Osamu Tezuka: Một biểu tượng danh bất hư truyền của nền công nghiệp manga Nhật Bản
Thuở thiếu thời của Osamu Tezuka
Thuở thiếu thời
Không ngoa khi nói rằng, Osamu Tezuka sinh ra để vẽ truyện tranh. Thuở nhỏ, ông đã có những tiếp xúc đầu đời với sách truyện trong nước và quốc tế, nhưng có thể nói yếu tố ảnh hưởng sâu đậm nhất đến ông chính là đoàn hát kịch Takarazuka ở quê nhà Hyogo của ông. Khi mới lên 5, ông đã thường được mẹ đưa đi xem những buổi biểu diễn ở Takarazuka, nơi mà ông trầm trồ trước tài kể chuyện và những thiết kế phục trang, sân khấu vô cùng tỉ mỉ và màu sắc - những yếu tố đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp vẽ truyện sau này của ông.
Thuở đi học, Tezuka luôn được đánh giá là một cậu bé hiếu kỳ, chăm quan sát và học hỏi. Cậu bé luôn dành sự yêu thích đặc biệt cho những vở hát kịch, thiên văn học cho tới việc sưu tầm các con côn trùng sau giờ học. Chính tài quan sát và hoa tay thiên bẩm của mình mà ông đã nổi tiếng trong trường nhờ vào tài vẽ vời. Ngay từ năm lớp 3, ông đã sáng tác được tác phẩm của riêng mình có tên là “Pin Pin Namachan”, đồng thời cũng bắt đầu nhận yêu cầu vẽ từ những người bạn.
Vào năm 16 tuổi (năm 1994), ông tham gia nhập ngũ. Trong doanh trại quân đội, ông vẫn tranh thủ thời gian để vẽ nhằm giải trí tinh thần cho mọi người. Hồi đó, ông thường vẽ những tranh biếm họa của những sĩ quan trong quân đội hoặc sáng tác truyện tiếu lâm ngắn trên những mẩu giấy vệ sinh để các đồng đội có thể lén đọc chúng trong lúc rảnh rỗi. Từ cuối năm 1944, những nỗ lực trên chiến trường Thế Chiến thứ II của Nhật bước đầu thất bại, chính ông đã tận mắt chứng kiến được sức mạnh hủy diệt ghê gớm của loài người và những nỗi đau mất mát không thể đong đếm của nó gây ra. Đó là một trong những tiền đề sáng tác của ông sau này.
Đam mê với ngành y và có được thành công đầu tay
Dù chiến tranh không có dấu hiệu dừng lại, Tezuka vẫn tốt nghiệp được trung học phổ thông và đỗ vào khoa Y Dược của trường Đại học Osaka vào tháng 7/1945. Tưởng rằng sau khi nhập học ông sẽ ít có cơ hội tiếp xúc với nghệ thuật hơn, nhưng ngược lại, ông được nhiều chủ biên tập tòa soạn ở Osaka liên lạc và đề xuất cho ông sáng tác những mẩu truyện tranh tiếu lâm 4 ô trên các ấn phẩm của họ. Thế là Tezuka đã chính thức ra mắt độc giả Nhật Bản vào tháng 1/1946 với tác phẩm đầu tay là “Nhật ký Ma-chan”. Đây là một bước ngoặt mới của tân sinh viên ngành Y khi chạm ngõ thành công vào nghề vẽ truyện chuyên nghiệp.
Cùng năm đó, ông Tezuka cũng nhận được một lời mời hợp tác với một họa sĩ chuyên nghiệp Shichima Sakai người Osaka, hai người cùng nhau cách tân tác phẩm văn học nổi tiếng “Đảo giấu vàng”. Tác phẩm “Tân Đảo giấu vàng” được ra mắt vào năm 1947, đã nhanh chóng trở thành hiện tượng của ngành xuất bản với hơn 400,000 bản được bán ra (mặc dù khi đó nước Nhật đang trong quá trình hồi phục từ chiến tranh). Về góc nhìn của giới chuyên môn, đây là tác phẩm thể hiện được cách kể chuyện mang tính điện ảnh cực kỳ đặc trưng, kết hợp với xây dựng hình tượng nhân vật “mắt to, đầu nhỏ” dễ thương đã trở thành tiêu chuẩn sau này của Tezuka. Tuy vậy, ông có nhiều trăn trở về tác phẩm này bởi nó bị chỉnh sửa quá nhiều theo yêu cầu của bên xuất bản, đôi chỗ còn không tham khảo ý kiến của ông. Chính vì thế mà ông không thực sự cảm nhận được đây là tác phẩm “của mình” nên đã không cho phép tái bản tác phẩm này.
