meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

Siết chặt dự án “treo” sẽ tạo ra nguồn cung khổng lồ cho thị trường BĐS

Thứ hai, 24/10/2022-07:10
Thời gian qua, Bộ TNMT và UBND các tỉnh, thành phố liên tục đưa ra các biện pháp siết các dự án “treo”, chậm tiến độ. Nhiều chuyên gia cho rằng, với việc vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, khi nguồn đất bao năm bỏ hoang bị thu hồi sẽ tạo ra nguồn cung dồi dào cho thị trường bất động sản những năm tới.

Quyết liệt với dự án treo

Mới đây nhất Bộ TNMT đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường kiểm tra, xử lý các dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ. Theo Bộ này, việc các dự án được giao đất nhưng không đưa vào xây dựng, sử dụng dẫn đến bức xúc trong dư luận và gây lãng phí đất đai.

Cũng theo Bộ TNMT, nhiều chính quyền địa phương chưa kiên quyết, quyết liệt trong việc xử lý các dự án treo. Vì thế, tình trạng chậm tiến độ, dự án bỏ hoang vẫn còn nhiều. Bộ TNMT yêu cầu xử lý các dự án chậm tiến độ và kiên quyết thu hồi đất của các dự án vi phạm. Cụ thể, đó là các dự án, công trình đã được giao đất cho thuê đất để thực hiện dự án mà không sử dụng đất 12 tháng liên tục hoặc tiến độ đưa đất vào sử dụng chậm 24 tháng theo quy định của pháp luật đất đai. Chưa dừng lại ở đó, Bộ này còn lập đoàn kiểm tra các tỉnh có nhiều dự án treo xử lý triệt để và tránh gây lãng phí tài nguyên đất.




Bộ TNMT và các tỉnh thành đang mạnh tay siết các dự án treo.
Bộ TNMT và các tỉnh thành đang mạnh tay siết các dự án treo.

Từ đầu năm đến nay, Hà Nội cũng thể hiện sự quyết tâm trong việc xử lý các dự án chậm tiến độ, dự án chậm triển khai. Theo thống kê của UBND TP.Hà Nội, thành phố đang rà soát, xử lý 700 dự án treo với tổng diện tích lên đến hơn 5.000 ha. Đích thân chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nói rằng đã lên lịch làm việc với các ngành chức năng để đưa ra phương án xử lý đối với các dự án chậm triển khai. UBND TP.Hà Nội sẽ kiên quyết xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân chậm thực hiện nhiệm vụ được giao. Chủ tịch UBND TP.Hà Nội nhấn mạnh rằng, thành phố sẽ xử lý một số dự án, đặc biệt là dự án lớn, tạo đà xử lý các dự án khác.

Trước đó, Hà Nội đã kiểm tra trực tiếp 404 dự án. Kết quả cho thấy, 29 dự án với tổng diện tích hơn 1.800 ha bị kiến nghị thu hồi, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất vì chậm tiến độ. Trong đó, có 60 dự án với tổng diện tích ̣95 ha đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, UBND Thành phố quyết định gia hạn sử dụng đất 24 tháng.

Tại TP.HCM, hiện trang các dự án treo đang xảy ra khiến các cơ quan chức năng đau đầu tìm hướng xử lý. Theo báo cáo của Sở TNMT TP.HCM, từ năm 2016 đến nay, TP cho phép thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối hới gần 1.450 dự án. Tuy nhiên, đến nay có trên 300 dự án treo, quá thời hạn 3 năm mà chưa thực hiện thu hồi đất.

Tại buổi tiếp xúc cử tri chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 12/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định TP.HCM có nhiều quy hoạch treo trên 10 năm nay. Các dự án treo này từ khu công nghiệp đến khu dân cư, gây khó, gây khổ cho người dân không được sửa chữa nhà ở, không có đất đai, phải chờ đợi.

Chủ tịch nước nhấn mạnh: "Cần rà soát lại để xử lý, đừng để tái lại nhiều lần. Dự án nào làm được, đúng quy hoạch thì phải tập trung triển khai, dự án nào không làm được thì không được để quy hoạch treo. Nói đi đôi với làm, hứa thì phải giữ lời hứa và làm đến nơi đến chốn".

Nguồn đất sạch lớn cho thị trường BĐS

Nhìn dưới góc độ vĩ mô, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, hiện trạng dự án bỏ hoang đất là phổ biến ở nhiều địa phương hiện nay chứ không phải chỉ ở các thành phố lớn. Sở dĩ dẫn đến tình trạng này là chính sách lỏng lẻo dẫn đến có tình trạng doanh nghiệp ôm dự án, tích lũy đất để chờ giá lên đem đi bán.

