Phòng làm việc của tỷ phú Lý Gia Thành treo 2 câu đối: Ẩn chứa triết lý nhân sinh giúp ông trở thành người giàu có nhất Hong Kong
BÀI LIÊN QUAN
Tỷ phú Lý Gia Thành: Thành công chậm giúp xây dựng nhân cách, thành công nhanh chỉ tạo ra sự kiêu ngạoTập đoàn của tỷ phú Lý Gia Thành đã làm gì trước khi bắt tay với vạn Thịnh Phát đầu tư mạnh vào hạ tầng và logistics tại Việt Nam?Tỷ phú số 1 Hồng Kông Lý Gia Thành: Trí làm nên tầm, tầm làm nên tiền, khi tầm tới thì tiền sẽ tới!Hơn 2 thập kỷ qua, tỷ phú Lý Gia Thành luôn giữ vững “ngôi vương” là người giàu có nhất Hong Kong. Theo ước tính của Forbes, giá trị tài sản ròng của ông trùm kinh doanh Hong Kong lên tới 34,3 tỷ USD, xếp hạng thứ 43 trong bảng xếp hạng những người giàu có nhất trên thế giới.
Vị tỷ phú này quan niệm rằng, dù thành công hay thất bại, nguyên nhân đều xuất phát từ chính bản thân mình. Thay vì than vãn hoặc trốn tránh, mỗi cá nhân là người phải chịu 100% trách nhiệm trước những lời nói và việc làm của mình.
Đáng chú ý, trong phòng làm việc của Lý Gia Thành có treo một câu nói, nội dung như sau: “Phát thượng đẳng nguyện, kết trung đẳng duyên, hưởng hạ đẳng phúc; chọn chỗ cao lập, liền bình chỗ ngồi, hướng khoan chỗ hành”. Ý nghĩa của câu nói này tức là: “Ước nguyện cao xa, kết duyên trung bình, hưởng phúc nhỏ bé; chọn chỗ cao mà đứng, chọn chỗ phẳng mà ngồi, chọn chỗ rộng mà đi”.
Đây là câu nói nổi tiếng của Tả Tông Đường - một nhà lãnh đạo quân sự kiệt xuất ở cuối thời nhà Thanh, Trung Quốc. Ông được biết đến là một nhân vật lịch sử với nhiều đóng góp quan trọng và thiết thực cho nền quân sự và chính trị của Trung Hoa thời điểm đó.
Những câu nói, danh ngôn nổi tiếng của Tả Tông Đường là kho tàng vô giá dành cho thế hệ mai sau, giúp họ thay đổi tư duy, tìm ra được con đường đúng đắn để phát triển thành công của chính mình, trong đó có cả tỷ phú Hong Kong Lý Gia Thành.
Điều đáng nói, câu đối trên của Tả Tông Đường được Lý Gia Thành vô cùng yêu thích. Ông treo câu đối này ở trong phòng làm việc, như một lời tự nhắc nhở bản thân mình mỗi ngày. Nửa vế đầu tiên của câu nói chỉ cho chúng ta thấy được rằng, làm người phải có lòng dạ rộng lớn cùng chí hướng cao xa. Trong cuộc đời, chỉ cầu mong duyên phận trung bình, vừa đủ để thỏa mãn con người, sống và sinh hoạt chỉ cần như một người bình thường là đủ.
Trong khi đó, nửa vế sau lại dạy mỗi người một bài học quan trọng, đó là gặp bất kỳ một vấn đề nào đều phải nhìn xa trông rộng, đối nhân xử thế phải biết khiêm tốn, khiêm nhường. Xử lý chuyện gì cũng nên để lại đường lui cho người khác cũng chính là đường lui cho mình, đừng nên quá tuyệt tình kẻo rước họa vào thân.
Chỉ một câu nói đơn giản nhưng lại ẩn chứa đạo lý vô cùng to lớn ở bên trong giúp nhiều người có thể định hướng được cuộc đời của mình. Có thể thấy, có chí thì mới có động lực để phấn đấu, người xưa đã dạy mỗi người cần phải nuôi dưỡng chí hướng để bay xa, có động lực để sống và làm việc có mục tiêu, có lý tưởng, không thể tạm bợ theo kiểu đến đâu thì hay đến đó.
Bên cạnh đó, trong cuộc đời không có ai là hoàn mỹ, ai cũng có những thất bại và khuyết điểm của riêng mình. Bởi vậy, mỗi người cần phải học được cách khoan dung, tự thỏa mãn và hài lòng với bản thân, không để dục vọng và vật chất khiến tâm tính thay đổi, phá hỏng mục tiêu và lý tưởng của mình.
Cao nhân thực sự trong thế giới này chính là người hiểu được những lúc có thể thắng mà không nhất định phải thắng, có tấm lòng khiêm nhường trước người khác và có thể hiểu được ý nguyện lòng người.
Lúc sinh thời, Tả Tông Đường được biết đến là một cao thủ cờ vây, số người có thể chiến thắng ông trên bàn cờ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cho tới một lần nọ, Tả Tông Đường cải trang, che giấu thân phận để đi tuần tra ở khu vực mà mình quản lý. Khi ấy, ông bất ngờ gặp một ngôi nhà tranh có treo tấm biển rằng: “Đệ nhất thiên hạ kỳ thủ” (người chơi cờ giỏi nhất thiên hạ).
Vì cảm thấy không phục, Tả Tông Đường lập tức vào trong thách đấu liền lúc ba ván. Điều đáng nói, cả ba ván cờ, chủ nhân của ngôi nhà đều thua. Thấy vậy, Tả Tông Đường vô cùng vui vẻ và nói rằng: “Tốt nhất ông hãy hạ tấm biển này xuống đi”. Sau đó, Tả Tông Đường vô cùng thoải mái và tự tin bước đi, tiếp tục trọng trách lớn của mình.
Một thời gian sau đó, khi công việc đã kết thúc, Tả Tông Đường trên đường quay trở về đi qua ngôi nhà kia thấy tấm biển vẫn còn ở nguyên đó, chưa bị gỡ xuống. Lần này, ông lại tiếp tục vào trong và thách đấu liền 3 ván nhưng cả 3 ván này, ông đều thua.
Lúc này, ông lão trong ngôi nhà tranh mới lên tiếng giải thích: “Thưa ngài, trước đó ngài đến đây, thân mang trọng trách và làm việc cho xã tắc giang sơn, đương nhiên tôi không thể làm giảm nhuệ khí và sự tự tin của ngài được. Hôm nay thì khác, nếu ngài đã thắng lợi trở về, tôi đương nhiên sẽ cố hết sức để tranh tài công bằng cùng ngài một trận chính đáng. Việc gì đáng làm thì phải làm, dựa trên thời gian mà quyết định”.
Cũng từ đó, Tả Tông Đường nhận ra bài học quan trọng rằng: Cao nhân thực sự là người có tấm lòng khoan dung, biết khiêm nhường, không xem trọng được mất hay thắng thua. Sự khôn ngoan của trí tuệ nằm ở chỗ tỉnh táo, nhìn nhận được thiệt hơn, từ đó dũng cảm buông bỏ và vượt qua, có thể thắng nhưng lại không nhất định phải thắng.
Dựa trên quan niệm quý báu này, tỷ phú Lý Gia Thành cũng từng phát biểu trước hàng ngàn cử nhân rằng: “Để có thể tạo nên sự khác biệt và thành công, con người phải luôn học hỏi với thái độ khiêm nhường, khiêm tốn, luôn sẵn sàng đón nhận những ý tưởng mới, thất bại mới để phá bỏ lối tư duy trì trệ cản trở chúng ta”.