Tại sao tiền điện tử có giá trị và giá trị của tiền điện tử là gì?
Giới thiệu
Không giống như tiền pháp định, tiền điện tử (hay tiền kỹ thuật số) không có ngân hàng trung ương. Chính cấu trúc phi tập trung của nó cho phép tạo ra hệ thống tài chính độc nhất. Công nghệ blockchain đã đem lại nhiều lợi ích về bảo mật, tính tiện ích và các lợi ích khác và công nghệ này còn làm thay đổi hoàn toàn cách thức chuyển giá trị trên toàn cầu.
Mặc dù có những điểm khác biệt, nhưng tiền điện tử có một số điểm tương đồng với tiền pháp định mà chúng ta vẫn thường sử dụng. Vì vậy, trước tiên chúng ta sẽ tìm hiểu về giá trị của tiền pháp định trước khi đi sâu vào hệ sinh thái tiền điện tử.
Tại sao tiền lại có giá trị?
Nói ngắn gọn thì tiền có giá trị là nhờ vào niềm tin. Về bản chất, tiền là công cụ được dùng để trao đổi giá trị. Bất kỳ đồ vật nào cũng có thể được sử dụng làm tiền, miễn là cộng đồng địa phương chấp nhận nó là phương thức thanh toán hàng hóa, dịch vụ. Vào thời kỳ sơ khai của nền văn minh nhân loại, con người sử dụng đủ loại đồ vật làm tiền - từ đá đến vỏ sò.
Tiền pháp định là gì?
Tiền pháp định là tiền do chính phủ phát hành và hợp pháp hóa. Ngày nay, xã hội trao đổi giá trị thông qua việc sử dụng tiền giấy, tiền xu và các con số trên tài khoản ngân hàng.
Trước đây, mọi người có thể đến ngân hàng để đổi tiền giấy lấy vàng hay các kim loại quý khác. Ở thời đó, cơ chế này đảm bảo các đồng tiền như đô la Mỹ có giá trị gắn với một lượng vàng tương đương. Tuy nhiên, chế độ bản vị vàng đã bị phần lớn các quốc gia từ bỏ và không còn là cơ sở của hệ thống tiền tệ.
Sau khi đồng tiền không còn ràng buộc với vàng, giờ đây chúng ta sử dụng tiền pháp định mà không có bất kỳ tài sản nào đảm bảo. Điều này cho phép chính phủ và ngân hàng trung ương được tự do hơn trong việc áp dụng những chính sách tiền tệ và ảnh hưởng đến nguồn cung tiền. Một số đặc điểm chính của tiền pháp định đó là:
+ Do cơ quan trung ương hoặc chính phủ phát hành.
+ Không có giá trị tự thân. Không được đảm bảo bằng vàng hay bất cứ loại hàng hóa nào.
+ Có nguồn cung tiềm năng không giới hạn.
Tại sao tiền pháp định lại có giá trị?
Sau khi đã từ bỏ chế độ bản vị vàng, dường như chúng ta có một loại tiền tệ không có giá trị. Tuy nhiên, tiền vẫn dùng để trả cho thực phẩm, hóa đơn, thuê nhà và các khoản khác. Giá trị của tiền đến từ niềm tin của tập thể, vì vậy, chính phủ cần hỗ trợ và quản lý hiệu quả đồng tiền pháp định để đạt thành công và duy trì mức độ tin tưởng cao. Có thể dễ dàng thấy cơ chế này sẽ đổ vỡ như thế nào một khi người dân không còn niềm tin vào chính phủ hoặc ngân hàng trung ương do tình trạng siêu lạm phát hay chính sách tiền tệ kém hiệu quả, như ở Venezuela và Zimbabwe.
Tại sao tiền điện tử lại có giá trị?
Tiền điện tử có một số điểm chung với khái niệm chuẩn của chúng ta về tiền, nhưng cũng có một số điểm khác biệt đáng chú ý. Mặc dù một số đồng tiền điện tử như PAXG được neo vào các loại hàng hóa như vàng, thì hầu hết tiền điện tử đều không có tài sản cơ sở. Thay vào đó, niềm tin một lần nữa lại đóng vai trò quan trọng đối với giá trị của tiền điện tử. Ví dụ như: mọi người thấy việc đầu tư vào Bitcoin đem lại giá trị. Họ biết rằng những người khác cũng tin tưởng vào Bitcoin và chấp nhận BTC là hệ thống thanh toán và phương tiện trao đổi.
Đối với một số loại tiền điện tử, tính tiện ích cũng là yếu tố quan trọng. Để truy cập một số dịch vụ hoặc nền tảng, có thể bạn sẽ cần phải sử dụng token tiện ích. Do đó, một dịch vụ có nhu cầu cao sẽ đem lại giá trị cho token tiện ích của mình. Không phải tất cả các loại tiền điện tử đều giống nhau, do đó, giá trị của chúng còn phụ thuộc vào tính năng của từng coin, token hay dự án.
