Mỹ khởi xướng Liên minh Chip 4, tương lai ngành bán dẫn Trung Quốc bị đe doạ?
BÀI LIÊN QUAN
Thặng dư thương mại của Trung Quốc đạt kỷ lục, lần đầu vượt 100 tỷ USD trong tháng 7Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc trở thành cái tên đầu tiên được triển khai robotaxi tại quốc gia tỷ dânNền kinh tế đang suy giảm nhưng xuất khẩu tháng 7 của Trung Quốc vẫn tăng mạnhNgày 12/8 vừa qua, Cục Công nghiệp và an ninh (BIS) - cơ quan trực thuộc Bộ Thương mại Mỹ đã công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu với lý do bảo vệ an ninh quốc gia. Các biện pháp mới này sẽ có hiệu lực từ ngày 15/8 và sẽ được áp dụng cho một số công nghệ sản xuất chip và động cơ tuabin khí tiên tiến.
Dù không đề cập cụ thể đến bất kỳ quốc gia nào nhưng theo nhận định của giới phân tích, những biện pháp hạn chế mới Mỹ rõ ràng đã nhắm vào Bắc Kinh. Nhà phân tích của công ty tư vấn bán dẫn ICwise Shang Manjun cho rằng: "Mỹ đang nhắm đến tương lai". Theo bà Manjun, việc Mỹ kiểm soát và hạn chế xuất khẩu các phần mềm được sử dụng để thiết kế chip tiên tiến là bước đi trước nay Washington chưa từng sử dụng.
Hiện nay, ngành công nghiệp chip của Trung Quốc phần lớn phụ thuộc vào phần mềm tự động hoá thiết kế điện tử (EDA) tiên tiến do các công ty sản xuất của Mỹ cung cấp. Dù ngành công nghiệp bán dẫn của nền kinh tế thứ 2 thế giới chưa phát triển đến mức đòi hỏi phần mềm thiết kế cho các chip cần có cấu trúc GAA phức tạp. Nhưng theo một giám đốc điều hành công ty phần mềm Trung Quốc chia sẻ với tờ South China Morning Post, Trung Quốc sẽ cần đến phần mềm EDA một khi đi vào sản xuất chip theo quy trình 3 nanomet (nm). Đây là quy trình tiên tiến đang được các tập đoàn hàng đầu như Samsung (Hàn Quốc) và TSMC (Đài Loan) ứng dụng.
Cũng theo vị giám đốc điều hành này, các công ty của Trung Quốc hiện đang đi sau ít nhất 1 hoặc 2 thế hệ công nghệ so với các nhà sản xuất lớn của Mỹ.
Ngoài ra, bên cạnh phần mềm, chính quyền Washington còn hạn chế xuất khẩu cả 2 chất nền bán dẫn là oxit gali và kim cương. Đây là 2 nguyên liệu có thể chịu được ở điện áp và nhiệt độ cao hơn đáng kể so với vật liệu chip thông thường như silicon. Theo đó, lệnh cấm xuất khẩu với oxit gali và kim cương sẽ ngăn chúng xuất hiện trong chip phục vụ các ứng dụng quân sự.
Bên cạnh những hạn chế mới, Mỹ hiện tại cũng đang lên kế hoạch thành lập một nhóm các nhà sản xuất vi mạch lớn do Mỹ dẫn đầu, và bao gồm 3 thành viên là Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản. Liên minh này được gọi là “Liên minh Chip 4”. Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Park Jin: “Nhóm Chip 4 nhằm mục đích tạo điều kiện ổn định chuỗi cung ứng và bồi dưỡng nhân tài trong hệ sinh thái bán dẫn. Vì ngành công nghiệp bán dẫn là một trong số ít các ngành công nghiệp lớn mà Hàn Quốc có khả năng cạnh tranh toàn cầu, quốc gia này đương nhiên sẽ cố gắng tham gia vào hệ sinh thái này để không đánh mất vị thế như vậy. Vì vậy, từ quan điểm của Hàn Quốc, đó thực sự không phải là một nỗ lực nhằm vào một quốc gia cụ thể".
Tuy nhiên, với chính quyền Bắc Kinh, nếu liên minh này được thành lập, tương lai ngành bán dẫn của quốc gia này sẽ càng trở nên mờ mịt. Bởi “Chip 4” được xem là nền tảng để Mỹ cô lập Trung Quốc khỏi chuỗi giá trị chất bán dẫn toàn cầu. Ngoài ra, chính quyền Bắc Kinh đặc biệt nhạy cảm về vị trí của Hàn Quốc bởi quốc gia này là chìa khoá cho động lực tự cung tự cấp chất bán dẫn của Bắc Kinh khi 2 “ông lớn” Hàn Quốc là Samsung Electronics và SK Hynix đều có nhà máy ở Trung Quốc, giúp nước này tích hợp vào chuỗi giá trị xuyên biên giới.