Quý 2/2022: FLC Stone lần đầu tiên báo lỗ, tổng doanh thu giảm mạnh 92% so với cùng kỳ
BÀI LIÊN QUAN
6 tháng đầu năm, doanh thu của Vinataba đạt hơn 12.838 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 94 triệu USDTwitter ngầm khẳng định doanh thu thậm tệ của công ty là vì Elon MuskDoanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Nhựa Tiền Phong 6 tháng đầu năm tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳFLC Stone lần đầu tiên báo lỗ
Mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (Mã chứng khoán: AMD) đã công bố báo cáo tài chính quý 2 năm nay với nhiều con số đáng chú ý. Theo như báo cáo tài chính kỳ này, doanh thu của AMD đã giảm đột biến chỉ còn hơn 24 tỷ đồng. So với doanh thu của cùng kỳ năm trước, con số này chỉ bằng 8% mà thôi. Đồng thời, đây cũng trở thành mức doanh thu thấp nhất của FLC Stone kể từ khi niêm yết trên sàn cho tới nay.
Sau khi lũy kế 6 tháng đầu năm doanh thu của công ty đã giảm 49% so với cùng kỳ và đạt 404 tỷ đồng. Tuy nhiên, do giá vốn cũng giảm tương ứng nên lãi gộp của doanh nghiệp trong quý 2 chỉ giảm 2% so với cùng kỳ và đạt mức 7 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, lãi gộp của FLC Stone đã giảm 45% so với cùng kỳ và đạt hơn 14 tỷ đồng.
Trong kỳ này, doanh thu từ hoạt động tài chính của AMD cũng đã giảm mạnh 64% so với cùng kỳ năm trước, xuống chỉ còn 4,7 tỷ đồng. Lũy kế nửa đầu năm, lượng tiền của doanh nghiệp cũng đã giảm chỉ còn 2,3 tỷ đồng; trong đó chiếm tới gần 2,2 tỷ đồng là tiền mặt, 161 triệu đồng là tiền gửi ngân hàng. Trong khi cùng kỳ năm trước, lượng tiền gửi ngân hàng của FLC Stone là 9,4 tỷ đồng. Thời điểm hiện tại, AMD không gửi tiền có kỳ hạn ở ngân hàng nào nữa.
So với cùng kỳ, chi phí tài chính của FLC Stone trong quý 2 năm nay đã giảm 33% và đạt mức 5,7 tỷ đồng. Xét về cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp, tổng nợ phải trả của FLC Stone so với thời điểm đầu năm đã giảm 21% về mức 419 tỷ đồng. Trong đó, tổng nợ vay của doanh nghiệp chỉ còn 232 tỷ đồng, nguyên nhân là do nợ vay tài chính ngắn hạn đã giảm 33% xuống chỉ còn 215 tỷ đồng.
Cũng trong quý 2 năm nay, chi phí bán hàng của FLC Stone đã giảm mạnh xuống còn ⅓ so với cùng kỳ, chỉ còn 747 triệu đồng. Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng lên gấp 10 lần so với cùng kỳ, lên mức 29 tỷ đồng. Do doanh thu sụt giảm nhưng chi phí lại tăng cao nên trong quý 2 năm nay, doanh nghiệp ghi nhận mức lỗ thuần 23,7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 6,7 tỷ đồng. Cộng thêm khoảng 265 triệu đồng các khoản lỗ khác, FLC Stone ghi nhận lỗ sau thuế trong quý 2 năm nay là gần 24 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 5 tỷ đồng. Kể từ khi niêm yết cho tới nay, đây là lần đầu tiên doanh nghiệp này báo lỗ.
Trước đó, AMD đã đặt mục tiêu doanh thu năm 2022 là 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 12 tỷ đồng. Như vậy, chỉ sau 6 tháng đầu năm doanh nghiệp đã hoàn thành được 40% kế hoạch doanh thu, riêng lợi nhuận đang ở mức âm 22 tỷ đồng. Giải thích về nguyên nhân thua lỗ, phía doanh nhân cho biết trong kỳ qua doanh thu của FLC Stone đã sụt giảm, đồng thời công ty còn phải trích lập bổ sung dự phòng đối với một số khoản nợ phải thu khó đòi.
