Ngân hàng Thế giới: Kinh tế Việt Nam đang lấy được đà phục hồi nhưng cần thận trọng với rủi ro lạm phát
BÀI LIÊN QUAN
World Bank dự báo năng lượng, lương thực sẽ tăng giá mạnh trên toàn cầuWorld Bank dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 đạt 5,3%World Bank dự báo GDP của Việt Nam tăng trưởng 5,5% trong năm 2022Doanh thu bán lẻ tương đương với trước đại dịch
Theo VnEconomy, tại báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho thấy tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam đã được kiểm soát, trong đó số ca mắc mới và số ca tử vong đều giảm đã giúp người dân Việt Nam yên tâm hơn để quay lại với các hoạt động kinh tế - xã hội. Ghi nhận số lượt khách tới nhà hàng, trung tâm mua sắm, các điểm bán lẻ, giải trí đã đạt mức như trước Covid-19.
Về tăng trưởng doanh thu bán lẻ, trong tháng 3/2022 đạt 10,4% đến tháng 4/2022 đã tăng lên 12,1% so với cùng kỳ năm 2021. Ngân hàng Thế giới cho rằng nguyên nhân có sự tăng trưởng này là do nhu cầu trong nước đang tăng trưởng mạnh mẽ hơn nhờ người dân tăng chi tiêu cho 2 kỳ nghỉ lễ dài. Cùng với đó là chính sách "mở cửa bầu trời" thu hút khách du lịch quốc tế quay trở lại Việt Nam. Đây là lần đầu tiên tăng trưởng doanh thu bán lẻ quay về sát với tốc độ tăng trước trước khi đại dịch xảy ra.
Kết quả đáng chú ý này phản ánh cả sự tăng trưởng vững chắc của doanh thu bán lẻ hàng hóa (tăng 12,4% so cùng kỳ năm trước) và sự hồi phục mạnh mẽ của doanh thu dịch vụ tiêu dùng, với tốc độ tăng trưởng 11,0% trong tháng Tư (so cùng kỳ năm trước), gần gấp đôi so với tốc độ tăng trong tháng 3/2022.
Sự phục hồi của dịch vụ tiêu dùng được dẫn dắt chủ yếu bởi doanh thu từ dịch vụ lưu trú và ăn uống bùng nổ (tăng đến 14,8% so cùng kỳ năm trước). Khoảng 101.000 lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 4/2022, đây là con số cao nhất trong hai năm qua, nhưng vẫn chưa bằng 10% số lượt khách trước đại dịch.
Trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy chỉ số tăng trưởng sản xuất công nghiệp tháng 4/2022 tăng 9,4% so với cùng ký năm 2021, tương đương với tốc độ tăng trưởng trước đại dịch. Một số ngành ghi nhận tốc độ tăng trưởng ấn tượng với hai con số gồm sản xuất sản phẩm may mặc, giày dép, điện tử, thiết bị điện, sản phẩm kim loại. Ngược lại, sản xuất máy móc, thiết bị lại có tốc độ tăng trưởng chậm hơn, trong tháng 3/2022 tốc độ tăng trưởng là 26,6% nhưng đến tháng 4/2022 giảm mạnh chỉ còn 5,1%.
Nguyên nhân khiến những ngành này có tốc độ tăng trưởng mạnh là do gián đoạn trong chuỗi cung ứng bởi những biện pháp phong tỏa triệt để từ chính sách "Zero Covid" của Trung Quốc. Điều này đã khiến việc nhập khẩu máy móc, thiết bị từ thị trường này giảm mạnh trong 2 tháng qua.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng tốc từ 17% trong tháng 3 lên 25,2% trong tháng 4, trong khi tăng trưởng nhập khẩu nhích nhẹ từ 14,6% lên 16,5%.
Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cho biết do xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu và linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc. Do đó, việc gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng tới. Với giá dầu tăng cao, kim ngạch nhập khẩu nhiên liệu các loại tăng gần 120% (so cùng kỳ năm trước) và chiếm đến 9,3% tổng kim ngạch nhập khẩu trong tháng 4, gần gấp đôi tỷ lệ cùng kỳ năm 2021.
Thận trọng với rủi ro lạm phát
Với việc duy trì tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ như hiện nay, Ngân hàng Thế giới đưa ra cảnh báo với Việt Nam về những nguy cơ lạm phát. Cụ thể, lạm phát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng từ 2,4% trong tháng 3 lên 2,6% trong tháng 4. Cùng với đó, giá xăng dầu cao hơn gần 50% so với 1 năm trước, đây trở thành yếu tố đóng góp vào lạm phát lớn nhất thông qua nhóm giao thông.
Trong tháng 4, giá lương thực, thực phẩm cũng tăng 1,1%, tương đương với tỷ lệ tăng trong tháng 3. Lạm phát cơ bản, không bao gồm giá lương thực, thực phẩm, năng lượng và các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá, cũng tăng từ 1,1% trong tháng 3 lên 1,5% trong tháng 4, tỷ lệ cao nhất kể từ tháng 12/2020. Giá cả gia tăng thể hiện tác động của cả yếu tố cung và yếu tố cầu.
Chuyên gia Ngân hàng Thế giới đánh giá, dù nền kinh tế Việt Nam đang lấy được đà phục hồi nhưng các cấp có thẩm quyền vẫn cần thận trọng với lạm phát và các rủi ro đối với việc duy trì tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ như hiện nay.
“Cả lạm phát cơ bản và giá lương thực, thực phẩm đều tiếp tục nhích lên, cho thấy cần phải theo dõi chặt chẽ. Nếu lạm phát tiếp diễn trong trung hạn thì nền kinh tế nên điều chỉnh theo mức giá cả cao hơn, các cấp có thẩm quyền đóng vai trò cung cấp các ưu đãi khuyến khích đầu tư nhằm nâng cao năng suất” chuyên gia Ngân hàng Thế giới lưu ý.
Dự báo tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng có thể tiếp tục làm giá nhập khẩu tăng mạnh và ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ giá thương mại. Trong khi tỷ giá thương mại vốn đã xấu đi nhiều trong quý I/2022. Cùng với đó tốc độ tăng trưởng của 2 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, Liên minh Châu u, Trung Quốc được dự báo sẽ thấp hơn so với dự kiến. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới xuất khẩu của Việt Nam.
Đối với Trung Quốc, vừa là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 vừa là nguồn nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Với những chính sách phong tỏa chặt chẽ như hiện nay của quốc gia này sẽ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo và xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.
“Điều này cho thấy đa dạng hóa đối tác thương mại sẽ là một cân nhắc chiến lược an toàn để giảm nhẹ rủi ro và đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu được duy trì,” chuyên gia của Ngân hàng Thế giới khuyến cáo.