MWG làm ăn ra sao sau 8 tháng tại Indonesia?
BÀI LIÊN QUAN
Tham vọng xây dựng đế chế bán lẻ của Thế giới Di động (MWG) vẫn đối mặt với nhiều khó khănMột doanh nghiệp bất động sản lãi đậm nhờ "ôm" loạt cổ phiếu HPG, MWG, VND…Sau 2 tháng tham gia cuộc chiến hạ giá, doanh thu bán điện thoại của MWG lần đầu tiên thấp hơn thịt cáTheo Nhịp Sống Thị Trường dẫn lại chia sẻ mới nhất của ông Đoàn Văn Hiểu Em - CEO CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) trên trang cá nhân như sau: “Sau hơn 8 tháng kể từ khi nổ phát súng đầu tiên mở 5 cửa hàng tại thị trường Indonesia, EraBlue liên tục gặt hái được những kết quả tăng trưởng tích cực với mức doanh thu ban đầu đạt 3,5 tỷ VND, đến hiện tại đã tăng gần 6 tỷ VND/tháng shop với mô hình 250-400m2”.
Theo tìm hiểu, cửa hàng EraBlue chuyên về kinh doanh các sản phẩm điện tử gia dụng và được Thế giới Di Động ra mắt lần đầu tại Jakarta vào cuối năm ngoái. Nhờ có kinh nghiệm mở chuỗi Điện Máy Xanh tại Việt Nam, cộng thêm nhiều điểm tương đồng về tiêu dùng giữa 2 thị trường Việt Nam và Indonesia, ban đầu MWG hoàn toàn tự tin về việc có thể nâng tầm trải nghiệm mua sắm những sản phẩm điện tử tiêu dùng tại nước bạn.
Ngoài ra, ông Hiểu Em cũng chia sẻ rằng, EraBlue không chỉ tăng trưởng về mặt doanh thu mà còn đang trong quá trình hoàn thiện mô hình kinh doanh. Mới đây, chuỗi này cũng vừa mới khai trương một cửa hàng thứ 6 với phiên bản hoàn toàn mới, tối ưu để có thể phù hợp hơn với thị trường địa phương. Đây sẽ là bước đi mở màn, từng bước hoàn thành mục tiêu 30 cửa hàng EraBlue được khai trương và bán hàng ngày trong quý 4 năm nay.
Theo tìm hiểu, thương hiệu Era Blue thuộc liên doanh PT Era Blue Elektronic (thương hiệu Era Blue) cùng MWG hợp tác với đơn vị địa phương là PT Erafone Artha Retailindo (Erafone) - một công ty con của Tập đoàn Erajaya. Thời điểm hiện tại, Erafone đang là nhà bán lẻ sản phẩm công nghệ số một tại Indonesia, chịu trách nhiệm vận hành mạng lưới khoảng 1.200 cửa hàng bán lẻ rộng khắp đất nước này. Nếu so sánh với mạng lưới cửa hàng di động của Thế giới Di Động tại Việt Nam, con số này được cho là khá tương đồng.
Thống kê của Statista cho thấy, doanh thu của thị trường thiết bị điện tử tiêu dùng của Indonesia trong năm 2020 là 21,3 tỷ USD, ghi nhận tốc độ tăng trưởng khoảng 6,3% mỗi năm. Điều đáng nói, MWG trước khi gia nhập thị trường Indonesia cũng đã có được những thành tựu nhất định tại Campuchia. Tuy nhiên, ‘ông lớn’ này đã quyết định tạm dừng tại thị trường này để chú trọng, tập trung cho thị trường Indonesia.
Trước đó, CEO Đoàn Văn Hiểu Em cũng từng chia sẻ về tham vọng của MWG trong việc gia nhập các thị trường khác như Myanmar, Philippines và cả Thái Lan. Tại thị trường Việt Nam, chuỗi Điện Máy Xanh đang chiếm khoảng 48% thị phần điện máy, còn chuỗi cửa hàng di động Thegioididong.com cũng chiếm khoảng 50% thị phần di động.
MWG đánh giá về thị trường Indonesia ra sao?
Chia sẻ thêm về thị trường Indonesia, phía Thế giới Di Động cho biết, thị trường này đang có sự chênh lệch giữa dòng sản phẩm điện thoại và điện máy. Ví dụ như ở Việt Nam, nếu như thị trường nói chung có quy mô 10 tỷ USD thì chiếm đến một nửa sẽ là điện máy, nửa còn lại thuộc về điện thoại. Thế nhưng thị trường ở Indonesia lại khác, điện thoại chiếm đến 80% còn điện máy chỉ chiếm vỏn vẹn 20%.
Đáng chú ý, mảng kinh doanh điện thoại ở Indonesia khá tương đồng với Việt Nam, tuy nhiên thị trường điện máy tại quốc gia này nhỏ hơn nhiều so với Việt Nam. Theo MWG, nguyên nhân được cho là do vấn đề về điện năng, nhưng đến thời điểm hiện tại cũng đã được khắc phục. Bên cạnh đó, dịch vụ điện máy ở Indonesia cũng còn rất kém. Cụ thể, nhà bán hàng chỉ bán sản phẩm, trong khi toàn bộ dịch vụ hậu cần là do chính hãng chịu trách nhiệm, không thuộc về vai trò của nhà bán lẻ. MWG hoàn toàn khác, ‘ông lớn’ này sẽ cung cấp toàn bộ dịch vụ từ bán hàng cho đến lắp đặt, bảo trì sang Indonesia, mang theo mô hình kinh doanh đã hoàn thiện từ Việt Nam sang quốc gia này.
Xét về dịch vụ, việc giao hàng cũng như lắp đặt tại Indonesia hiện nay vẫn chưa thực sự tốt và chưa hiệu quả. Các nhà bán lẻ ở thị trường này chỉ đóng vai trò trưng bày và tư vấn. Mỗi khi có đơn hàng, họ sẽ chuyển về các đối tác nhà những người cung cấp và lắp đặt, dẫn tới tình trạng ùn ứ và chậm trễ. Chính vì thế, MWG khi chuyển sang Indonesia cho biết, doanh nghiệp đã mang theo cả dịch vụ từng thành công ở Việt Nam sang thị trường này, đẩy mạnh tốc độ lắp đặt và giao hàng. Điều này trở thành lợi thế, đồng thời cũng là sự khác biệt của MWG tại Indonesia.
Ngoài ra, đối thủ cạnh tranh ở Indonesia thời điểm hiện tại cũng không có nhiều. CEO Đoàn Văn Hiểu Em phân tích, 2 nhà bán lẻ lớn nhất ở quốc gia này cộng lại cũng chỉ hơn 100 cửa hàng, chủ yếu năm trong các trung tâm thương mại. Trong khi đó, MWG chủ yếu mở các cửa hàng EraBlue trên các tuyến đường, bởi văn hóa nơi đây cũng khá tương đồng với Việt Nam.
Với những bước tiến xa hơn, Thế giới Di Động cho biết, doanh nghiệp này sẽ nỗ lực hoàn thiện mô hình. Trong 5 năm tới, MWG sẽ mở 500 cửa hàng, thậm chí còn lên kế hoạch IPO cho Era Blue tại Indonesia.