Giá trị của tiền điện tử là gì?
Giá trị của tiền điện tử được thể hiện ở đặc tính của loại tiền này, cụ thể các giá trị của tiền điện tử đó là:
Giá trị về tính tiện ích
Một trong những lợi ích chính của tiền điện tử là khả năng nhanh chóng chuyển một lượng lớn giá trị trên toàn thế giới mà không cần qua trung gian.
Giá trị về tính phi tập trung
Phi tập trung là một trong những tính năng chính của tiền tiền điện tử. Bằng cách loại bỏ các cơ quan trung ương, blockchain mang lại nhiều quyền lực và tự do hơn cho cộng đồng người dùng. Ví dụ như đối với Bitcoin, bất kỳ ai cũng có thể giúp cải tiến mạng lưới bitcoin do bản chất mã nguồn mở của nó.
Ngay cả chính sách tiền tệ của tiền mã hóa cũng hoạt động theo cách phi tập trung. Ví dụ: công việc của các thợ đào là xác minh và xác thực giao dịch, đồng thời đảm bảo bitcoin mới được thêm vào hệ thống với tốc độ ổn định, có thể dự đoán được.
Tính phi tập trung mang lại cho tiền điện tử một hệ thống mạnh mẽ và an toàn. Không một nút nào trên mạng lưới có thể thay mặt mọi người đưa ra quyết định. Việc xác thực giao dịch và cập nhật giao thức đều cần có sự đồng thuận của nhóm. Điều này giúp bảo vệ tiền điện tử khỏi sự quản lý yếu kém và lạm dụng.
Giá trị về tính phân tán
Bằng cách cho phép nhiều người tham gia nhất có thể, mạng lưới của mỗi loại tiền điện tử cải thiện tính bảo mật tổng thể. Ví dụ: càng nhiều nút kết nối với mạng phân tán của Bitcoin thì nó càng nhận được nhiều giá trị. Nhờ phân tán sổ cái giao dịch cho nhiều người dùng khác nhau, người ta không cần dựa vào một nguồn tin cậy duy nhất.
Nếu không phân tán, sẽ có nhiều phiên bản tin cậy khiến chúng ta khó có thể xác minh được. Hãy tưởng tượng một tài liệu được gửi qua email mà một nhóm đang thao tác. Khi nhóm gửi tài liệu cho nhau, họ đã tạo ra các phiên bản khác nhau với các trạng thái khác nhau khó mà theo dõi được.
Giá trị về hệ thống niềm tin của tiền điện tử
Tính phi tập trung của tiền điện tử là một lợi ích rất lớn về mạng lưới, nhưng nó vẫn cần một số biện pháp để bảo vệ. Việc làm sao cho người dùng hợp tác trên mạng lưới phi tập trung lớn luôn là một thách thức.
Giá trị về tính bảo mật của tiền điện tử
Khi xét đến chức năng bảo vệ khoản đầu tư, không có nhiều lựa chọn cung cấp khả năng bảo mật. Nếu bạn làm theo những phương pháp hay nhất, tiền của bạn sẽ cực kỳ an toàn. Tại các nước phát triển, bạn có thể dễ dàng coi tính bảo mật mà ngân hàng đem lại là điều hiển nhiên. Nhưng đối với nhiều người, các tổ chức tài chính không thể cung cấp cho họ mức độ bảo vệ mà họ cần và việc nắm giữ một lượng lớn tiền mặt lại có thể rất rủi ro.
Các cuộc tấn công bằng mã độc vào mạng lưới tiền điện tử đòi hỏi cần phải sở hữu trên 51% công suất đào hiện tại, khiến việc điều phối ở quy mô này gần như không thể. Xác suất thành công của một cuộc tấn công tiền điện tử là cực kỳ thấp và ngay cả nếu xảy ra, nó cũng sẽ không thể tồn tại lâu.
Tiền điện tử là phương tiện lưu trữ giá trị
Hầu hết những đặc điểm mô tả ở trên cũng khiến tiền điện tử trở thành phương tiện lưu trữ giá trị phù hợp. Kim loại quý, đô la Mỹ và trái phiếu chính phủ là những lựa chọn truyền thống hơn. Tuy nhiên, Tiền điện tử đang trở nên nổi tiếng như một dạng vàng kỹ thuật số và giải pháp thay thế hiện đại.
Lời kết
Thật không may, không có câu trả lời duy nhất và ngắn gọn cho câu hỏi tại sao tiền điện tử lại có giá trị. Tiền điện tử có những đặc tính quan trọng của nhiều loại tài sản có giá trị, như kim loại quý và tiền pháp định, nhưng lại không phù hợp với một khuôn mẫu để xác định. Nó hoạt động giống như tiền nhưng không có sự hỗ trợ từ chính phủ và nó khan hiếm như một loại hàng hóa dù là tài sản kỹ thuật số.