Robbie Fowler và hành trình từ ngôi sao bóng đá trở thành đại gia bất động sản
BÀI LIÊN QUAN
Roger Federer giải nghệ sau khi tích lũy hơn 1 tỷ đô từ quần vợtVì sao Son Heung-min được coi là bảo vật quốc gia của Hàn Quốc?Icardi và Nara, cặp đôi bị ghét nhất Argentina nhưng vẫn kiếm tiền như nướcCách đây ít lâu, Robbie Fowler đã tự ứng cử vào chiếc ghế HLV của Sunderland. Tuy nhiên, đội bóng đang ngụp lặn ở Championship nhất quyết khước từ. Mặc dù cựu tiền đạo 47 tuổi sở hữu danh tiếng lẫy lừng với 261 bàn trong sự nghiệp, bao gồm 183 bàn cho Liverpool và 7 bàn cho ĐT Anh, nhưng anh lại là một HLV tồi.
Năm 2011, Fowler từng đảm nhiệm vị trí HLV của Muangthong của Thái Lan thay Henrique Calisto, HLV từng giúp Việt Nam lần đầu vô địch AFF Cup 2008. Thế nhưng anh sớm rời đi sau 4 tháng và chỉ thắng 4/13 trận. Tiếp theo, huyền thoại của Liverpool tới Australia để dẫn dắt Brisbane Roar. Lần này anh gắn bó lâu hơn, tới 14 tháng (từ tháng 4/2019 đến tháng 6/2020), trước khi chia tay vì đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên về phía Brisbane Roar mà nói, sự ra đi của Fowler giống như được giải thoát. Họ chơi rất bết bát khi thắng chưa được nửa số trận dưới thời Fowler (11/24). Sau này CLB East Bengal của Ấn Độ cũng chung cảm giác ấy. Trong nhiệm kỳ 12 tháng, Fowler chỉ mang lại niềm vui chiến thắng 3 lần, trong tổng số 20 trận cầm quân.
Với nhiều người, họ thực sự cảm thấy khó hiểu khi Fowler vẫn tha thiết với nghiệp huấn luyện, thậm chí lang thang khắp thế giới, qua nhiều lục địa để theo đuổi đam mê. Trong khi đó, anh lại quá nhiều tiền.
Từ thời còn chơi bóng Fowler đã là doanh nhân triệu phú khiến giới kinh doanh kính nể, sau đó tích lũy được khối tài sản gần trăm triệu euro. Dĩ nhiên nếu đặt cạnh các siêu sao bóng đá ngày nay như Cristiano Ronaldo hay Lionel Messi, bộ đôi kiếm được cả tỷ euro, tài sản của Fowler quá khiêm tốn. Nhưng nếu đặt trong bối cảnh đầu những năm 2000, khi mức lương bình quân của các cầu thủ chưa đến chục ngàn euro mỗi tháng, sẽ thấy sự khác biệt. Vào năm 2005 Fowler đã thuộc tốp 1.000 người giàu nhất nước Anh. Và quan trọng, số tiền anh kiếm được không đến từ bóng đá.
Khi còn rất trẻ, Fowler được biết đến là một thần đồng bóng đá. Có khả năng ghi bàn thần sầu, ở mọi góc độ và khoảng cách, anh sớm trở thành ngôi sao của Liverpool cũng như tuyển Anh. Điều này đồng nghĩa với việc các đối tác thương mại bắt đầu tìm đến, đồng thời mức lương ở đội cũng tăng lên chóng mặt.
Để cầu thủ trẻ không bị choáng ngợp và phân tâm, một ngày nọ, HLV Graeme Souness của Liverpool gọi Fowler vào văn phòng, sau đó giới thiệu cho anh một cố vấn tài chính. “Hợp tác với ông ấy là điều sáng suốt nhất tôi từng làm trong đời”, Fowler cho biết, “Trước đây tôi chỉ tập trung vào bóng đá và tránh xa những chuyện ngoài lề. Việc tìm kiếm lời khuyên khi sử dụng tiền bạc là điều không bao giờ tôi nghĩ tới. Nhưng làm quen với vị cố vấn tài chính này, tôi như được khai sáng và biết cách kiếm tiền thông minh”.
Với hầu hết các cầu thủ trẻ, khi nhận được khoản tiền lớn đầu tiên từ bóng đá, trước tiên nghĩ đến chiếc xe mới, những phụ kiện sang chảnh. Fowler cũng không khác. Song vị cố vấn kia khiến anh dằn sự háo hức lại và suy nghĩ về cuộc sống hậu bóng đá, tức sau khi giải nghệ. Anh phải làm tiền sinh ra tiền, thay vì tiêu tốn vào những thú vui vật chất.
