Những kỹ năng mềm cơ bản nhất mà sinh viên buộc phải có
BÀI LIÊN QUAN
Kỹ năng mềm có gì khác biệt so với kỹ năng cứng?Những kỹ năng mềm giúp môi giới bất động sản chốt sale dễ dàng3 bước đệm quan trọng của nghề môi giới bất động sảnKỹ năng mềm hay kỹ năng cứng sẽ phù hợp cho sinh viên?
Kỹ năng là khả năng con người thực hiện một công việc trong hoàn cảnh với điều kiện nhất định nhằm đạt được một hoặc nhiều mục tiêu cụ thể. Kỹ năng nói chung là tập hợp ba nhóm: Kỹ năng sống, kỹ năng mềm và kỹ năng nghề nghiệp. Mỗi công việc khác nhau sẽ yêu cầu mỗi kỹ năng khác nhau, tuy nhiên bất kỳ ai cũng nên rèn luyện song song cả kỹ năng mềm và kỹ năng cứng.
Kỹ năng mềm (soft skills) nằm trong cảm xúc con người. Thuật ngữ này nói về các kỹ năng quan trọng mà con người phải có trong cuộc sống. Các kỹ năng mềm thường không được dạy bài bản trên trường, lớp. Không có quy chuẩn nào để xác định nó mà chủ yếu phụ thuộc vào sự nhận định của mỗi người. Tuy nhiên, kỹ năng mềm sẽ quyết định con người và thể hiện tính cách của bạn. Đây cũng chính là thước đo hiệu quả và đưa bạn đến sự thành công.
Kỹ năng cứng (hard skills) - nằm trong trí tuệ logic, là khả năng học vấn, chuyên môn của mỗi người. Kỹ năng cứng sẽ bao gồm các kiến thức đã được học trên trường, cơ sở đào tạo,... Nhiều người vẫn đang phân vân không biết nên tập trung học kỹ năng mềm hay kỹ năng cứng để có thể nhanh chóng thành công trong công việc. Tuy nhiên, dù kiến thức của bạn có rộng đến đâu cũng chỉ là một phần nhỏ trong đại dương kiến thức của xã hội và bạn phải nỗ lực mỗi ngày thì mới nhận lại kết quả mong muốn.
Thực tế là, kỹ năng cứng sẽ tạo ra tiền đề còn kỹ năng mềm tạo nên sự phát triển. Theo một khảo sát, những người thành đạt đều công nhận rằng, những kiến thức chuyên môn chỉ chiếm 25% sự thành công, 75% còn lại nhờ vào những kỹ năng mềm mà họ tích lũy được. Vậy, chìa khóa mở cánh cửa thành công ở đây là bạn phải biết cách kết hợp khéo léo giữa kỹ năng cứng và kỹ năng mềm. Đối với sinh viên, trước tiên hãy xác định rõ công việc mình mong muốn và có khả năng làm sau khi ra trường. Tiếp đó, phân tích công việc đó cần những kỹ năng cứng nào và có thể ứng dụng những kỹ năng mềm nào.
Ví như, ở vị trí nhân viên phòng Kinh doanh yêu cầu các kỹ năng cứng như giao tiếp, lắng nghe, thuyết phục khách hàng,... bởi đây chính là chuyên môn nghề nghiệp. Tuy nhiên, với vị trí Lập trình viên máy tính thì giao tiếp, thuyết phục, lắng nghe,... lại là những kỹ năng mềm. Như vậy, việc xác định rõ đâu là "cứng", đâu là "mềm" trong công việc rất quan trọng. Cùng với đó, bạn cũng phải chỉ ra được điểm mạnh - yếu, những điểm thiếu hụt của bản thân để trau dồi thêm kỹ năng cho phù hợp.
Sẽ có những bạn sinh viên khá năng động đã chủ động tìm tòi thêm cơ hội để học tập và trau dồi nhuần nhuyễn kỹ năng mềm cho mình. Tuy nhiên, đa phần sinh viên chưa biết hoặc chưa nắm rõ về tầm quan trọng của kỹ năng mềm trong cuộc sống hàng ngày. Nhiều bạn chỉ nghĩ phải cố gắng học các kiến thức chuyên môn cho thật giỏi là có được một công việc mơ ước sau này. Tất nhiên, đây là quan điểm không sai nhưng chưa đủ.
