Nhiều người môi giới bất động sản muốn chuyển nghề vì thị trường lao dốc
Theo VnEconomy, thị trường bất động sản hiện đang ảm đạm và trầm lắng, điều này trái ngược hoàn toàn với diễn biến cuối năm ngoái. Hơn nữa, có một số khu vực còn chứng kiến “thị trường ngủ đông”. Kết quả là thu nhập của những người trong nghề này bị ảnh hưởng và những người môi giới không phải ngoại lệ.
Thu nhập giảm một nửa
Theo chia sẻ của anh Thành Công, chuyên môi giới nhà đất khu vực Đông Anh, Sóc Sơn, Hòa Lạc, một văn phòng bất động sản có thể có tới 25 giao dịch thành công trong 1 tháng vào năm ngoái. Tuy nhiên, hiện nay thì con số chỉ 10-12 giao dịch. Đáng chú ý, tỷ lệ giao dịch đối với đất ven đô tầm giá từ 3-10 tỷ đồng/ lô thành công là rất thấp. Trong khi đó, năm 2021 ghi nhận trường hợp người vừa mua chưa ký gửi kịp thì đã có khách sau đặt cọc.
Anh Công chia sẻ: “Tôi đang tạm đóng cửa văn phòng của mình vì chẳng có khách hẹn đi xem đất hay cần tư vấn. Thu nhập tháng 8 năm nay của tôi đã giảm một nửa so với năm ngoái nên tôi định chuyển sang nghề khác”.
Anh Trần Hải làm việc tại Văn phòng Bất động sản Đức Phát, huyện Mê Linh cũng ở cùng hoàn cảnh. Anh nói: “Thị trường bất động sản năm nay so với năm ngoái trầm lắng hơn hẳn. Văn phòng môi giới bất động sản Đức Phát có khoảng 30 giao dịch một tháng vào các tháng giữa năm 2021, tuy nhiên hiện chỉ còn 1-3 giao dịch và thậm chí là không có giao dịch nào vào tháng 7 âm”.
Anh Hải cho hay người bán đất tại quanh khu vực huyện Mê Linh nhiều hơn người mua. Hàng tháng, anh nhận 15-30 trường hợp ký gửi bán đất nhưng hiện chật vật mãi mới bán được vài lô trong khi trước đây chỉ mất 1 tháng là bán hết. Thị trường càng trở nên ảm đạm vì các nhà đầu tư không đẩy được hàng nên không có dòng tiền nhập vào.
Anh Hải nói: “Tôi làm môi giới bất động sản nên chủ yếu sống bằng tiền hoa hồng và lương hỗ trợ của văn phòng chỉ 3 triệu mỗi tháng. Thu nhập sẽ giảm khi không có giao dịch. Thế nhưng, tôi vẫn phải bỏ chi phí để qua lại giữa các lô đất để tiếp tục công việc. Chi phí này còn chưa gồm tiền điện thoại, chi phí chạy quảng cáo ở một số mạng xã hội. Tôi đã nỗ lực quản lý chi tiêu nhưng có lẽ sẽ phải chuyển sang kiếm sống bằng nghề khách nếu thời gian tới thị trường vẫn không có tiến triển”.
Báo cáo của nhiều đơn vị bất động sản cho thấy giao dịch thị trường diễn ra khá chậm trong những tháng trở lại đây. Theo nhận định từ các chuyên gia, giá đất sẽ lắng xuống và rõ ràng thị trường vừa qua cũng hạ nhiệt sau khi giá đất bị đẩy lên cao, vượt qua giá trị đóng góp của nó trong hoạt động sản xuất.
Ngoài ra, nhiều nơi cũng đang thực hiện nhiều biện pháp để quản lý thị trường bất động sản chặt chẽ, hạn chế tình trạng phân lô bán nền, và đầu cơ đất đai. Nhiều nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm không còn khả năng cầm cự, buộc phải rao bán khi ngân hàng siết chặt tín dụng bất động sản.
