Những điều chưa biết về huấn luyện viên kiêm doanh nhân Sir Alex Ferguson
BÀI LIÊN QUAN
Huyền thoại bóng đá Mỹ tán gia bại sản vì "đốt" hơn nửa tỷ USD vào...tiền ảoNgôi sao bóng đá Sadio Mane sẵn sàng sống tằn tiện để...cho đi yêu thươngRobbie Fowler và hành trình từ ngôi sao bóng đá trở thành đại gia bất động sảnNếu bạn không tin, hãy nhìn vào phi vụ lớn nhất đời Sir Alex, chính là MU. Khi ông tiếp quản "nửa đỏ" thành Manchester, đội bóng chỉ có giá 10 triệu bảng. Lúc ông rời đi, đó là một CLB được định giá hơn 2 tỷ bảng (theo Forbes là 3,5 tỷ USD), một thương hiệu thể thao có ảnh hưởng và sức hấp dẫn hàng đầu thế giới.
Tất nhiên đó không phải công sức của một mình Sir Alex. Như chính ông nói, rất nhiều người đóng góp vào sự phát triển của MU, từ các lãnh đạo, nhân viên đến cầu thủ, và ông chỉ tham gia một phần. Nhưng nếu phải đưa ra một con số, Forbes tính toán rằng Sir Alex tạo nên 11%, khoảng 385 triệu đô, trong tổng giá trị của MU.
Thế nên mới có chuyện ĐH Havard, nơi đào tạo nên những tỷ phú trong suốt một thế kỷ qua, đã phải mời Sir Alex tới nói chuyện trong một khóa học 6 tuần với học phí lên đến 60.000 bảng. Khá hài hước khi thời trẻ Alex Ferguson từng trải qua nỗi xấu hổ vì thi trượt kỳ thi lên trung học dành cho những đứa trẻ trên 11 tuổi, và năm 16 tuổi được hiệu trưởng khuyên từ bỏ bút sách để chuyển sang học nghề.
Ferguson bỏ học thật và trở thành thợ chế tạo công cụ trong chi nhánh công đoàn địa phương. Rồi ông phát triển tài năng bóng đá, biến mình thành chân sút cừ khôi, khoác áo Rangers, được gọi vào ĐT Scotland. Sau đó, đóng vai trò cầu thủ kiêm huấn luyện viên tại Falkirk trước khi đi vào lịch sử bóng đá Scotland với tư cách huấn luyện viên trẻ nhất tại East Stirlingshire. Kế đến, tạo nên kỳ tích ở St Mirren khi đưa đội này từ hạng ba lên hạng nhất, bị sa thải, mua một quán rượu, dẫn dắt Aberdeen, đánh bại Real và đoạt Cúp C2 và thành lập công ty gia đình ACF.
Hiện ba con trai của Sir Alex nắm quyền điều hành ACF và các công ty con, bao gồm 3 quỹ đầu tư, 2 công ty sản xuất, 1 doanh nghiệp xuất bản. Điều đáng nói là kể từ khi ông nghỉ hưu, ACF càng làm ăn phát đạt. Vào năm 1985, ACF trị giá 2.850 bảng. Một năm sau nó tăng lên 5.426 bảng và 1,6 triệu bảng vào năm 2013, thời điểm ông chia tay MU. Bây giờ, tức qua 9 năm, tài sản ròng của ACF rơi vào khoảng 17,5 triệu bảng.
Sir Alex rất biết cách tận dụng giá trị của mình. Ví dụ, cuối năm 2013 ông xuất bản cuốn tự truyện thứ hai của mình. Chỉ trong 3 tháng đầu phát hành nó bán được 800.000 bản, giúp ông kiếm thêm 1 triệu bảng sau khi đã nhận 2 triệu từ thỏa thuận trước đó.
MU cũng muốn tận dụng ảnh hưởng của HLV huyền thoại từng đưa họ tới đỉnh cao. Trong vai trò đại sứ toàn cầu và Giám đốc CLB, ông được trả 2 triệu bảng cho 20 lần xuất hiện mỗi năm. Ngoài ra, ông còn kiếm được 3 triệu bảng từ cuộc đấu giá bộ sưu tập rượu vang của mình. Dĩ nhiên ai cũng muốn sở hữu một chai từng qua tay Sir Alex, chưa kể một số chai còn đi kèm áo đấu hoặc hình ảnh có chữ ký tươi.