Đối với một công việc bất kỳ đều yêu cầu người thực hiện nó phải nắm vững chuyên môn và có sự thích ứng. Có thể mới đầu bạn làm được việc nhưng chưa chắc sau đó bạn thích ứng được với môi trường của công việc đó. Bạn sở hữu một bảng thành tích đáng ngưỡng mộ nhưng lại không có sự tương tác, ăn nói lưu loát khiến nhà tuyển dụng không hài lòng. Khi đó bạn đã thiếu một yếu tố rất quan trọng đó là kỹ năng mềm. Một bạn sinh viên không quá giỏi nhưng lại luôn năng động, tự tin, có thể xử lý tình huống trong nhiều trường hợp để có thể đạt kết quả tốt nhất, đó là người có kỹ năng mềm.
Việc học kỹ năng mềm không phải ngày một ngày hai, cũng không có bằng khen hay giấy chứng nhận để đánh dấu bạn đã hết khóa học. Bởi, kỹ năng mềm cần được tích lũy, rèn luyện cả đời. Các tân sinh viên cần nghiêm túc phân tích khả năng của bản thân để đặt ra mục tiêu và lộ trình rèn luyện các kỹ năng qua từng năm học. Từ đó, bạn có thể tự tin khi ra trường sẽ sở hữu một kho kỹ năng mềm để chuẩn bị cho những bước tiến mới của cuộc đời.
Các Kỹ năng mềm cần thiết cho sinh viên
Dưới đây là Top 5 các kỹ năng mềm cần thiết cho sinh viên, cùng tham khảo và luyện các kỹ năng này nhé:
1. Kỹ năng giao tiếp
Đây có lẽ là kỹ năng mà ai cũng phải có, nó đóng vai trò rất quan trọng trong việc gắn kết con người với con người. Tục ngữ có câu “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, bởi lời ăn tiếng nói sẽ phản ánh con người bạn và gây ấn tượng đầu tiên cho lần đầu gặp mặt. Do đó, kỹ năng giao tiếp là một trong những kỹ năng mà con người học đầu tiên, nó đóng góp cho sự phát triển của bản thân từ khi sinh ra đến mãi sau này. Trong xã hội, giao tiếp cũng góp phần tạo dựng nên sự thành công và giúp bạn đạt được kết quả một cách dễ dàng hơn trên bất cứ lĩnh vực nào.
Sinh viên có được kỹ năng giao tiếp tốt sẽ nắm chắc trong tay 80% sự thành công trong học tập hay công việc. Trong cuộc sống hàng ngày, việc giao tiếp là điều diễn ra thường xuyên, với nhiều người, nhiều tầng lớp khác nhau. Vì vậy, các bạn sinh viên cần rèn luyện sự tinh tế và khéo léo trong lời nói và cách ứng xử với mọi người. Thực hiện và rèn luyện mỗi ngày sẽ giúp các bạn đạt đến một trình độ gọi là nghệ thuật giao tiếp.
2. Kỹ năng thuyết trình tự tin và thuyết phục
Đại học sẽ mở ra một môi trường hoàn toàn mới, giúp sinh viên thoải mái, tự do trong việc khẳng định bản thân và đem đến cho các bạn thêm nhiều kiến thức, nhiều kỹ năng mới thú vị. Tại Đại học, sinh viên phải trải qua hàng loạt bài báo cáo, thuyết trình trước đám đông. Trình bày để người khác hiểu và nắm bắt được ý chính là vấn đề quan trọng nhất được đặt ra. Đấy chính là kỹ năng thuyết trình, một kỹ năng rất quan trọng trong quá trình học tập cũng như làm việc sau này.
Vậy, để thuyết trình một cách tự tin, trôi chảy thì làm như thế nào? Đây là câu hỏi mà sinh viên nào cũng muốn có lời giải đáp. Áp lực đứng trước đám đông là một áp lực vô hình đè nặng trên vai sinh viên. Nếu bạn không nắm chắc những nội dung cần nói sẽ khiến bạn mất đi sự tự tin và không thể trình bày một cách thuyết phục. Để làm tốt nhiệm vụ của mình đương nhiên phải trải qua việc học hỏi, rèn luyện mỗi ngày. Hãy đọc thật kỹ và phân tích nội dung trong bài của mình, sau đó ghi nhớ và thực hành thuyết trình trước gương mỗi ngày. Điều này sẽ giúp bạn tăng khả năng ghi nhớ và phản xạ nhanh với những vấn đề có thể xảy ra trong buổi thuyết trình thật.
