Những tiêu chuẩn về bê tông bọt bạn nên biết
BÀI LIÊN QUAN
Bê tông dẻo là gì? Những tính năng vượt trội của bê tông dẻoBê tông là gì? Đặc điểm và các loại bê tông phổ biến trên thị trường10+ cách chống thấm trần nhà bê tông hiệu quả 100%1. Giới thiệu về bê tông bọt
Bê tông bọt là một trong những dạng bê tông nhẹ với cấu trúc lỗ rỗng bên trong thể tích. Bê tông bọt được chế tạo bằng phương pháp tạo khí hoặc tạo bọt.
2. Tiêu chuẩn áp dụng đối với bê tông bọt
Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn quy định về yêu cầu kỹ thuật đối với sản phẩm bê tông bọt và sản phẩm bê tông khí khi đóng rắn trong điều kiện không chưng áp, ở dạng khối hoặc dạng tấm nhỏ không có thanh cốt gia cường, được sử dụng để xây tường, vách ngăn trong công trình xây dựng.
Thuật ngữ và định nghĩa
Tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ, định nghĩa sau:
- Bê tông nhẹ (Lightweight concrete): Bê tông có khối lượng thể tích khô nhỏ hơn 1800kg/m3, bao gồm bê tông cốt liệu nhẹ, các loại bê tông tổ ong như bê tông bọt, bê tông khí không chưng áp, bê tông khí chưng áp (AAC).
- Bê tông bọt (Foam concrete): Bê tông nhẹ, có cấu trúc rỗng được hình thành từ một số lượng lớn các lỗ rỗng nhân tạo, phân bố một cách đồng đều trong khối sản phẩm, được hình thành bằng phương pháp tạo bọt.
- Bê tông khí (Aerated concrete): Bê tông nhẹ, có cấu trúc rỗng được hình thành từ một số lượng lớn các lỗ rỗng nhân tạo, phân bố một cách đồng đều trong khối sản phẩm, được hình thành bằng phương pháp tạo khí.
- Bê tông bọt và bê tông khí không chưng áp: Bê tông bọt và bê tông khí đóng rắn trong điều kiện không chưng áp, được chế tạo từ hệ xi măng póoc lăng, nước, chất tạo bọt hoặc tạo khí, có hoặc không có cốt liệu mịn, phụ gia khoáng hoạt tính và phụ gia hoá học.
- Chất tạo bọt (foaming agent): các hoạt tính bề mặt tương thích với hệ xi măng, có khả năng tạo ra các bọt, ổn định dưới tác động của lực phân tán bằng khí nén (hoặc khuấy trộn mạnh).
- Chất tạo khí (aerated agent): Chất có tác dụng sinh khí tạo các lỗ rỗng và làm trương nở hỗn hợp bê tông.
- Sản phẩm bê tông bọt và bê tông khí không chưng áp: Sản phẩm dạng khối hoặc dạng tấm nhỏ dùng để xây tường, vách ngăn trong công trình xây dựng, được chế tạo từ bê tông bọt hoặc bê tông khí không chưng áp.
- Sản phẩm bê tông bọt và bê tông khí không chưng áp dạng khối: Sản phẩm bê tông bọt và bê tông khí không chưng áp dạng khối, với tiết diện ngang chủ yếu là hình chữ nhật có chiều rộng nhỏ hơn chiều dài không đáng kể
3. Phân loại
Theo phương pháp sản xuất, sản phẩm bê tông bọt, khí không chưng áp được phân thành: sản phẩm bê tông bọt và sản phẩm bê tông khí không chưng áp.
Theo cường độ nén, sản phẩm bê tông bọt, khí không chưng áp được phân thành các cấp cường độ nén sau: B1,0; B1,5; B2,5; B3,5; B5,0; B7,5; B10,0; B12,5.
Theo khối lượng thể tích, sản phẩm bê tông bọt, khí không chưng áp được phân thành các nhóm sau: D500, D600; D700; D900; D1000; D1200.
4. Ghi nhãn, bảo quản và vận chuyển
Trên hai mặt đối xứng của palet sản phẩm bê tông bọt và bê tông khí không chưng áp được dán hoặc ghi bằng mực khó phai các thông tin về sản phẩm, trong đó ghi rõ:
- Tên viết tắt và địa chỉ cơ sở sản xuất;
- Ký hiệu quy ước;
- Tháng năm sản xuất, xuất xưởng;
- Cấp cường độ chịu nén;
- Nhóm khối lượng thể tích khô;
- Tính năng khác của sản phẩm (theo yêu cầu)
- Viện dẫn tiêu chuẩn này.
5. Bảo quản và vận chuyển
Sản phẩm bê tông bọt và bê tông khí không chưng áp được xếp trên các palet và được thắt chặt bằng dây nhựa PVC hoặc vật liệu thích hợp khác. Các palet sản phẩm bê tông bọt và bê tông khí không chưng áp được bảo quản theo từng chủng loại, tại nơi có mái che, đảm bảo khô ráo, không tiếp xúc với môi trường ẩm ướt và các tác động gây sứt mẻ hoặc ảnh hưởng đến chất lượng.
Sản phẩm bê tông bọt và bê tông khí không chưng áp được vận chuyển bằng các phương tiện thích hợp, đảm bảo không bị ướt và các tác động gây sứt mẻ hoặc ảnh hưởng đến chất lượng.
Tiêu chuẩn TCVN 9029:2017 do Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam biên soạn, Bộ Xây Dựng đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.