Nhà ở riêng lẻ tại TP. HCM được xây dựng tầng hầm trở lại
BÀI LIÊN QUAN
Xu hướng dịch chuyển nhà ở về các đô thị vùng ven Hà NộiTS. Nguyễn Văn Đính: Đang có hiện tượng độc quyền nguồn cung nhà ởNhà thế chấp vay ngân hàng bị sập do bão: Các hợp đồng bảo hiểm đi kèm có tác dụng gì không?Phó Chủ tịch UBND TP. HCM, ông Bùi Xuân Cường đã ký quyết định số 3804/2024, quy định về quy hoạch không gian xây dựng ngầm cho các đồ án quy hoạch phân khu với tỷ lệ 1/5.000, 1/2.000 và quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 đã được phê duyệt tại thành phố.
Theo đó, việc quản lý không gian xây dựng ngầm (phần ngầm của công trình xây dựng trên đất) đối với nhà ở thấp tầng, nhà ở riêng lẻ, cho phép xây dựng tối đa 1 tầng hầm để bố trí tầng kỹ thuật và bãi đỗ xe. Trường hợp nhà ở riêng lẻ kết hợp chức năng khác và muốn xây dựng từ 2 tầng hầm trở lên cần phải lập quy hoạch chi tiết hoặc tổng mặt bằng (theo quy trình rút gọn).
Đối với nhà ở cao tầng, các công trình dịch vụ, công cộng, trụ sở và các công trình xây dựng trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cho phép xây dựng tầng hầm theo tiêu chuẩn và quy chuẩn xây dựng.
Số lượng tầng hầm và vị trí của chúng sẽ được xác định cụ thể trong đồ án quy hoạch chi tiết, bản vẽ xin phép xây dựng, thiết kế cơ sở, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn xây dựng chuyên ngành, và các quy định quản lý kiến trúc, thiết kế đô thị (nếu có).
Việc xây dựng công trình ngầm phải tuân thủ các quy chuẩn xây dựng ngầm và giấy phép xây dựng. Ranh giới tầng hầm không được vượt quá phạm vi sử dụng đất đã được xác định trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nếu có nhu cầu xây dựng vượt quá chỉ giới hoặc phạm vi sử dụng đất đã quy định (trừ hệ thống kỹ thuật ngầm), cần phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
Xây dựng tầng hầm phải đảm bảo an toàn cho cộng đồng, công trình và các công trình lân cận, không làm ảnh hưởng đến việc sử dụng hay vận hành của các công trình xung quanh. Tầng hầm dành cho đỗ xe và hệ thống kỹ thuật không được tính vào hệ số sử dụng đất, trừ trường hợp ngoài các chức năng này, khi đó diện tích sàn hầm sẽ được tính vào hệ số sử dụng đất, nhưng không được vượt quá quy hoạch cho phép.
Ngoài ra, UBND TP. HCM cũng ban hành quyết định 3803/2024, bổ sung quy hoạch không gian xây dựng ngầm vào quy định quản lý các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2.000 cho khu trung tâm hiện hữu của thành phố rộng 930 ha, đã được phê duyệt tại quyết định số 6708/2012.
Trước đây, việc cấp phép xây dựng công trình có tầng hầm chủ yếu dựa vào các quy chuẩn quốc gia về quy hoạch, tiêu chuẩn thiết kế công trình có tầng hầm và Nghị định số 39. Tuy nhiên, hơn nửa năm qua, các quận, huyện tại TP.HCM đã ngừng cấp phép cho công trình có tầng hầm. Nguyên nhân xuất phát từ việc Bộ Xây dựng yêu cầu chấn chỉnh hoạt động quản lý xây dựng nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng và nhiều căn hộ trên địa bàn.
Trong thời gian qua, nhiều người dân liên tục “than” chưa xây nhà được vì không cấp phép tầng hầm. Đơn cử như trường hợp một nhà dân tại đường Tô Ký (quận 12) đã nộp bản vẽ xin cấp phép xây dựng nhà ở tại UBND quận 12 hồi tháng 5 vừa qua. Theo bản vẽ này, chủ nhà xin phép xây dựng một ngôi nhà gồm 4 tầng (1 trệt, 3 lầu) và 1 tầng hầm.
Tuy nhiên, UBND quận 12 đã thông báo không thể cấp phép do thành phố đang xem xét lại quy hoạch không gian ngầm nên đến nay vẫn chưa thể tiến hành xây dựng. Tương tự, nhà một người dân ở đường Phạm Thế Hiển (quận 8) cũng gặp khó khăn khi bị từ chối cấp phép xây dựng tầng hầm.
Không chỉ nhà ở riêng lẻ gặp khó khăn trong việc cấp phép tầng hầm, lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản cho biết, các dự án thương mại cũng không thể xây dựng do việc cấp phép xây dựng tầng hầm bị tạm ngưng. Trong khi, tầng hầm là rất cần thiết cho các dự án thương mại, phục vụ các nhu cầu như bãi đậu xe, trung tâm thương mại, dịch vụ và khu vực kỹ thuật của tòa nhà.
Cũng theo vị lãnh đạo này, dự án của công ty đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và chủ đầu tư từ 3 năm trước. Tuy nhiên, trong nhiều tháng qua, doanh nghiệp đã liên tục làm việc với cơ quan chức năng để xin duyệt 2 tầng hầm nhưng vẫn chưa thành công, khiến các bước tiếp theo của dự án bị đình trệ.