Ngành Logistics là gì? Mức lương ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng có cao như lời đồn?
Tổng quan về ngành Logistics
Có mặt ở Việt Nam khoảng 30 năm trở lại đây, cho những thời điểm này, ngành Logistic đang phát triển vô cùng ấn tượng, lên đến 35-40%. Hiện nay, ở Việt Nam, đang có hơn 1.500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này và con số dự kiến sẽ còn tăng chóng mặt trong thời gian tới.
Theo thống kê, trên địa bàn Tp Hồ chí Minh hiện nay có khoảng 800 - 900 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Logistic trong tổng số 1500 doanh nghiệp hoạt động trên cả nước.
Theo ước tính của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trung bình mỗi tuần có một công ty giao nhận logistics được cấp phép hoạt động hoặc bổ sung chức năng logistics. Chính sự phát triển của ngành logistics hiện nay đã làm cho nguồn nhân lực của ngành này trở nên thiếu hụt trầm trọng.
Theo dự đoán của các thành viên khi Việt Nam tham gia hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Logistics tại Việt Nam sẽ là một trong những ngành phát triển mạnh nhất. Bởi lẽ, việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản như cà phê, lúa gạo, các mặt hàng thủy hải sản với mức thuế suất ưu đãi hay việc nhập khẩu mãy móc, thiết bị và các mặt hàng phục vụ ngành công nghiệp nặng như ô to, dầu nhớt,... với thuế suất giảm dần về 0% khiến ngành Logistics trở thành tâm điểm của sự chú ý.
Ngành Logistics là một chu kỳ hoạt động bao gồm: lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, và làm thủ tục hải quan, luân chuyển hàng hóa,... tất cả nhằm đạt được mục đích sau cùng là chuyển sản phẩm, hàng hóa từ nhà cung cấp đến tay người tiêu dùng một cách tối ưu nhất. Nhân viên làm trong lĩnh vực Logistics sẽ phụ trách công việc liên quan đến chuỗi hoạt động nói trên.
Logistics và chuỗi cung ứng là gì?
Nếu làm tốt công việc Logistics thì doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí vận chuyển không hề nhỏ. Điều này đồng nghĩa với việc giá thành sản phẩm sẽ được hạ xuống, từ đó nâng cao hiệu quả cạnh tranh và đem đến nhiều lợi nhuận hơn cho doanh nghiệp.
Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (tiếng anh là Logistics and Supply Chain Management) là một hoạt động dây chuyền. Nó là mạng lưới kết nối của nhiều hoạt động cùng tham gia vào việc sản xuất, cung ứng hàng hóa và dịch vụ đến tận tay người tiêu dùng. Nói một cách dễ hiểu, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng đảm bảo vòng đời của một sản phẩm và hoạt động kinh doanh của mọi doanh nghiệp đạt hiệu quả cao nhất.
Ngành Logistics làm những công việc gì?
Công việc của ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng chia làm 3 mảng chính bao gồm: kho bãi, giao nhận và vận chuyển. Bên cạnh đó, ngành Logistics cũng bao gồm rất nhiều lĩnh vực khác, có thể kể đến như: dịch vụ bốc xếp hàng hóa, dỡ hoạch bốc xếp hàng hóa lên tàu, xe, container; Dịch vụ cho thuê kho bãi và lưu giữ hàng hóa; Dịch vụ đại lý vận tải (Bao gồm hoạt động như đại lý làm thủ tục hải quan và lập kế hoạch vận chuyển, bốc dỡ hàng hóa); Các dịch vụ bổ trợ khác như tiếp nhận, lưu kho và quản lý các thông tin liên quan đến quá trình vận chuyển và lưu kho hàng hóa trong suốt chuỗi logistics; Xử lý nhiều vấn đề phát sinh như hàng hóa tồn kho, hàng hóa hạn sử dụng, hàng hóa bị khách hàng trả lại, hàng hóa bị hư, lỗi mốt,... đồng thời tái phân phối các loại hàng hóa này; tiến hành các hoạt động cho thuê và thuê mua container.
