Người dùng Việt Nam bị hơn 66.500 mã độc di động tấn công trong năm 2021 với chiều hướng ngày một tinh vi
BÀI LIÊN QUAN
Ngay sau email Elon Musk muốn cắt giảm 10% nhân sự, Tesla đã cho một giám đốc nghỉ việcWalmart đang gặp chuyện gì tại Trung Quốc đại lục?Các tỷ phú tiền ảo chứng kiến tài sản của mình giảm nhanh “như một cơn gió”Theo báo cáo Digital 2022 được thực hiện bởi We Are Social vào năm 2021, số lượng người dùng điện thoại di động truy cập vào internet gia tăng mạnh mẽ, tăng khoảng 147% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó là sự gia tăng số lượng mã độc nhắm vào người dùng di động Việt.
Gần đây, Công ty an ninh mạng toàn cầu Kaspersky cũng đã thông báo, họ đã phát hiện và ngăn chặn tổng cộng 66,586 cuộc tấn công trên thiết bị di động của người dùng Việt Nam, cao hơn 46,9% so với năm 2020. Trong đó, mã độc phổ biến nhất tại Việt Nam chính là trojan.
Trong khi hai nước Việt Nam và Thái Lan có sự gia tăng về số lượng cuộc tấn công bằng phần mềm độc hại thì ở các quốc gia Đông Nam Á khác thì con số này có chiều hướng giảm. Cụ thể, tại Indonesia, số lượng các cuộc tấn công di động đã giảm khoảng 0.9%, tại Philippines giảm 38,85%, tại Malaysia giảm 30,59% và tại Singapore giảm 15,85%. Trong khi đó, Thái Lan có số lượng các cuộc tấn công cao nhất là 130,71% và Việt Nam tăng gần 46,9%.
Tuy nhiên, nếu xét đến số lượng lây nhiễm mã độc thì Indonesia là nước đứng đầu với 375,547 cuộc tấn công đã được phát hiện. Đây cũng là năm thứ 3 quốc gia này đứng đầu Đông Nam Á kể từ lần khảo sát vào năm 2019.
Theo nghiên cứu của Kaspersky, mặc dù mã độc di động nhắm vào các thiết bị di động trên toàn cầu có xu hướng giảm vào năm 2021 nhưng chức năng và hướng tấn công của chúng ngày một tinh vi.
Ngoài ra, xét đến mã độc tấn công ứng dụng ngân hàng trên thiết bị di động thì Việt Nam hiện đang đứng đầu với 697 cuộc tấn công được phát hiện, con số này đã gia tăng 131 vụ so với năm 2020. Tuy nhiên, Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất đang phải đối mặt với sự gia tăng mã độc này.
Hai nước Đông Nam Á khác là Indonesi và Philippines cũng có sự gia tăng của mã độc tấn công ứng dụng ngân hàng trên các thiết bị di động. Trong khi đó, Thái Lan là nước có mức giảm đáng kể, từ 255 vụ được ghi nhận vào năm 2020 giảm xuống 28 vụ vào năm 2021, tương đương khoảng 89%.
Theo ông Yeo Siang Tiong, Tổng giám đốc của Kaspersky tại khu vực Đông Nam Á, khi các cuộc tấn công giảm đi thì đó là một tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên người dùng không nên lơ là. Trong một nghiên cứu của Kaspersky vào năm 2021, chi phí phát sinh mà một doanh nghiệp vừa và nhỏ phải trả khi vi phạm dữ liệu đã tăng lên mức trung bình 105.000 USD.
"Mặc dù nhìn bề ngoài, ta thấy tội phạm mạng có vẻ đang ít hoạt động hơn khi nhìn vào số liệu các cuộc tấn công mã độc dần giảm xuống. Tuy nhiên, đây chính là xu hướng toàn cầu và điều đó không có nghĩa là chúng ta đã an toàn hơn" - ông Yeo Siang Tiong nói.
Ngoài ra, ông Yeo còn đưa ra một số lưu ý, người dùng thường chi ra một khoản tiền lớn cho thiết bị di động nhưng lại ít quan tâm tới những công cụ bảo vệ cũng như ý thức giao dịch an toàn nên dễ bị các phần mềm độc hại tấn công. Ông còn khuyến cáo các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán kỹ thuật số, các cơ quan quản lý nên khuyến khích người dùng nâng cao nhận thức của mình và sử dụng thiết bị di động một cách an toàn hơn.
Chuyên gia của Kaspersky cũng đưa ra lời khuyên cho người dùng, khi sử dụng Internet chỉ nên tải xuống những ứng dụng xuất phát từ các nguồn chính thức, từ những nhà phát triển phần mềm uy tín. Đặc biệt, khi thanh toán qua các ứng dụng cần hết sức cẩn thận và không cấp quyền truy cập cho các ứng dụng không thật sự cần thiết. Nên sử dụng phần mềm chống/diệt virus đáng tin cậy và thường xuyên cập nhật phần mềm.