Sau những lần Dow Jones lao dốc, chứng khoán Việt Nam thường biến động ra sao?
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường chứng khoán hôm nay 13/9: VN-Index giảm nhẹ trước áp lực từ nhóm cổ phiếu lớnGiá xăng xuống thấp nhất kể từ đầu năm, cổ phiếu Petrolimex (PLX) và PV Oil (OIL) đang diễn biến thế nào?"Xa lánh" cổ phiếu và tiền ảo, giới nhà giàu châu Á đang đổ tiền vào đâu?Theo Nhịp sống thị trường, từ lâu chứng khoán Mỹ đã được coi như "nhiệt kế" phản ánh rõ nét nhất sức nóng của thị trường tài chính toàn cầu bởi khả năng phản ứng trước các biến động của nền kinh tế số 1 thế giới cũng như những động thái thay đổi chính sách của Fed. Ở một mức độ nào đó, thị trường chứng khoán Mỹ có ảnh hưởng đến đa số các thị trường trên thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Đêm qua, những biến động từ nước Mỹ xa xôi lại một lần nữa khiến giới đầu tư Việt Nam mất ngủ với việc chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones (DJI) giảm đến 1.276 điểm (-3,94%), mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 6 năm 2020. Nguyên nhân được cho là xuất phát từ số liệu lạm phát của Mỹ cao hơn kỳ vọng với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 8,3% so với cùng kỳ.
Dù thực tế không phải lúc nào 2 thị trường cũng đồng pha nhưng ảnh hưởng về mặt tâm lý là khó tránh khỏi. Dữ liệu lịch sử cho thấy, chỉ số VN-Index không phản ứng quá tiêu cực sau những lần Dow Jones lao dốc. Thống kê từ năm 2012 đến nay, DJI tổng cộng có 27 lần giảm trên 3% một phiên. Trong 26 lần trước, chỉ có 6 lần VN-Index giảm trên 3% ngay phiên sau đó, thậm chí có đến 7 lần ngược dòng tăng điểm. Phần lớn các lần còn lại VN-Index chỉ giảm dưới 2% hoặc không đáng kể.
Đặc biệt, trong cả 2 lần DJI giảm trên 10% vào ngày 12/3 và 16/3/2020 và phải tạm ngừng giao dịch giữa chừng, VN-Index chỉ giảm dưới 1% phiên ngay sau đó. Hay như lần DJI giảm đến 4,4% vào ngày 1/4/2020, nhưng VN-Index thậm chí còn tăng mạnh 3,2% vào phiên kế tiếp. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, chứng khoán Mỹ giao dịch không có biên độ và được phép bán khống, vì vậy mức độ khốc liệt trong những đợt bán tháo cao hơn là điều dễ hiểu.
Có thể thấy, xác suất VN-Index giảm điểm ngay phiên DJI lao dốc là khá cao, tuy nhiên mức độ phản ứng lại có phần nhẹ nhàng hơn, thậm chí không ít lần còn đi ngược. Việc dự đoán chính xác thị trường sẽ biến động như nào là điều không hề đơn giản, thay vào đó yếu tố mà nhà đầu tư cần quan tâm nhiều hơn là câu chuyện đằng sau đà lao dốc sẽ ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam.
Về cơ bản, lạm phát ở Mỹ không giống lạm phát tại Việt Nam bởi sự khác biệt về trọng số trong rổ chỉ số giá tiêu dùng. Thực tế cho thấy lạm phát tại Việt Nam đang được kiểm soát tốt trong khi vẫn đảm bảo tăng trưởng tích cực. Bên cạnh đó, tình hình vĩ mô ổn định cũng là một động lực giúp thị trường chứng khoán Việt Nam đi ngược xu hướng giảm của thị trường tài chính toàn cầu trong tháng 8.
Hiện tại, điều khiến các nhà đầu tư lo ngại là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ càng có lý do để giữ quan điểm diều hâu trong việc điều hành chính sách tiền tệ. Trước đó, Chủ tịch Jerome Powell cũng đã có những thông điệp cứng rắn về việc chặn đà leo thang của lạm phát đồng thời nhấn mạnh sẽ tiếp tục tăng lãi suất đồng thời cảnh báo việc này sẽ gây ra "một chút đau: cho nền kinh tế Mỹ. Fed trước đó đã có lần thứ 2 liên tiếp tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm vào cuộc họp cuối tháng 7.
Theo báo cáo mới nhất, Goldman Sachs dự báo mức lãi suất điều hành cuối năm 2022 của Fed sẽ là 4%, đồng nghĩa với việc nếu tiếp tục tăng 0,75 điểm % trong tháng 9, tiếp đến 0,5 điểm % vào tháng 11 và 0,25 điểm % trong tháng 12. Việc Fed chưa có động thái cho thấy sẽ chấm dứt tăng lãi suất trong ngắn hạn sẽ ảnh hưởng lớn đến dòng tiền vào các tài sản tài chính có rủi ro cao và thị trường chứng khoán cũng không ngoại lệ.
Dự báo của Dragon Capital cho rằng, lãi suất Việt Nam có thể tiếp tục xu hướng đi lên nếu Fed tiếp tục thắt chặt tiền tệ cũng như nâng lãi suất lên mức 4,0% trong năm 2023, điều này sẽ gây áp lực khiến các Ngân hàng trung ương trên thế giới phải nâng lãi suất để bảo vệ đồng nội tệ và duy trì giữ dòng vốn không chạy khỏi quốc gia của mình.
Chỉ số Dollar Index đã vượt 110 qua đó chạm mức cao nhất trong vòng 20 năm, tạo ra áp lực với các đồng tiền của các quốc gia đang phát triển và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Ngân hàng Nhà nước theo đó đã nâng tỷ giá bán USD từ 23.400 lên 23.700 đồng sau khi tỷ giá liên ngân hàng tăng lên mốc 23.600 đồng/USD. Tuy nhiên, trong bối cảnh đồng Euro giao dịch dưới mốc 1 USD, Nhân dân tệ chạm ngưỡng 7.0, Yên Nhật thậm chí sụt giảm về mức 144, thấp nhất trong vòng 24 năm, thì mức giảm của VND được xem là hợp lý và thể hiện đúng sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam.
Sự bất ổn trên toàn cầu có thể tác động đến vị thế của Việt Nam, nhưng nền kinh tế nội địa vẫn đang vận hành rất tốt và được nhiều các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Sau mức tăng xếp hạng tín nhiệm lên BB+ của S&P, với sự triển vọng ổn định trong dài hạn Việt Nam tiếp tục được Moody’s nâng triển vọng lên Ba2. Theo đó, Dragon Capital dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể đạt được 2 chữ số trong quý 3 và 7,8% trong năm nay.
Theo Dragon Capital, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục xu hướng hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ trong khi chứng khoán đang ở mức định giá hấp dẫn với PE 10 lần và tăng trưởng EPS là 17%. Mặc dù tăng trưởng vào năm sau có thể giảm tốc, nhưng đây chỉ là chậm lại chứ không phải tăng trưởng âm. Thị trường Việt Nam có triển vọng về lợi nhuận/rủi ro vượt trội trong nhóm các thị trường mới nổi.