Tại sao gói vay 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội có nguy cơ “ế” dài?
BÀI LIÊN QUAN
Thu hồi nhà ở xã hội bán “nhầm” đối tượng đã đủ sức răn đe?Nghịch cảnh nhà ở xã hội: Nơi tấp nập, nơi đìu hiuBộ trưởng Tài chính: Cần có giá trần với nhà ở xã hộiTheo Tiền Phong, ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết gói 120.000 tỷ đồng đến nay vẫn chưa phát sinh dư nợ tín dụng. Các địa phương đã công bố danh mục các dự án để cho vay. Thế nhưng, một số tỉnh đưa ra dự án nhưng lại chưa có đủ điều kiện về pháp lý như giao đất hay giấy phép xây dựng.
Theo ông Bắc, mới có 2 địa phương hiện nay là Bắc Giang và Trà Vinh gửi đi danh sách dự án về Ngân hàng Nhà nước. Danh sách này được gửi tới 4 ngân hàng quốc doanh là Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank để thẩm định hồ sơ cho vay. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa giải ngân được. Ông Bắc cho biết vướng mắc nhất hiện vẫn là thủ tục pháp lý các dự án.
Theo ông Bắc, Bộ xây dựng đã nhấn mạnh đó không phải là chương trình giải cứu, do đó không cần phải làm ngay. Theo đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, gói vay này sẽ kéo dài tới năm 2030.
Theo ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng), do các dự án đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư, nên dư nợ tín dụng gói vay này chưa phát sinh. Ông cho biết có 100 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được cấp phép đầu tư xây dựng trên cả nước, tuy nhiên các địa phương chưa công bố công khai danh mục dự án, do đó các ngân hàng chưa thể cho vay vốn.
Theo ông Hải, Bộ sẽ tiếp tục làm việc với Ngân hàng nhà nước, các bộ, ngành và địa phương trong thời gian tới nhằm tháo gỡ những khó khăn về cơ chế, chính sách và pháp luật, qua đó triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hiệu quả. Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với một số địa phương trọng điểm kiểm tra, đôn đốc để tạo nguồn cung về nhà ở công nhân và nhà ở xã hội.
Theo ông Vũ Quốc Đạt, Phó Tổng Giám đốc Cty Him Lam Thủ đô, chính doanh nghiệp cũng ngóng gói vay này làm nhà xã hội mà vay thương mại cao như hiện nay, doanh nghiệp không có lãi. Thế nhưng, dự án công ty đang làm thủ tục liên quan đến giao đất.
Lãi cao khiến gói vay có thể bị “ế”?
Đã có nhiều lo ngại rằng gói tín dụng 120.000 tỷ đồng sẽ bị ế khi hiện nay nhiều dự án gặp khó khăn về pháp lý nên không thể thúc đẩy nguồn cung mới. Điều này từng xảy ra với các chương trình cho vay ưu đãi về nhà ở xã hội như gói tín dụng 15.000 tỷ đồng hỗ trợ giảm lãi suất 2% cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Ngân hàng Chính sách thậm chí cũng “ế” tới 11.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội mặc dù lãi suất chỉ ở mức 4,8-5%/ năm.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, mức lãi suất 8,7%/ năm áp dụng cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội khá phù hợp, bởi lãi suất của các gói vay khác hiện rất cao, rơi vào khoảng 12-13%/ năm. Thế nhưng, mức lãi suất 8,2%/ năm dành cho người thuê mua nhà ở xã hội lại quá cao.
Theo ông Châu, mức lãi suất 8,2%/năm, 8,7%/năm áp dụng đến ngày 30/6/2023 khiến người vay có thêm tâm lý bất an hơn và thời gian ưu đãi chỉ 5 năm là quá ngắn.