoàn, chỉ sau lĩnh vực sản xuất kinh doanh thép.
Những giải thưởng, thành tích mà Tập đoàn Hòa Phát đạt được
Năm 2009, Hòa Phát nhận Giải thưởng “Thương hiệu Chứng khoán uy tín”. Trong nhiều năm liên tục, Tập đoàn Hòa Phát cũng vinh dự được xướng tên trong các chương trình uy tín như:
- Top 5 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam
- Top 10 Sao vàng đất Việt
- Thương hiệu Quốc gia
- Thương hiệu mạnh
- Top 10 Doanh nghiệp niêm yết uy tín
- Top 50 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam
- Top 50 Doanh nghiệp hiệu quả,….
Sáng ngày 26/9/2020 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội), Tập đoàn Hòa Phát vinh dự đạt danh hiệu “Top 10 nhãn hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam năm 2020”.
Các hoạt động của Tập đoàn Hòa Phát với cộng đồng
Ngoài hoạt động sản xuất kinh doanh, Tập đoàn Hòa Phát còn luôn có các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội, chung tay vì cộng đồng như:
Chương trình “Nhịp đập yêu thương”: Tập đoàn tài trợ chi phí phẫu thuật tim cho các bệnh nhân hoàn cảnh khó khăn. Trong 6 tháng đầu năm 2020, chương trình đã hỗ trợ thành công cho 34 bệnh nhi với kinh phí xấp xỉ 1,6 tỷ đồng.
Chương trình “Xuân yêu thương”: Đây là hoạt động thường niên được thực hiện trước thềm Tết nguyên đán, mang lại sự ấm áp, đủ đầy hơn cho các gia đình hoàn cảnh khó khăn, chính sách tại các địa phương đặt nhà máy, trại chăn nuôi của Tập đoàn trên toàn quốc.
Chương trình “Cơm từ thiện - Tấm lòng thơm thảo”: Tập đoàn thực hiện phát những suất cơm trưa miễn phí cho những bệnh nhân điều trị tại viện Ung bướu Trung Ương (Viện K) - cơ sở Tam Điệp - Thanh Trì. Chương trình đã hoạt động từ năm 2010 và sẽ tiếp tục duy trì trong tương lai để xứng đáng với cái tên “Bữa cơm viện K” - do các bệnh nhân ưu ái dành tặng.
Hoạt động xây cầu: Được triển khai từ năm 2019, hỗ trợ các địa phương tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long xây dựng cầu bắc qua kênh rạch, giúp cho đời sống nhân dân được nâng cao và kinh tế địa phương được phát triển.
Lời kết
Với những chiến lược bàn bản, đúng đắn của ban lãnh đạo và đội ngũ công nhân viên thành thạo nghề, Tập đoàn Hòa Phát đã từng bước ghi thêm những dấu ấn đỉnh cao, mang lại giá trị gia tăng cho xã hội đúng với triết lý “Hòa hợp cùng phát triển”. Trong tương lai, Tập đoàn sẽ vươn lên mạnh mẽ hơn, chinh phục những tầm vóc mới, đỉnh cao mới, xứng đáng là một thương hiệu chiếm lấy trái tim người tiêu dùng.