Nhà sáng lập Forrest Li mất gần 17 tỷ USD sau khi cổ phiếu công ty mẹ Shopee liên tục rớt giá
BÀI LIÊN QUAN
Doanh thu tăng nhưng vẫn lỗ, Shopee hiện tại đang làm ăn ra sao?Hệ lụy đợt sa thải nhân sự ồ ạt của Shopee: ShopeeFood bị tụt lại phía sau, chuyên gia cảnh báo khó đạt tăng trưởng doanh thu trong vài năm tớiShopee và chiến lược cắt giảm nhân sự trên khắp Đông Nam ÁMới đây, Sea Ltd., công ty mẹ của Shopee - nền tảng thương mại điện tử hàng đầu Đông Nam Á đã ngậm ngùi báo lỗ khủng, con số này lớn hơn dự kiến khá nhiều. Đồng thời, tập đoàn cũng đã rút lại dự báo thương mại điện tử cho năm nay. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang ngày càng phải đối mặt với nhiều bất ổn, “kỳ lân” của Singapore cùng với nhiều gã khổng lồ thương mại điện tử trực tuyến khác đang phải vật lộn để có thể đánh giá triển vọng của doanh nghiệp.
Trong phiên giao dịch ngày 17/8, giá cổ phiếu của Sea - công ty mẹ của Shopee đã giảm 14%, khiến nhà sáng lập Forrest Li đã mất đi khoảng 800 triệu USD giá trị khối tài sản ròng. Điều đáng nói, từng là công ty có giá trị lớn nhất tại Đông Nam Á, hiện tại giá cổ phiếu của Sea so với mức đỉnh được thiết lập vào tháng 10/2021 đã giảm mạnh xuống gần 80%.
Mức sụt giảm này cũng chính là sự lao dốc mạnh về khối tài sản của một trong những vị tỷ phú nổi tiếng nhất tại Singapore. Từng sở hữu khối tài sản lên tới gần 17 tỷ USD, hiện con số của Forrest Li đã giảm xuống chỉ còn 5,1 tỷ USD. Điều này khiến cho nhà sáng lập của công ty mẹ Shopee trở thành người giàu thứ 4 tại “quốc đảo” này, theo Bloomberg Billionaires Index.
Đáng chú ý, trong năm nay có thời điểm tài sản của vị doanh nhân 44 tuổi đã giảm xuống chỉ còn 4,5 tỷ USD. Tính từ đầu năm cho đến nay, Forrest Li đã mất đi khoảng 61,5% giá trị tài sản ròng, con số này tương đương với 8,21 tỷ USD. Trước đây, nhà sáng lập của Sea từng là tỷ phú giàu nhất của Singapore. Tuy nhiên, việc Sea phải chứng kiến hàng loạt các sự kiện tiêu cực, bao gồm làn sóng bán tháo cổ phiếu công nghệ, đóng cửa mảng thương mại điện tử tại Ấn Độ và tình hình kinh doanh không mấy khả quan đã khiến cho Forrest Li trở thành một trong những nhà tài phiệt chịu thiệt hại nặng nề nhất trong năm nay.
Sau khi cắt giảm triển vọng doanh thu về thương mại điện tử cho cả năm nay vào tháng 5 vừa qua xuống mức 8,5 tỷ USD (trước đây dự đoán là 8,9 tỷ USD), Sea đã công bố kết quả kinh doanh tụt dốc một cách thảm hại. Có thể nói, động lực của tập đoàn này chính là sự bùng nổ của ngành thương mại điện tử trong khoảng thời gian 2 năm đại dịch khiến mọi người có thêm nhiều thời gian để ở nhà hơn. Đến khi đại dịch dần được kiểm soát, người tiêu dùng bắt đầu thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh lạm phát ngày càng tăng, chuyển sang chi tiêu cho những vật phẩm thiết yếu đã khiến cho Sea gặp rất nhiều khó khăn.
Nhận định về vấn đề này, Alicia Yap - nhà phân tích tại Citigroup Inc cho biết: “Việc Sea cắt giảm dự đoán đối với doanh thu thương mại điện tử cho cả năm chắc chắn sẽ khiến tâm lý của nhiều nhà đầu tư trở nên bất an”. Được biết, Sea - khoản đầu tư lớn nhất của Tencent Holdings Ltd. trong năm nay đã phải trải qua hàng loạt thất bại. Trong đó phải kể đến việc chính phủ Ấn Độ bất ngờ cấm trò chơi di động phổ biến nhất của công ty, khiến cho tập đoàn phải đóng cửa hàng loạt các hoạt động thương mại điện tử tại thị trường tỷ dân này không lâu sau đó.
