Người lao động trong khu công nghiệp sẽ được “lì xì” 3 tháng tiền thuê nhà trọ
Kể từ khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát từ ngày 27/4/2021 tới nay, nhiều hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong đó có hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, tác động trực tiếp tới đời sống an sinh của người lao động trên cả nước.
Theo thống kê, đến quý III/2021, có hơn 28,2 triệu người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19. Trong đó, có 4,7 triệu người bị mất việc làm; 14,7 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 12 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên; 18,9 triệu lao động giảm thu nhập. Số người có việc làm giảm gần 2,7 triệu người.
Tỷ lệ người lao động thiếu việc làm và thất nghiệp tăng cao. Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động cao nhất trong 10 năm qua, là 3,98%. Tại khu vực thành thị nơi có các khu công nghiệp, vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, có nhiều lao động tập trung, đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế cũng ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp đạt mức kỷ lục lên tới 5,54%.
Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết đại dịch Covid-19 bùng phát và có nhiều diễn biến phức tạp đã làm xuất hiện và gia tăng các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương, cần được trợ giúp mà hệ thống an sinh xã hội hiện hành chưa bao phủ tới. Trong đó có người lao động trong khu công nghiệp và những người đã phải rời thị trường lao động.
Do đó, nhiều chính sách đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ ban hành nhằm hỗ trợ cho người lao động. Đảm bảo an sinh xã hội, trong đó có nhiều chính sách đặc biệt, chưa từng có tiền lệ để giúp người dân vượt qua khó khăn do đại dịch gây ra như Nghị quyết số 68, Nghị quyết số 116 và Nghị quyết số 126. Tính đến nay, hơn 76.000 tỷ đồng hỗ trợ đã được giải ngân và trên 44 triệu người được thụ hưởng.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong chương trình phục hồi kinh tế-xã hội của năm 2022. Thì phục hồi xã hội, nhất là vấn đề an sinh là một trong năm nội dung quan trọng. Trong đó nhiệm vụ quan trọng nhất trong chương trình phục hồi an sinh chính là phục hồi thị trường lao động.
Trong đó để đạt được mục tiêu phục hồi thị trường lao động thì phải tập trung thực hiện 5 chính sách hỗ trợ. Chính sách hỗ trợ thứ nhất là cho người lao động được vay vốn để phát triển sản xuất, với mức vay lớn nhất có thể tới hàng trăm triệu đồng.
Chính sách hỗ trợ thứ hai là triển khai gói 6.600 tỷ đồng để hỗ trợ tiền mặt cho người lao động, với 2 nhóm đối tượng khác nhau. “Người lao động đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm sẽ được hỗ trợ tiền mặt trong 3 tháng. Còn đối với người lao động quay lại thị trường thì cũng sẽ hỗ trợ tiền nhà trong 3 tháng nhưng mức cao gấp đôi”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.
Chính sách hỗ trợ thứ ba theo Bộ trưởng được giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Sử dụng một khoản tiền lớn nhất từ trước tới nay để hỗ trợ cho doanh nghiệp vay xây dựng nhà ở, ký túc xá giúp cho công nhân mua hoặc thuê với mức lãi suất rất thấp.
Ngoài ra, ngân sách Nhà nước cũng sẽ trích một khoản để cho công nhân vay lãi suất thấp mua nhà ở với giá rẻ. Đây là giải pháp đảm bảo an sinh tối thiểu về nhà ở cho công nhân, giúp công nhân có thể “an cư lạc nghiệp”.
Chính sách hỗ trợ thứ tư là hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn không có lãi suất để trả lương cho người lao động cho đến hết ngày 31/3/2022.
Chính sách hỗ trợ thứ năm là tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp đào tạo nghề cho người lao động theo gói hỗ trợ trị giá 7.500 tỷ đồng hiện nay đã được cung cấp.
Như vậy, ngay trong những ngày đầu tiên của năm mới Nhâm Dần 2022, người lao động trên cả nước đã nhận được tin vui. Với hàng loạt các chính sách hỗ trợ, hy vọng người lao động trong khu công nghiệp sẽ có những khởi đầu thuận lợi về việc làm, chỗ ở trong năm 2022. Góp phần giúp nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ hậu đại dịch Covid-19.