Quý II/2022: Sao Ta đạt đỉnh lợi nhuận, doanh thu vượt mốc 1.400 tỷ đồng
BÀI LIÊN QUAN
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng rằng sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng đến cuối năm 20226 tháng cuối năm 2022, triển vọng tươi sáng cho các doanh nghiệp gạo khi sản lượng xuất khẩu tăng"Vua tôm" Minh Phú giảm tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Mỹ: Lợi nhuận gần như không có thì sao phải bám trụ?Doanh thu và lợi nhuận kỷ lục
Mới đây, CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất của quý II/2022. Theo báo cáo này, doanh thu thuần trong kỳ này của Sao Ta là 1.411 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước đã tăng 21,5%. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế là 118 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ. Điều đáng nói, đây là quý mà Sao Ta ghi nhận lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay.
Sau khi lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Sao Ta đạt mức 2.739 tỷ đồng, so với nửa đầu năm ngoái đã tăng 29%. Ngoài ra, lợi nhuận sau thuế là 161 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ. Năm 2022, CTCP Thực phẩm Sao Ta đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt .290 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 320 tỷ đồng. Như vậy chỉ sau 6 tháng đầu năm, Sao Ta đã thực hiện được khoảng 52% chỉ tiêu doanh thu cùng với 51% kế hoạch lợi nhuận năm.
Nửa đầu năm nay, doanh nghiệp ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng thể hiện qua kết quả kinh doanh trong bối cảnh tôm nuôi bị dịch bệnh nhiều, nguồn cung nguyên liệu không mạnh và luôn duy trì ở mức giá cao trong thời gian qua. Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm nay, chi phí vận chuyển của Sao Ta cũng đã tăng 127% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 97 tỷ đồng. Việc gia tăng này đến từ việc giá dầu tăng liên tiếp cùng với chuỗi cung ứng còn chưa tái lập hoàn thiện.
Xét về tình hình tài chính của công ty, tính tại ngày 30/6 vừa qua, quy mô tổng tài sản của Sao Ta ở mức 3.128 tỷ đồng, so với thời điểm đầu năm đã tăng gần 16%. Ngoài ra, Sao Ta có 885 tỷ đồng khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kỳ hạn từ 6-12 tháng, con số này chiếm 28% tài sản của công ty. Đáng chú ý, khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của Sao Ta chính là hàng tồn kho. Cụ thể, tại thời điểm cuối quý 2 năm nay, giá trị hàng tồn kho của Sao Ta là hơn 1.000 tỷ đồng, so với đầu năm đã tăng hơn 6% và chủ yếu là thành phẩm.
Về cơ cấu nguồn vốn, trong thời gian qua Sao Ta chỉ đi vay ngắn hạn với giá trị là gần 930 tỷ đồng, so với đầu năm đã tăng 124%. Đây đều là những khoản vay ngân hàng bằng USD, lãi suất của khoản vay này nằm trong khoảng từ 2 cho tới 2,7%. Tính đến cuối tháng 6 vừa qua, vốn sở hữu của CTCP Thực phẩm Sao Ta là 1.956 tỷ đồng; trong đó có 522 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, còn lại là vốn góp và thặng dư vốn cổ phần của doanh nghiệp.
Xuất khẩu tôm nửa cuối năm có thể gặp khó vì thời tiết và thị trường đều bất lợi
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, trong tháng 6 năm nay, doanh số xuất khẩu tôm đã tăng trưởng khiêm tốn 7% so với cùng kỳ, lên mức 450 triệu USD. Sau khi lũy kế nửa đầu năm nay, xuất khẩu tôm đạt 2,3 tỷ USD, chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản và tăng 33% so với cùng kỳ năm trước.
Theo như đánh giá của ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta, việc kim ngạch xuất khẩu tôm có nhiều kết quả tích cực đến từ nhiều yếu tố. Trong đó, chắc chắn không thể bỏ qua việc lạm phát đã khiến cho việc tiêu thụ tôm tăng lên. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp tôm đã phải giảm chế biến tại thời điểm cuối năm 2021, do các vấn đề hậu Covid-19 nên đã dồn sản lượng vào thời điểm đầu năm nay. Bên cạnh đó, chi phí cước tàu tăng đã góp phần tăng thêm khoảng 10% giá trị kim ngạch xuất khẩu.
Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, cục diện đã thay đổi. Có thể nói, cả yếu tố thời tiết và thị trường đều không thuận lợi sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến bức tranh ngành tôm thời điểm cuối năm. Vì thế, so với 6 tháng đầu năm, tình hình ngành tôm trong nửa cuối năm sẽ có phần ảm đạm hơn.
Ông Hồ Quốc Lực nhận định, việc biến đổi khí hậu sẽ khiến cho môi trường không thể đáp ứng được nhu cầu sinh lý của con tôm trong khi nông dân vẫn còn lăn tăn, e ngại việc thả nuôi. Chính vì thế, các doanh nghiệp trong thời gian tới có thể đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu. Mặt khác, vụ nuôi chính năm nay tại miền Tây sẽ kết thúc sớm hơn so với dự kiến khoảng 3 tuần vì tình trạng dịch bệnh trên con tôm ngày càng trầm trọng.
Cụ thể, Chủ tịch Sao Ta cho biết: “Mọi năm, đầu quý III là cao điểm mùa tôm chính của năm, các doanh nghiệp chế biến tôm luôn ở trạng thái đủ nguyên liệu cho chế biến, đáp ứng các đơn hàng đã ký kết. Hiện nay, mức phổ biến đáp ứng nguyên liệu ở các doanh nghiệp tôm là 2/3; thậm chí có ngày chỉ chỉ 1/2. Mặt khác, tôm cỡ lớn cũng giảm so năm trước. Điều này ít nhiều gây khó khăn cho các doanh nghiệp tôm trả nợ đơn hàng”.
Thời điểm hiện tại, ngành tôm vốn đã khó khăn lại càng thêm khó bởi giá tôm xuất khẩu sang thị trường Mỹ đang có xu hướng giảm trong tình trạng tôm giá rẻ từ Ấn Độ và Ecuador sang đây ngày càng nhiều. Giá tôm Việt Nam hiện nay đang cao hơn giá tôm Ấn Độ và Ecuador. Bên cạnh đó, tôm Việt còn phải cạnh tranh với sản phẩm tôm không bị áp thuế chống bán phá giá từ Indonesia. Điều này khiến triển vọng xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ không mấy khả quan. Đây cũng là lý do khiến “vua tôm” Minh Phú quyết định giảm tỷ trọng xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ.
Trái ngược với thị trường Mỹ, Nhật Bản lại cho thấy nhiều tín hiệu tích cực, khả quan hơn. Liên quan đến tình trạng này, ông Lực bổ sung rằng: “Sản phẩm tôm cung ứng thị trường Nhật Bản đòi hỏi sự đa dạng mẫu mã, chế biến tỉ mỉ, cầu kỳ, đẹp mắt và là hàng tinh chế. Như vậy, năng suất sẽ không cao, mức tăng sản lượng không mạnh nhưng hết sức phù hợp trong bối cảnh tình hình ngành tôm Việt Nam hiện nay”.
Bên cạnh đó, cước tàu tới Nhật Bản khi so với các tuyến vận chuyển xa (như Mỹ và EU) là không cao. Chính vì thế, giá bán sẽ không bị tăng “ảo” và giúp cho việc tiêu thụ trở nên thuận lợi hơn. Ngoài ra, so với Mỹ và khu vực EU, tỷ lệ lạm phát tại xứ sở hoa anh đào cũng thấp hơn nhiều. Đây chính là một lợi thế giúp cho việc tiêu thụ tôm ở thị trường này luôn duy trì được mức ổn định.
Theo nhận định của Chủ tịch Sao Ta, xuất khẩu tôm nửa cuối năm nay sẽ khó khăn hơn nhiều. Tuy nhiên, nhờ kết quả 6 tháng đầu năm ghi nhận ấn tượng, kim ngạch xuất khẩu tôm cả năm của doanh nghiệp sẽ tăng ít nhất 10% và vượt kế hoạch đã đề ra trước đó.