Cũng theo GS.Võ, lúc mua thì các chủ đầu tư mua với giá thấp. Tuy nhiên, khi quy hoạch đã thành hình hài, dần hình thành các khu đô thị, hạ tầng thì giá đất bị đẩy lên cao. Giá đất ở đây có thể cao gấp 2-3 lần trước đó và Nhà nước thiệt hại rất nhiều.




GS.Đặng Hùng Võ.
GS.Đặng Hùng Võ.

Nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT Đặng Hùng Võ nói thêm, pháp luật Việt Nam đã có rất nhiều quy định về xử lý các dự án treo. Tuy nhiên, việc xử lý tại một số các địa phương còn gặp vấn đề. Mà điều quan trọng nhất là do sự thiếu quyết liệt của các cơ quan chức năng. Vẫn còn tình trạng buông lỏng quản lý, nể nang khi xử lý vi phạm. Điều này dẫn đến nguồn lực tài nguyên bị lãng phí nhiều năm và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

“Cứ nhìn những dự án bỏ hoang hàng chục năm. Nếu dự án đó rơi vào chủ đầu tư khác thì có lẽ hàng trăm, hàng ngàn người dân đã có nhà rồi. Cần thu hồi sớm các dự án chậm tiến độ sau đó giao lại cho các doanh nghiệp lớn, có đủ tiềm lực tài chính vững mạnh triển khai. Nguồn cung sẽ xuất hiện từ các dự án bỏ hoang thay tên đổi chủ này”, vị này chia sẻ.

Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Hùng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, luật đã quy định khá rõ về thời hạn và việc xử lý các dự án treo, chậm tiến độ. Theo đó, các dự án hết 24 tháng mà không triển khai đúng tiến độ thì được phép gia hạn 24 tháng nữa, hết 24 tháng nữa mà vẫn bị treo thì Nhà nước thu hồi cả đất lẫn tài sản đã đầu tư trên đất.

Luật sư Hùng kiến nghị: “Ngoài ra, cũng cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng địa phương khi để các dự án treo thời gian quá dài. Đầu tiên là xem lại việc cấp đất xem có đúng quy định. Tiếp theo là việc thẩm định năng lực chủ đầu tư. Thực tế cho thấy, dự án treo gây phiền hà cho người dân. Họ đang sống yên bình thì phải dọn nhà đi để nhường chỗ cho chủ đầu tư làm dự án. Tuy nhiên, đợi đến cả 10 năm hoặc hơn 10 năm dự án vẫn chưa được triển khai mà chỉ còn là bãi đất hoang. Điều này dẫn đến bức xúc xã hội”.

Luật sư Hùng nói thêm, việc xóa dự án treo, cơ hội sẽ đến với các nhà đầu tư có năng lực thực sự. Thử tưởng tượng xem với 700 dự án treo, 5.000 ha đất được thu hồi chuyển cho các chủ đầu tư khác thì trong 5 năm tới, sẽ có bao nhiêu căn nhà được xây dựng. Khi các dự án được hoàn thiện, người dân sẽ có thêm cơ hội tiếp cận nhà ở để ổn định cuộc sống.

Đỗ Nam Đô
Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Người dân sẽ được giao đất mà không phải qua đấu giá

Thêm giải pháp duy trì nguồn cung nhà bình dân

Sàn thương mại điện tử xuất hóa đơn giúp minh bạch quản lý thuế, chống gian lận

Chung cư giá dưới 25 triệu đồng/m2 “biến mất”: Đề xuất ưu tiên mở rộng loại đất làm nhà ở bình dân

Xu hướng tái sử dụng đồ cũ hoặc “săn” hàng giảm giá để tiết kiệm chi tiêu trong mùa Giáng sinh

Mức giá cho thuê NOXH tại Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Đồng Nai chênh lệch như thế nào?

Vì sao khó giảm lãi suất cho vay mua NOXH?

Khách hàng “ngậm đắng nuốt cay” vì dự án bất động sản vướng pháp lý

Tin mới cập nhật

Vợ chồng 9X chi 30 tỷ xây biệt thự hiện đại kết hợp phong cách nội thất Japandi

8 giờ trước

Từng chỉ sống với 72 nghìn mỗi ngày, làm việc 100 giờ/tuần với 3 công việc: Nhiều năm sau "lội ngược dòng" thành doanh nhân thành đạt, nắm giữ khối tài sản tỷ đô

8 giờ trước

Thêm giải pháp duy trì nguồn cung nhà bình dân

8 giờ trước

Người dân sẽ được giao đất mà không phải qua đấu giá

8 giờ trước

Cô Mười Garden Villa: Sự giao thoa của hơi thở hiện đại và dáng dấp kiến trúc nông thôn vùng Tây Nam Bộ

1 ngày trước