3. Kỹ năng lắng nghe và học hỏi từ sự phê bình
Bất kỳ ai cũng mong muốn người khác lắng nghe và hiểu những điều mình nói. Vì vậy, không chỉ học cách giao tiếp, cách nói lưu loát mà hãy học cả cách lắng nghe. Bởi, việc lắng nghe có thể giúp các bạn sinh viên tìm đến sự thành công trong tương lai. Giai đoạn sinh viên là quãng thời gian cho các bạn học tập và rèn luyện. Hãy dành thời gian để lắng nghe những ý kiến của người khác, dù là khen hay chê cũng sẽ mang đến những lợi ích nhất định. Những lời nhận xét đó sẽ giúp sinh viên tự nhìn nhận và đánh giá lại bản thân, rút ra nhiều kinh nghiệm để có hành trang bước vào cuộc sống mới sau này.
Việc lắng nghe cũng là một phương thức kiểm soát bản thân. Giúp bạn biết được những điểm điểm tốt để phát huy và những hạn chế cần sửa đổi. Theo nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, một người bình thường sẽ chỉ nhớ khoảng 25 - 50% những gì họ nghe được. Vì vậy, hãy cố gắng lắng nghe và học hỏi từ những lời nói của người khác dành cho bạn.
4. Kỹ năng kiểm soát cảm xúc và hành vi
Cảm xúc sẽ bộc lộ linh hồn của mỗi người, cũng quyết định cho thái độ, lời nói và hành vi của họ. Chính vì vậy, các bạn học sinh cần rèn luyện kỹ năng kiểm soát cảm xúc và hành vi. Không phải việc loại bỏ đi cảm xúc, mà phải học cách kiểm soát chúng trong mọi tình huống dù là tiêu cực nhất. Có thể hiểu, kiểm soát cảm xúc là đưa cảm xúc của mình về trạng thái cân bằng thông qua các biểu hiện của hình thể, lời nói,... Nếu không kiểm soát tốt cảm xúc trong những cuộc giao tiếp, bạn rất dễ gây ra thất bại, khiến mối quan hệ bị hủy hoại. Ngược lại, khi bạn kiểm soát tốt cảm xúc thì chính bạn sẽ có được những lời nói hay, hành động khéo léo và cơ hội đạt kết quả như mong đợi sẽ cao hơn.
Một người thành công sẽ không để cảm xúc của mình xen lẫn vào công việc hay điều khiển hành vi của họ. Chính vì vậy, các bạn sinh viên hãy cố gắng học cách kiềm chế bản thân, điều khiển cảm xúc của mình. Việc này sẽ giúp các bạn có cái nhìn thấu đáo hơn trong mọi việc và đưa ra những quyết định và hành động đúng đắn nhất. Đây cũng chính là phương thức giúp duy trì những mối quan hệ tốt đẹp.
5. Kỹ năng tư duy sáng tạo
Tư duy sáng tạo được coi là cốt lõi cho sự phát triển của xã hội ngày nay. Bởi, chính sự sáng tạo của con người đã giúp họ phát minh ra hàng loạt các thiết bị thông minh, tiên tiến trong mọi lĩnh vực. Tương tự như sự tự tin, khi sáng tạo cũng cần một quá trình dài học hỏi và rèn luyện. Khi đạt được trình độ tự mình sáng tạo, các bạn sinh viên có thể bẻ gãy tư duy đóng khung và luôn có động lực để tìm tòi, tiếp thu nhiều khía cạnh mới.
Từ đó, có thể chủ động đưa ra những phương án giải quyết các vấn đề một cách hợp lý. Trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, đòi hỏi các sinh viên phải biết cách tư duy sáng tạo trước khi bước ra xã hội. Việc này nhằm giúp các bạn trở nên hoàn thiện hơn, tự tin hơn trước một cuộc sống mới sắp tới.
Những kỹ năng tại bài viết này chính là các kỹ năng mềm cần thiết cho sinh viên và rất quan trọng trong quá trình học tập và làm việc. Chính vì vậy, hãy nỗ lực và tích cực trong việc học hỏi và rèn luyện các kỹ năng mỗi ngày và cố gắng tích lũy cho mình thêm nhiều kỹ năng mới. Đây chính là hành trang giúp các bạn vững tin bước ra xã hội và đi tới thành công trong tương lai.