Vị trí cho sinh viên mới tốt nghiệp trong ngành Logistics cũng rất đa dạng, bao gồm Nhân viên hoạch định sản xuất; Quản trị nguyên vật liệu; Nhân viên thu mua; Nhân viên/nhà quản trị tồn kho; Nhân viên/nhà quản trị kho bãi; Vận tải và phân phối; Chuyên viên tư vấn và phân tích chuỗi cung ứng,... Về lâu về dài, bạn sẽ có cơ hội thăng tiến lên các vị trí cấp cao như nhà quan trị cung ứng, nhà quản trị logistics, nhà quản trị dự án, nhà quản trị thông tin trên chuỗi hay giám đốc sản xuất hay quản lý vùng,...
Cơ hội và thách thức của ngành Logistic
Cơ hội
Theo thống kê của Viện nghiên cứu và phát triển Logistics Việt nam, trong vòng 3 năm tới, lĩnh vực Logistics cần thêm 18.000 lao động, chưa kể đến các doanh nghiệp khác ngành. Điều này cho thấy được tiềm năng và cơ hội việc làm vô cùng lớn của những người theo học ngành Logistics. Đối với những người theo học ngành này, bạn hoàn toàn có thể kiếm được những việc làm lương cao và ổn định tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Logistics ngay khi vừa ra trường.
Thách thức
Trên 70% doanh nghiệp dịch vụ Logistics hiện nay có quy mô vừa và nhỏ, 7% doanh nghiệp có vốn trên 1.000 tỷ đồng, trong đó nhóm sở hữu vốn lớn chủ yếu là những doanh nghiệp đa quốc gia. Việc khan hiếm vốn và hạn chế về công nghệ là hai yếu tố chính khiến các doanh nghiệp Logistics tại Việt Nam thiếu sức cạnh tranh trên thị trường.
Lao động lành nghề tại mảng này đang bị thiếu hụt về cả số lượng và chất lượng. Nguồn nhân lực cho Logistics phần nhiều chưa được đào tạo bài bản và chưa đáp ứng được tối đa chất lượng chuyên môn nghiệp vụ.
Theo kết quả điều tra của Đại học Kinh tế Quốc Dân, việc ứng dụng phần mềm vào quản lý kho bãi và cơ sở bán hàng ở đa phần các tỉnh thành là rất thấp. Con số thống kế được ở thành phố Hồ Chí Minh là 39.3%; ở Hà Nội 32.7% và ở Đà Nẵng 30.3%. Bên cạnh đó, tổ chức tư vấn SMC cũng cho hay, 45% công nghệ thông tin của nhà cung cấp trong nước không đạt yêu cầu. Chính những hạn chế về mặt công nghệ này khiến các doanh nghiệp Logistics nói riêng và các doanh nghiệp trong nước nói chung khó vươn lên thị trường Quốc tế.
Việc thành công trong ngành Logistics đòi hỏi bạn phải không ngừng nỗ lực học hỏi, trau dồi khả năng ngoại ngữ vì đa phần các doanh nghiệp đều có định hướng mở rộng hợp tác với các công ty nước ngoài. Bên cạnh đó, các chứng từ, biên bản cũng thường được trình bày dưới dạng tiếng Anh.
Việc thông thạo ngoại ngữ sẽ là bàn đạp vững chắc để bạn tìm thấy các cơ hội việc làm ở bất kỳ công ty nào. Đặc biệt, bạn nên chuẩn bị sẵn sàng tâm lý phải di chuyển nhiều, đặc biệt khi bạn chọn công việc liên quan đến xuất nhập khẩu.
Mức lương ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng
Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng là ngành "hot" với cơ hội việc làm cao ở mọi loại hình doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực kinh doanh. Đặc biệt, mức lương sẽ càng cao so với mặt bằng chung với nhiều chính sách ưu đãi ở các doanh nghiệp như DHL, Bosh, Samsung, Unilever Vietnam,...
Vậy mức lương của ngành Logistics là bao nhiêu? Đối với những vị trí mới tốt nghiệp và ít kinh nghiệm, mức lương ngành Logistics sẽ dao động từ 5-9 triệu/tháng. Mức lương sẽ tăng dần qua các năm nếu bạn có đủ kỹ năng và kinh nghiệm. Theo đó, khi bạn lên vị trí cấp cao hay trưởng nhóm, thì mức lương sẽ tăng lên khá nhiều, dao động trong khoảng từ 9-13 triệu/tháng.
Trên đây là toàn bộ thông tin chi tiết về ngành Logistics. Mong rằng, bài viết này sẽ mang đến cho bạn những cái nhìn tổng quan nhất về ngành, đồng thời có những định hướng cụ thể trong tương lai.