Quý 2/2022, doanh thu thuần của Thế Giới Di Động tăng nhưng lợi nhuận giảm so với cùng kỳ
BÀI LIÊN QUAN
Hàng loạt "ông lớn" Thế giới di động, FPT Retail, Masan đua nhau dồn lực vào việc phát triển các chuỗi bán lẻ dược phẩmThêm một công ty chứng khoán vay nợ Thế giới Di động trăm tỷ đồngThế Giới Di Động tạm dừng kinh doanh AVAFashion, AVAJi sau 6 tháng thử nghiệm không hiệu quả, dồn lực vào phát triển chuỗi nhà thuốcMới đây, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) đã báo cáo kết quả kinh doanh trong nửa đầu năm nay. Theo như báo cáo này, doanh thu thuần của công ty là 70.804 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước đã tăng 13%. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế là 2.576 tỷ đồng, nhích nhẹ 1% so với nửa đầu năm 2021. Như vậy, so với kế hoạch đề ra cho cả năm, chỉ sau 6 tháng đầu năm MWG đã thực hiện được 51% chỉ tiêu doanh thu cùng với 41% mục tiêu lợi nhuận năm.
Chỉ tính riêng trong quý 2 năm nay, doanh thu thuần của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động là 34.337 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp giảm 6,8% so với cùng kỳ và đạt mức 1.131 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu online của MWG so với cùng kỳ năm trước đã tăng trưởng 94%. Đáng chú ý, doanh thu từ chuỗi Thế Giới Di Động tăng 100% còn chuỗi Bách Hóa Xanh tăng 13%.
Trong cơ cấu doanh thu 6 tháng đầu năm, chuỗi Thế Giới Di Động (bao gồm Topzone) và Điện Máy Xanh chiếm 80,5% tỷ trọng. Đáng chú ý, doanh thu của Thế Giới Di Động (bao gồm Topzone) xấp xỉ 19.000 tỷ đồng và doanh thu của Điện Máy Xanh là 38.000 tỷ đồng.
Như vậy, trong 6 tháng đầu năm nay, tổng doanh thu của Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh so với nửa đầu năm 2021 đã tăng 17%. Đặc biệt, doanh số của hai chuỗi cửa hàng này trong quý 2 năm nay đã tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. So với mức đỉnh được ghi nhận vào quý 4 năm 2021, con số này chỉ giảm 11% trong bối cảnh các doanh nghiệp cùng ngành đã có mức sụt giảm từ 30% đến 40%.
Tính tới thời điểm hiện tại, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động đã có tổng cộng 1.067 cửa hàng Thế Giới Di Động, trong đó có 50 cửa hàng Topzone đóng góp hơn 1.000 tỷ đồng doanh số trong nửa đầu năm nay. Ngoài ra, chuỗi Điện Máy Xanh là 2.131 cửa hàng, trong đó có 926 cửa hàng supermini với doanh thu lũy kế gấp so với cùng kỳ năm trước đã cao gấp 1,8 lần.
Giảm số lượng nhưng chú trọng vào chất lượng đối với chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh
Trong nửa đầu năm nay, chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh đã mang về cho Thế Giới Di Động 12.800 tỷ đồng doanh thu, chiếm 18,1% trong tổng doanh thu của tập đoàn. Sau khi lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh số Bách Hóa Xanh so với cùng kỳ chỉ giảm 4% dù quý 2 năm trước, chuỗi này được hưởng lợi từ dịch Covid-19. Chỉ tính riêng trong quý 2 năm nay, doanh số của chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh đã giảm 8% so với cùng kỳ nhưng lại tăng 12% so với quý liền kề trước đó.
Theo lãnh đạo tập đoàn, hiện chuỗi Bách Hóa Xanh đang trong quá trình tái cơ cấu toàn diện bắt đầu từ tháng 4 năm nay. Điều này đang dần cho thấy những tín hiệu tích cực. Cụ thể, dù chuỗi đã đóng cửa 251 cửa hàng trong tháng 5 và tháng 6. Công ty dự kiến đạt mục tiêu doanh thu bình quân cho mỗi cửa hàng là 1,3 tỷ đồng sớm hơn cửa hàng, thực hiện ngay trong quý 3 năm nay.
Thời điểm hiện tại, MWG có 1.889 cửa hàng Bách Hoá Xanh. Trong đó, có tới gần 1.500 cửa hàng đã hoàn thành việc thay đổi cách bố trí, sắp xếp (layout) mới để khách hàng mua sắm thoải mái, thuận tiện hơn. Trong tháng 6, doanh thu bình quân của chuỗi Bách Hóa Xanh đạt 1,2 tỷ/cửa hàng.
Mới đây, MWG đã cập nhật về tiến độ tái cấu trúc của chuỗi Bách Hóa Xanh và cho biết, về cơ bản hiện tại chuỗi Bách Hóa Xanh đã hoàn tất việc thay layout mới cho toàn bộ cửa hàng hiện hữu. Đồng thời, công ty cũng đưa ra hàng hoạt tiêu chí lý giải về việc ngừng hoạt động cửa hàng Bách Hóa Xanh bao gồm: Hạn chế về vị trí và diện tích không thể thay đổi; tỷ lệ chi phí thuê trên doanh thu quá cao, khó đạt điểm hòa vốn ngay cả khi doanh thu cửa hàng tiếp tục tăng; không tối ưu về logistics (lợi nhuận từ cửa hàng không đủ bù chi phí kho vận do cách xa trung tâm phân phối).
Phía công ty cũng cho biết, hiện MWG đang tiến hành rà soát xử lý theo từng nhóm cửa hàng. Dự kiến đến cuối quý 3 năm nay, số lượng cửa hàng Bách Hóa Xanh còn vận hành trong khoảng 1.700 đến 1.800 cửa hàng. Đồng thời, công ty cũng cho biết các chi phí phát sinh một lần từ việc đóng hàng loạt cửa hàng Bách Hóa Xanh sẽ tác động ngắn hạn đến lợi nhuận của chuỗi nói riêng và công ty nói chung trong quý 2 và quý 3 năm nay. Dự kiến trong quý 4, chuỗi cũng sẽ chú trọng tập trung vào việc hoàn thiện nền tảng backend, đồng thời tối ưu vận hành để cải thiện biên lợi nhuận cho Bách Hóa Xanh và cả công ty mẹ Thế Giới Di Động.
Báo cáo của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động cũng chia sẻ thêm về chuỗi nhà thuốc An Khang. Theo đó, doanh thu nửa đầu năm của chuỗi cửa hàng dược phẩm này đã tăng gấp 3,3 lần so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, con số chi tiết lại không được công ty tiết lộ cụ thể.