Ở một mặt khác, những người mua lại có tâm lý thận trọng chờ đợi thị trường diễn biến như thế nào trong thời gian tới. Do đó, thách thức mà thị trường phải đối mặt trong phần còn lại của năm nay vẫn là tình trạng thanh khoản chậm. Bởi vậy, những người môi giới bất động sản càng trở nên bất an hơn.
Ông Lê Đại Việt, thành viên Tổ công tác nghiên cứu thị trường Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết tính thanh khoản giảm sút do động thái tăng cường kiểm soát tín dụng vào thị trường địa ốc trong ngắn hạn. Đa số các nhà đầu tư đang chờ những tín hiệu mới về việc nới lỏng room tín dụng hay chính sách tài khóa.
Bám sát nghề và có chuyên môn mới tiếp tục tồn tại
Theo ông Việt, thị trường bất động sản đang ở giai đoạn sàng lọc nhằm chọn ra những môi giới đi đúng hướng với đủ tiềm lực. Các môi giới cá nhân không có sự chuẩn bị tốt sẽ phải chuyển hướng sang ngành nghề khác bởi việc siết tín dụng chỉ là ngắn hạn trong 1-2 quý.
Ông Tuấn Anh, Trưởng phòng kinh doanh phụ trách mảng bất động sản, Tập đoàn OCD Group cũng có đồng quan điểm. Ông cho rằng bức tranh toàn cảnh của nghề môi giới được thể hiện rõ hơn khi thị trường bất động sản đi xuống. Hiện tại, chỉ có những môi giới chuyên môn, bám sát nghề mới có thể tiếp tục tồn tại, không như năm 2021 - thời điểm mà dù là giáo viên, người bán trà đá hay công nhân đều có thể bán đất và thu về hoa hồng.
Ông Phạm Hùng, Giám đốc khối Công ty bất động sản Phố Xanh Group nhìn nhận rằng môi giới bất động sản thuộc phân khúc nào cũng gặp trở ngại khi thị trường đi xuống. Chỉ những ai yêu nghề và có đủ kỹ năng mới có thể tiếp tục gắn bó. Họ hoàn toàn có thể vượt qua giai đoạn chững lại của thị trường bất động sản.
Ông Phạm Hùng cũng cho biết có 2 trường pháp khác nhau trong môi giới bất động sản. Đó là môi giới lĩnh vực thổ cư và môi giới sản phẩm dự án. Những môi giới sản phẩm sẽ có nhận thức đúng đắn về kinh nghiệm, kỹ năng và thời gian làm nghề vì được đào tạo chuyên nghiệp.
Trong kh môi giới thổ cư có nhiều đối tượng tham gia hơn, do yêu cầu về kỹ năng, kinh nghiệm và quy trình đào tạo thổ cư đơn giản hơn. Bởi vậy, để tồn tại thì phải là người có thu nhập, và xác định lâu dài. Ông Hùng nhận định rằng: “Nhân sự bất động sản đa phần di chuyển từ đơn vị này qua đơn vị khác. Nếu không kiên trì và có năng lực thì rất khó tồn tại, vì thị trường rất dễ biến động”.
Theo đại diện Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, vai trò của người môi giới bất động sản ngày càng được đánh giá cao. Mỗi người phải có kỹ năng hành nghề, kiến thức pháp luật và trách nhiệm xã hội. Hội đã tổ chức nhiều khóa học thi sát hạch, đào tạo và cấp chứng chỉ nghề môi giới bất động sản cho 8.000 người trong những năm qua. Mới đây, ngày 11/9, VARS đã tổ chức kỳ thi sát hạch chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản thành công với hơn 600 học viên tham gia.
Theo thống kê sơ bộ của Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính, hiện có hơn 300 nghìn người hoạt động môi giới bất động sản trên toàn quốc, trong đó có 30.000 người có chứng chỉ hành nghề. Đa phần môi giới không có chứng chỉ là “cò đất” nghiệp dư. Họ tham gia lúc thị trường tăng nóng nhưng rút rất nhanh khi thị trường đi xuống.