Trước đó, tập đoàn cũng đã công bố báo cáo tài chính của quý 2 năm nay với kết quả tương đối ảm đạm. Cụ thể, tập đoàn ghi nhận khoản lỗ trước lãi vay, thuế cùng với khấu hao lên đến 506,3 triệu USD, con số này đã vượt qua mức dự phóng trung bình là lỗ 482,3 triệu USD. Trong quý này, doanh thu của công ty mẹ Shopee đã tăng 29% so với cùng kỳ, lên mức 2,9 tỷ USD. Điều đáng nói, đây chính là mức tăng chậm nhất trong vòng 5 năm trở lại đây của Sea.
Tại thị trường Đông Nam Á và Đài Loan, lỗ sau thuế, sau lãi vay và khấu hao sau điều chỉnh cho mỗi đơn hàng của Shopee trước khi phân bổ những chi phí chung tại trụ sở chính là chưa tới 1 cent. Ông Li mới đây đã đưa ra mục tiêu đưa con số này về mốc dương trong năm nay tại các thị trường châu Á.
Quý 2 vừa qua, lỗ ròng của Sea đã tăng lên mức 931 triệu USD bất chấp doanh thu là 1,7 tỷ USD (tăng 51% so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn thấp hơn mức kỳ vọng là 1,9 tỷ USD). Bên cạnh đó, tổng giá trị hàng hóa được giao dịch trên Shopee đạt 19 tỷ USD, tăng lên 27% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, doanh thu từ Garena cũng đã giảm xuống 900,3 triệu USD, con số này cao hơn một chút so với mức dự đoán trước đó là 827,6 triệu USD trong khi tựa game Free Fire đang đạt đến trạng thái bão hòa. Ngoài ra, doanh thu từ mảng tài chính số là SeaMoney cũng đã tăng lên mốc 279 triệu USD.
Trong cuộc họp báo hôm thứ Ba vừa qua, Chủ tịch kiêm CEO Forrest Li từng tuyên bố rằng: “Dù chúng tôi đang có nguồn lực mạnh và đi đúng phương hướng để đạt được các mục tiêu tự lực của mình; tuy nhiên chúng tôi vẫn quyết định sẽ nhanh chóng ưu tiên vấn đề lợi nhuận và quản lý dòng tiền của mình”.
Tại khu vực Đài Loan và Đông Nam Á, khoản lỗ Ebitda trước khi phân bổ chi phí chung của trụ sở chính Sea đã được điều chỉnh trên mỗi đơn hàng của Shopee dưới mức 0,01 USD. Theo CEO Forrest Li, hiện công ty đã đặt ra mục tiêu ghi nhận lãi Ebitda điều chỉnh trong năm nay trước khi tiến hành phân bổ chi phí chung tại châu Á.
Tập đoàn Sea hiện tại đang tiến hành trì hoãn kế hoạch mở rộng sang các thị trường nước ngoài và iến hành tinh giảm nhân sự. Theo đó, công ty mẹ của Shopee đã chuyển sang tập trung vào mục tiêu lợi nhuận trong năm nay thay vì chi tiêu ồ ạt để chiếm lĩnh thị trường toàn cầu như trước đây. Chưa kể, kỳ lân Singapore còn đang phải đối mặt trước sự cạnh tranh đang ngày càng gay gắt và khốc liệt.
Tính đến nay, một số nhà đầu tư đã và đang tiến hành cắt giảm cổ phần tại Sea. Theo như Hồ sơ của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ, quỹ đầu tư Tiger Global Management cũng đã bán đi 473,8 triệu USD cổ phiếu của Sea. Năm 2017, Tập đoàn Sea đã chính thức niêm yết trên sàn New York, sau đó đã nhanh chóng thu hút hàng loạt vốn lớn từ các nhà đầu tư. Shopee cũng nhanh chóng được mở rộng ra ngoài thị trường cốt lõi; tấn công sang thị trường Ấn Độ, châu Mỹ Latinh và châu Âu. Tuy nhiên, sau khi doanh số bán lẻ trực tuyến ngày càng chậm, tăng trưởng yếu hơn tại những thị trường mới, Sea hiện đang tập trung vào những thị trường cốt lõi như Đài Loan, Đông Nam Á và Brazil.
Thông tin từ hồi tháng 6 cho thấy, Sea đã cho cắt giảm nhân viên của các nhóm giao đồ ăn và thanh toán trực tuyến trên sàn thương mại điện tử tại Đông Nam Á. Chưa kể, doanh nghiệp cũng đang cắt giảm nhân sự ở nhiều thị trường khác trên thế giới.