Cụ thể, khoản dự phòng phải thu khó đòi của doanh nghiệp đã tăng từ 1,4 tỷ đồng thời điểm đầu năm lên mức 27,8 tỷ đồng sau khi kết thúc quý 2 năm nay. Bên cạnh đó, tổng số nợ xấu của AMD cũng đã tăng thêm gần 53 tỷ đồng, lên mức 55 tỷ đồng. Trong đó, chỉ có 27,4 tỷ đồng là nợ xấu có khả năng thu hồi.
Trong số các khoản nợ xấu mới phát sinh trong năm nay của FLC Stone chủ yếu đến từ CTCP Công nghệ TMC với con số 35 tỷ đồng. Ngoài ra còn có một khoản đến từ công ty cùng hệ sinh thái FLC là CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways). Cụ thể, khoản nợ xấu của Bamboo Airways là 6,5 tỷ đồng nhưng giá trị có thể thu hồi chỉ khoảng hơn 3,3 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc, AMD sẽ phải trích lập dự phòng 3,2 tỷ đồng đối với hãng hàng không này.
Trong năm nay, còn có nhiều công ty khác phát sinh nợ xấu, bao gồm: Công ty TNHH Thương Mại Đầu Tư Nam Phương (với khoản nợ là 5,6 tỷ đồng), Công ty TNHH MTV Xuất Nhập Khẩu Global Stone (3 tỷ đồng), CTCP Xây dựng và quản lý dự án số 1 (1,3 tỷ đồng) và TCT 36 (1,2 tỷ đồng).
Tác động của FLC tới FLC Stone
Tại Đại hội cổ đông thường niên 2022 tổ chức hôm 16/6 vừa qua, sau khi Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức công lên tiếng trấn an nhà đầu tư, FLC Stone đã chính thức thông báo kết quả kinh doanh đi xuống. Ông Nguyễn Đức Công khẳng định, FLC Stone vẫn hoạt động bình thường sau khi ông Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC và Bamboo Airways) bị bắt tạm giam hôm 29/3 với cáo buộc vi phạm pháp luật về chứng khoán.
Công bố trước đại hội sáng ngày 16.6, ông Nguyễn Đức Công khẳng định, ông Trịnh Văn Quyết không phải là cổ đông lớn của FLC Stone đồng thời cũng không phải là lãnh đạo trực tiếp điều hành công ty, thế nên “việc khởi tố là việc cá nhân của ông Trịnh Văn Quyết, không liên quan gì tới công ty chúng ta”.
Thông tin từ cơ quan điều tra cho thấy, ông Trịnh Văn Quyết cùng với một số cá nhân liên quan đã thao túng giá của 6 mã chứng khoán, đó là: FLC của Tập đoàn FLC, ROS của Xây dựng FLC Faros, ART của Chứng khoán BOS, HAI của Nông dược HAI, GAB của Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC và AMD của FLC Stone. Tuy nhiên, theo khẳng định của Chủ tịch FLC Stone Nguyễn Đức Công, công ty không kinh doanh hay đầu tư chứng khoán, vì thế không liên quan tới hoạt động giao dịch chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết mà cơ quan điều tra đang tìm hiểu.
Đáng chú ý, dù trong tên gọi có chữ FLC nhưng FLC Stone lại không phải là công ty con hay công ty liên kết của Tập đoàn FLC, đồng thời ông Trịnh Văn Quyết cũng không nắm quyền điều hành hay sở hữu nhiều cổ phiếu AMD của công ty này. Thế nhưng, Tập đoàn FLC lại là một trong những khách hàng quan trọng, tiến hành thu mua với số lượng lớn các sản phẩm đá của FLC Stone cho các công trình quần thể nghỉ dưỡng ở Quảng Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa, ... Chính vì thế, khi Tập đoàn FLC gặp khó khăn, điều này cũng ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của FLC Stone trong khoảng thời gian vừa qua.
Tại thời điểm ngày 30/6/2022, khoản mục người mua trả tiền trước của Tập đoàn FLC được FLC Stone ghi nhận là khoảng 40 tỷ đồng. Trong đó, hơn 3,7 tỷ đồng là của FLC Faros. Đáng chú ý, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC Lã Quý Hiển từng đảm nhiệm vị trí Thành viên HĐQT FLC Stone. Chỉ tính từ thời điểm đầu năm cho đến nay, giá cổ phiếu FLC và AMD đều đã giảm khoảng 60 đến 70%.