Bước vào con đường họa sĩ chuyên nghiệp
Thành công vang dội liên tiếp
Sau thành công của “Tân đảo giấu vàng”, Tezuka tiếp tục hoàn thành công việc học tập ở trường Đại học, vừa kết hợp sáng tác. Là một kẻ đam mê vẽ vời và tham vọng muốn thử sức ở nhiều thể loại khác nhau, lần đầu tiên Tezuka thử nghiệm với thể loại truyện trang cho trẻ em qua tác phẩm “Chúa tể rừng xanh”, ra mắt lần đầu vào năm 1950 và kéo dài tới năm 1954. Đây là tác phẩm quan trọng trong sự nghiệp của Tezuka và cũng đánh dấu sự trưởng thành trong nét vẽ, cách kể chuyện sử dụng đặc tả nhiều giác quan đầy tính điện ảnh của ông, mà cũng bước đầu nhen nhóm lên danh tiếng của ông ở nước ngoài. Câu chuyện xoay quanh hành trình trưởng thành và những chuyến phiêu lưu qua các nẻo rừng xanh của chú sư tử trắng Leo (còn biết đến với tên Kimba) trên con đường trở thành chúa tể của muôn loài.
Sau thành công vang dội của “Chúa tể rừng xanh”, các nhà xuất bản của Tokyo đã cố gắng liên lạc với Osamu Tezuka bằng những hợp đồng sáng tác béo bở và thế là ông bắt đầu đi lại từ Tokyo tới Osaka liên tục trong một khoảng thời gian để sáng tác series dài tập đầu tiên xuất bản tại thủ đô Nhật Bản mang tên “Đội trưởng Atom”. Cái tên “atom” (nguyên tử) được sử dụng như một chiêu gây sốt cho các bạn đọc ở Nhật bởi lẽ người dân luôn quan tâm tới bom nguyên tử và những khả năng của nó. Không may “Đội trưởng Atom” không được đón nhận nồng nhiệt như dự kiến, nhưng nhân vật nhỏ tuổi Astro Bay lại đặc biệt gây được thiện cảm với bạn đọc. Chính vì vậy, nhà xuất bản yêu cầu ông thay vì để nhân vật chính là người thật, thì hãy để tên truyện và nhân vật chính là Astro Bay. Thông qua các tác phẩm này, Tezuka mong rằng trẻ em đọc được nó có thể làm quen được những vấn đề mang tính thời sự như sự phân biệt giai cấp, vấn đề môi trường, dự báo về một kỷ nguyên công nghệ đầy biến động và thách thức qua những nét vẽ dễ thương, với cốt truyện dễ đọc. Theo đó, khởi điểm từ một series dự kiến kết thúc sau 1 năm, Astro Bay đã làm mưa làm gió ngành xuất bản ở Nhật vào thời điểm đó với thời gian kéo dài kỷ lục là 16 năm có lẻ (từ năm 1952-1968). Đi cùng với tác phẩm là vô số những đồ chơi, vật phẩm ăn theo được bày bán, đặc biệt là bản chuyển thể phim hoạt hình còn được Mỹ mua lại và phát sóng.
Ra mắt xưởng phim hoạt hình cùng những thành công tiếp theo
Nhận thức được bản thân đang có những bước tiến không ngừng và rất có thể là tiên phong của nền công nghiệp hoạt hình của Nhật Bản, ông Tezuka đã dùng vốn liếng sau vài năm vẽ truyện của mình mở ra studio hoạt hình mang tên Mushi Productions. Sau khi gác lại ngành Y với luận án tốt nghiệp và có một gia đình nhỏ, ông liền chuyên tâm vào sản xuất phim hoạt hình. Những năm đầu tiên phim ra mắt chỉ là hoạt hình đen trắng, thiết bị và tiền lương do một tay ông chi trả hết. Tuy nhiên, xưởng Mushi vẫn hoàn thành tiến độ và cho ra mắt “Astro Boy” bản hoạt hình đen trắng cho các đài truyền hình, thu lại kết quả đáng nể với hơn 40% dân số theo dõi. Nhờ xuất phẩm này mà ông được đài NBC của Mỹ chú ý và ký được hợp đồng phát hành bên nước ngoài, đồng thời được gặp thần tượng lâu năm của mình - không ai khác chính là Walt Disney.