Ban đầu Fowler đầu tư vào ngựa đua. Có thời điểm anh sở hữu cùng lúc 10 con ngựa đua. Tới một lúc anh nhận thấy bất động sản mới là lĩnh vực kiếm lời tốt nhất. Ban đầu Fowler mua một số bất động sản giá rẻ ở Oldham, rồi tiến tới mua cả dãy và cho thuê. Khi có nhiều tiền hơn, anh dần chuyển hướng tới các căn hộ hạng sang nhằm hướng đến đối tượng khách hàng giàu có.
Vào năm 2003, thời điểm Fowler 28 tuổi và chuyển tới khoác áo Man City, anh đã sở hữu 9 ngôi nhà trên phố Oldham và 6 ngôi nhà khác ở đường Limeside gần đó. Nhưng không chỉ giới hạn ở thành phố Liverpool, Fowler còn là chủ sở hữu của 84 bất động sản khác trên toàn nước Anh và Scotland, bao gồm 1 khách sạn gần Glasgow được sửa chữa thành chung cư cho thuê.
Thời gian ấy, mỗi lần Fowler ra sân, người hâm mộ lại hát trên các khán đài: “Tất cả chúng ta đều sống trong ngôi nhà của Robbie Fowler” theo giai điệu của bài Yellow Submarine. Họ không hề nói quá. Tuy nhiên có một thực tế là những người thuê nhà không bao giờ gặp Fowler. Thu tiền và điều hành công việc kinh doanh chủ yếu là vợ anh, Kerrie. “Vợ tôi mới thực sự là sếp”, Fowler nói.
Công việc của Fowler không phải lúc này cũng suôn sẻ. Như có thời kỳ chính phủ Anh ban hành nhiều loại thuế mới khiến bất động sản mất giá. “Tôi từng mua một khu đất ở Celtic với mức giá rất ổn, nhưng khi bán đi, tôi nhận lại ít hơn nhiều số tiền đã bỏ ra”, anh nói.
Mặc dù vậy, về tổng thể, Fowler vẫn kiếm được rất nhiều từ kinh doanh bất động sản. Đó là lý do năm 2015, ông quyết định chia sẻ kinh nghiệm thông qua các khóa học kinh doanh. Ví dụ Fowler nhận giá bất động sản có dấu hiệu tăng sau giai đoạn suy thoái, vì vậy nói rằng “đó là thời điểm tuyệt vời để mua”. Quả thực lúc ấy, giá bất động sản tăng 2,7% sau một tháng, trước khi lên 9% vào tháng kế tiếp. Để tham gia những khóa học kiểu này, học viên phải trả 1.500 euro và được miễn phí buổi đầu.
Chưa dừng lại ở đó, 2 năm sau, Fowler mở hẳn Học viện bất động sản Robbie Foewler, hứa với các nhà đầu tư theo học rằng “sẽ biết cách xây dựng danh mục đầu tư bất động sản thông minh mà không cần sử dụng thu nhập chính, sau đó thiết lập cuộc sống giàu có”.
Nếu cần một tấm gương, không ai khác chính là Fowler, người từ một cầu thủ bóng đá trở thành ông trùm bất động sản. Cách đây 2 năm, Fowler đấu thầu được một khu đất ở Liverpool, nơi chỉ cách sân vận động Anfield 30 phút đi bộ. Một dự án hiện được triển khai ở đây, để trong tương lai sẽ là khu đô thị mới với hàng trăm căn hộ cho thuê. Chỉ trong thời gian ngắn mở bán, 50 căn đã được bán.
Điều ngạc nhiên là Fowler không bao giờ phô trương sự giàu có. Anh không sở hữu trong dinh thự xa hoa, bộ sưu tập xe đắt giá hoặc khoác lên mình những bộ đồ hàng hiệu. “Về phần tôi, tiền bạc không có nhiều ý nghĩa”, anh nói, “Những gì tôi kiếm được không dành cho tôi, mà để cho gia đình, vợ và 4 đứa con”.
Tất nhiên, còn cho công việc từ thiện. Fowler đã đóng góp rất nhiều cho các quỹ từ thiện khác nhau. Không chỉ tiền bạc, anh còn sẵn lòng đóng góp ở thời gian, tham gia mọi sự kiện nếu nó giúp thu hút các nhà hảo tâm khác.
Thế nên Fowler mới đi khắp thế giới. Và không gì tuyệt vời hơn nếu nó tích hợp cả bóng đá. Anh thực sự muốn theo đuổi dài hạn công việc HLV. Đó là đam mê không thể dứt ra, giống như niềm vui khi thực hiện các phi vụ mua bán bất động sản.