Ngoài ra, Sir Alex còn cho thấy sự nhạy bén và thức thời. Năm 2003 ông trở thành một phần của công ty Quản lý hoạt động đầu tư Tài sản, giúp tạo ra các tổ hợp hiệu quả về thuế cho những cá nhân muốn đầu tư vào bất động sản. Công ty này làm ăn rất phát đạt và Sir Alex không ngại chia sẻ bí quyết thành công cho các nhà đầu tư hoặc những dự án khởi nghiệp. Nó bao gồm “tham vọng, khả năng đưa ra quyết định lớn, kỷ luật và tầm nhìn xa”.
Một thú vui ngoài bóng đá của Sir Alex là đua ngựa. Và không chỉ xem cho vui, ông còn kiếm tiền từ nó. Từ hồi còn dẫn dắt MU, Sir Alex đã sở hữu rất nhiều ngựa đua. Một trong những con giỏi nhất của ông là Rock of Gibraltar, từng chiến thắng 10/12 cuộc đua và tích lũy hơn 1 triệu tiền thưởng sau 2 mùa giải. Ông còn thu về 2,5 triệu bảng sau tranh cãi về quyền sở hữu con ngựa ngôi sao này.
Clan Des Obeaux cũng là con ngựa cừ khi kiếm về 800.000 bảng sau các chiến thắng vang dội. Nó là một minh chứng cho mắt nhìn ngựa của Sir Alex. Hồi năm ngoái nó thắng 3/5 cuộc đua. Và trong một cuộc diễn ra hồi tháng 4, Clan Des Obeaux cùng 2 con ngựa khác mà Sir Alex là đồng sở hữu đã thắng cả 3 cuộc đua, lập hat-trick trên trường đua cho cựu HLV MU.
Với rất nhiều nguồn thu phong phú, tổng giá trị tài sản của Sir Alex tăng từ 27 lên 39,2 triệu bảng theo số liệu mới nhất. Theo tờ The Sun, tính bình quân mỗi tuần ông kiếm được 235.000 bảng, mức thu nhập ăn đứt nhiều ngôi sao bóng đá đương đại.
Trước kia khi còn đứng trên đường pitch, Sir Alex từng thiết lập quy tắc bất thành văn, rằng lương của ông luôn cao hơn lương cầu thủ. Thứ nhất, ông xứng đáng với điều đó. Thứ hai, nó giúp ông củng cố quyền lực tối thượng, qua đó có thể tống cổ bất cứ ngôi sao nào bất tuân mệnh lệnh.
Giờ thì không có một HLV nào nhiều quyền lực như Sir Alex. Việc các siêu sao được trả lương vượt trần, thậm chí không tưởng khiến đội bóng trở thành con tin của họ. Ví dụ, Barca đã rơi vào cảnh phá sản kỹ thuật bởi gồng gánh khoản lương siêu thực của Lionel Messi và nhiều cầu thủ khác.
Hoặc mới đây, tờ Le Parisiens tiết lộ Kylian Mbappe kiếm được 72 triệu euro mỗi năm, chiếm 1/4 ngân sách của PSG. Và anh ta đặt CLB vào thế khó khi đòi ra đi ngay trong tháng 1 tới. Chính MU cũng lao đao trong thời hậu Sir Alex vì sự nuông chiều cầu thủ, sẵn sàng bỏ ra khoản tiền chuyển nhượng cùng mức lương trên trời để thu hút tài năng, song chỉ đổi lấy nỗi thất vọng. Không còn Sir Alex, họ cũng trở nên ngờ nghệch và đầu tư thiếu khôn ngoan.
Có lẽ không bao giờ MU có lại một chiến lược gia có tầm như Sir Alex. Cũng phải thôi, bởi ông quá đặc biệt. Michael Crick, tác giả cuốn tiểu sử xuất bản năm 2002 của Sir Alex từng nói, ông thành công ở bất cứ lĩnh vực nào tham gia, từ thể thao, chính trị đến kinh doanh. Ông không chỉ là một HLV xuất sắc, mà còn là một doanh nhân hàng đầu.