Sau hơn 3 năm phát triển Astro Boy, ông Tezuka đã được đài NBC tài trợ để sản xuất “Chúa tể rừng xanh” phiên bản có màu, xuất bản phẩm hoạt hình đầu tiên có màu ở Nhật đã ra đời như thế. Ngoài những dự án lớn, ông vẫn chuyên tâm thực hiện những phim ngắn nghệ thuật mang tính thử nghiệm, đồng thời cũng nhận thức rõ xu hướng manga mới. Từ những năm 1968, nền công nghiệp manga đã chứng kiến sự trỗi dậy của dòng truyện tranh cho tuổi trưởng thành, soán ngôi các sản phẩm cho thiếu niên. Nắm bắt được xu hướng, Tezuka đã ra mắt “Nuốt chửng Trái đất” (1968) và phim hoạt hình chiếu rạp “Nghìn lẻ một đêm” (1969). Sau sự kiện này, ông không còn là CEO của Mushi Productions mà tách riêng ra thành lập Tezuka Productions, ra mắt một vài tác phẩm có màu sắc khá u tối nhưng không còn nhiều tiếng tăm như trước. Từ đây, thời kỳ “đen tối” của Tezuka bắt đầu.
Thời kỳ “đen tối” và vực dậy huy hoàng của Osamu Tezuka
Sự rời đi của Tezuka khỏi Mushi Productions đã đánh dấu sự xuống dốc trong vấn đề sáng tạo của ông. Nó tệ đến nỗi, các tòa soạn đã yêu cầu cho ông 5 tháng vẽ tác phẩm “cuối” trước khi nói lời tạm biệt với công chúng. Tuy nhiên, ông đã không bỏ cuộc mà có ý định quay về gốc rễ của mình - ngành Y khoa để viết nên truyện “Bác sĩ Quái dị” (Black Jack). Tác phẩm từ những mẩu truyện ngắn xuất bản trong 5 tháng theo dự định , nay đã trở thành siêu phẩm kéo dài 10 năm và là tác phẩm ăn khách nhất trong sự nghiệp của Tezuka, đưa ông lên một tầm cao mới.
Thời kỳ đen tối nhất lại trở thành thời kỳ mà ông làm việc cực kỳ hăng hái, liên tục thay đổi phong cách từ liêu trai kinh dị của Black Jack hay “Cậu bé Ba Mắt” đến những tác phẩm cổ tích như “Pinocchio”, “Bambi” hay cú hit chuyển thể “Tây Du ký”. Đặc biệt, ông có khả năng tiếp tục series “Phượng hoàng” - tác phẩm mà ông cho là “tác phẩm của cả đời ông”.
Những chương cuối cùng của cuộc đời Osamu Tezuka
Tuy tuổi cao sức yếu nhưng Tezuka chưa bao giờ mất đi niềm đam mê với sáng tác và làm hoạt hình. Sự nghiệp hoạt hình của ông lên đến một tầm cao mới, khi ra mắt loạt tác phẩm lẻ và những tác phẩm nghệ thuật thử nghiệm, đạt được nhiều giải thưởng quốc tế.
Đây có thể nói là giai đoạn đầy bi thương của cuộc đời Tezuka. Bố mẹ ông lần lượt qua đời do tuổi cao sức yếu, còn ông phải nhập viện liên tục do sỏi thận. Nhưng những tháng nhập viện của ông lại truyền cảm hứng mới, ông liên tục đi du lịch, giảng dạy và cho ra mắt các tác phẩm mới. Đến những năm tháng cuối đời, ông nằm trên giường bệnh nhưng vẫn cùng trợ lý cố gắng hoàn thành những dự án dang dở. Ngày 9/2/1989, Osuma Tezuka đã từ trần do ung thư dạ dày với lời trăn trối ám ảnh: “Tôi xin mọi người… Hãy cho tôi được làm việc…”.
Tổng kết
Nếu là một độc giả ưa thích truyện tranh và đặc biệt là những tác phẩm như " Bác sĩ qoái dị - Black Jack" hay " Bambi" thì hy vọng bài viết trên đây sẽ cung cấp nhiều thông tin có ích cho bạn. Tìm hiểu thêm nhiều những tác giả khác và những kiến thức bổ ích khác với Meeyland.com bạn nhé!