Nga và Ukraine nhận định khả năng "khơi thông" dòng chảy xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường máy tính chịu ảnh hưởng lớn từ cuộc chiến tại Ukraine và chính sách zero Covid của Trung QuốcÔ tô khan hiếm, giá tăng cao vì ảnh hưởng từ chiến sự ở UkraineKhủng hoảng Ukraine ảnh hưởng nặng nề tới người tiêu dùng châu ÂuBộ Ngoại giao Nga cho biết hoạt động liên lạc giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Liên hợp quốc sẽ tiếp tục thống nhất một số nội dung cấu thành thoả thuận khả thi về vấn đề xuất khẩu ngũ cốc Ukraine trong cuộc đàm phán tại Istanbul ngày 13/7. Theo hãng thông tấn RIA, hội nghị 4 bên có thể diễn ra vào ngày 20 hoặc 21/7 tới.
Phát biểu với báo giới vào ngày 14/7, bà Maria Zakharova, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: "Các bên đã có cuộc thảo luận thực chất về vấn đề này. Có khả năng thiết lập một số thành tố cấu thành một thỏa thuận mà cả Nga, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang thảo luận tại mỗi nước.".
Trong khi đó, TASS ngày 14/7 dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Vershinin khẳng định, không có trở ngại nào từ Nga với việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine. "Bộ Ngoại giao Nga và các cơ quan khác đã có mặt tại cuộc họp ở Istanbul. Các cuộc tham vấn đang được tiến hành về cách đảm bảo xuất khẩu ngũ cốc Ukraine bằng đường biển", ông nói. "Chúng tôi tin rằng sẽ không có vấn đề gì".
Cùng trong ngày 14/7, Bộ trưởng Cơ sở Hạ tầng Ukraine Oleksandr Kubrakov khẳng định nước này "chắc chắn đang tiến gần hơn" tới việc đạt được thỏa thuận nhằm tạo điều kiện xuất khẩu ngũ cốc qua các cảng ở Biển Đen sau cuộc hội đàm với phía Nga, Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ ở Istanbul.
Trong khi đó, phát biểu với báo giới sau cuộc đàm phán tại Istanbul, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar cho biết Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc dự kiến sẽ ký thỏa thuận vào tuần tới nhằm nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc qua các cảng ở Biển Đen của Ukraine.
Một quan chức cấp cao của Liên hợp quốc sau đó tiết lộ, hầu hết điểm then chốt trong các cuộc đàm phán để nối lại hoạt động xuất khẩu của Ukraine ở biển Đen đã được thống nhất, đồng thời mô tả vòng thảo luận ở Istanbul là "bước đột phá". Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres sau đó cũng xác nhận đạt "bước tiến quan trọng" và "thỏa thuận cuối cùng có thể đạt được vào tuần tới" nhưng ông tỏ ra thận trọng khi cho rằng "sẽ cần nhiều công việc kỹ thuật hơn để đảm bảo tiến độ kí thỏa thuận".
Ngoài ra, theo chia sẻ của ông Akar, phái đoàn Nga và Ukraine dự kiến “sẽ gặp lại nhau ở Thổ Nhĩ Kỳ vào tuần tới" và các bên sẽ "xem xét lại tất cả các điều khoản một lần nữa" trong cuộc họp này, trước khi đặt bút ký. Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine cho biết một trung tâm điều phối chung với Nga và Liên Hợp Quốc sẽ được thành lập.
"Nhiệm vụ của trung tâm sẽ là thực hiện giám sát chung và điều phối hàng hải an toàn ở Biển Đen", cố vấn Andriy Yermak của Tổng thống Ukraine cho biết trên Twitter.
Thỏa thuận này được đánh giá là quan trọng đối với an ninh lương thực, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển, và sẽ giúp ổn định thị trường.
Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát các eo biển kết nối biển Đen với Địa Trung Hải và đã đóng vai trò tích cực cùng LHQ trong nỗ lực hòa giải Nga-Ukraine. Moscow lâu nay khẳng định họ ủng hộ nỗ lực của LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ trong việc thiết lập hành lang an toàn cho việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine.
Nga và Ukraine là hai nhà xuất khẩu nông sản hàng đầu, chiếm khoảng 1/3 lượng lúa mì cung cấp cho thị trường thế giới. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) thông tin, 50 quốc gia, bao gồm có nhiều nước châu Phi và Trung Đông, nhập khẩu ít nhất 30% lúa mì từ Nga, Ukraine; trong đó 26 nước nhập tới trên 50% nông sản từ hai "vựa lương thực" thế giới này. Ngoài lúa mì, Nga cũng là nhà xuất khẩu phân bón chủ chốt, còn Ukraine là nhà cung cấp chính ngô và dầu hướng dương.
Khi xung đột quân sự nổ ra, Kiev tuyên bố họ không thể đưa ngũ cốc ra thị trường với lí do các cảng bên bờ biển Đen bị phong tỏa. Tổng thống Zelensky thông tin, khoảng 22 triệu tấn ngũ cốc của Ukraine đang mắc kẹt trong các kho chứa và dự kiến có thêm 60 triệu tấn vào mùa Thu tới.
Theo truyền thông phương Tây, Ukraine những tuần qua đã tìm cách xuất khẩu ngũ cốc qua cảng của Romania và qua đất liền châu Âu nhưng các tuyến đường đó không hiệu quả bằng tuyến biển Đen, nơi trung chuyển đến 98% ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine những năm trước đây. Từ phía Nga, nước này cũng hạn chế xuất khẩu nông sản do phương Tây cấm tàu Nga cập cảng và hoạt động thanh toán quốc tế bị gián đoạn do các biện pháp trừng phạt nhắm vào ngân hàng của Moscow.
Ở thời điểm nguồn cung ngũ cốc trên toàn cầu thiếu hụt nghiêm trọng do mùa màng thất thu ở châu Phi, châu Âu và châu Mỹ; còn một loạt quốc gia, bao gồm Ấn Độ - nước sản xuất lúa mì hàng đầu thế giới - cấm xuất khẩu mặt hàng này, thì việc Nga-Ukraine có thể đạt được thỏa thuận để khơi thông dòng chảy ngũ cốc qua ngả biển Đen được mô tả là sẽ nhanh chóng giải tỏa cơn khát lương thực ở nhiều nước.
Bên cạnh đó, giới quan sát cũng bày tỏ kì vọng Nga-Ukraine có thể sớm nối lại các hoạt động đàm phán hóa bình. Theo Guardian, hội nghị 4 bên vừa diễn ra là cuộc gặp gỡ trực tiếp đầu tiên giữa Nga và Ukraine kể từ cuộc họp ở Istanbul hôm 29/3. Khi nói đến triển vọng về các cuộc đàm phán hòa bình để chấm dứt chiến sự Ukraine, ông Guterres nói rằng Moscow và Kiev đã cho thấy họ có thể tham gia tiến trình đàm phán nhưng "vẫn còn chặng đường dài phía trước".
Giữa lúc phái đoàn hai bên tiến hành thương lượng, các cuộc giao tranh vẫn diễn ra dữ dội. Sau khi kiểm soát thành công tỉnh Lugansk, quân đội Nga và lực lượng dân quân miền Đông đang đẩy mạnh tiến công ở tỉnh Donetsk lân cận.
TASS dẫn lời một đại diện lực lượng miền Đông ngày 14/7 nói rằng họ đã vượt qua được phòng tuyến của Ukraine và tiến vào bên trong thị trấn chiến lược Siversk (Seversk) ở tỉnh Donetsk. Từ Kiev, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tái khẳng định lập trường rằng Kiev sẽ không chấp nhận bất cứ nhượng bộ nào về lãnh thổ với Moscow.