Mua vàng từ đầu tháng 8 đến nay nhà đầu tư lỗ hơn 3 triệu đồng mỗi lượng
BÀI LIÊN QUAN
Giá vàng hôm nay 17/9: Phiên cuối tuần, vàng trong nước và thế giới đồng loạt bật tăngGiá vàng hôm nay 16/9: Vàng SJC giảm 250 nghìn đồng mỗi lượng nhưng vẫn đắt hơn thế giới gần 19 triệu đồngGiá vàng hôm nay 15/9: Chịu áp lực bán mạnh mẽ, giá vàng tiếp đà trượt dốcLỗ hơn 3 triệu đồng mỗi lượng sau 1 tháng mua vàng
Theo Zing, trong bối cảnh giá vàng thế giới giảm thủng mốc 1.700 USD/ounce, rơi về vùng thấp nhất kể từ tháng 4/2020, diễn biến thị trường vàng trong nước cũng ghi nhận xu hướng tiêu cực, đặc biệt đối với mặt hàng vàng nhẫn.
Trường hợp của vợ chồng anh Quốc Vương (28 tuổi, Hà Nội) là một ví vụ, được biết vào đầu tháng 8, vợ chồng anh đã dành hơn 200 triệu đồng tiền tiết kiệm để mua 4 lượng vàng nhẫn tại Bảo Tín Minh Châu với giá 53,31 triệu đồng/lượng.
Đến nay, sau hơn 1 tháng, giá vàng nhẫn tại doanh nghiệp này đã giảm về mức 51,03 triệu đồng mỗi lượng, thấp hơn 2,28 triệu đồng so với thời điểm vợ chồng anh Vương mua vào. Thậm chí nếu tính theo giá bán lại cho Bảo Tín Minh Châu (hiện ở mức 50,28 triệu/lượng), khoản đầu tư của hai vợ chồng này còn lỗ hơn 3 triệu đồng trên mỗi lượng vàng.
Anh Vương chia sẻ, ngay từ đầu đã xác định không mua vàng miếng vì chênh lệch giữa giá mua - bán trong nước so với thế giới là quá cao. Thế nhưng anh không ngờ mặt hàng vàng nhẫn cũng chịu biến động mạnh chỉ trong thời gian ngắn như vậy.
Trên thực tế, không chỉ riêng anh Vương là người duy nhất chịu thua lỗ khi đầu tư vàng vào cách đây khoảng một tháng, việc giá vàng trong nước sụt giảm mạnh gần đây đã khiến hầu hết người mua vàng từ thời điểm tháng 8/2020 đến nay đều chịu thua lỗ.
Giá vàng tại các doanh nghiệp kinh doanh vàng đều giảm mạnh trong hơn 1 tháng qua
Trong phiên giao dịch đang diễn ra, giá vàng thế giới giao dịch chủ yếu ở dưới vùng 1.660 USD/ounce, giảm 0,3% so với phiên trước đó đồng thời thấp hơn 3,4% so với tuần gần nhất. Nếu tính từ đỉnh gần nhất ghi nhận vào đầu tháng 3 năm nay là 2.050 USD, thì giá vàng thế giới giao ngay đã giảm liên tục gần 20%.
Việc đánh mất mốc hỗ trợ quan trọng 1.700 USD cũng khiến thị trường kim loại quý trên thế giới giảm về vùng thấp nhất kể từ tháng 4/2020 đến nay.
Có thể thấy, diễn biến tiêu cực này đã tác động mạnh đến thị trường vàng trong nước thời gian gần đây, đặc biệt là với vàng nhẫn.
Theo đó, Công ty Vàng bạc Đá quý SJC hiện niêm yết giá vàng miếng ở mức 65,75 - 66,55 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 200 nghìn đồng so với cuối phiên giao dịch hôm qua (15/9). Trong khi đó, giá vàng nhẫn 99,99 tại doanh nghiệp này giảm tới 400 nghìn đồng, giá mua vào hiện ở mức 50,15 triệu/lượng và bán ra ở 51,05 triệu đồng.
Tính trong 1 tuần gần nhất, trong khi giá vàng miếng SJC giảm 450 nghìn đồng mỗi lượng thì giá vàng nhẫn tại đây mất tới 1 triệu đồng. Còn nếu tính từ đầu tháng 8, lần lượt mức giảm của hai mặt hàng vàng tại SJC là 1,25 triệu và 2,3 triệu đồng/lượng.
Quan sát trên biểu đồ giá vàng ngày, giá giao dịch hiện tại của vàng miếng SJC đang nằm ở vùng thấp nhất kể từ tháng 8, trong khi đó giá vàng nhẫn 99,99 đã ở vùng thấp nhất từ tháng 8/2020.
Với mức chênh lệch giá mua vào - bán ra ở mức 900 nghìn đồng mỗi lượng, toàn bộ người mua vàng nhẫn SJC kể từ tháng 8/2020 đến nay đều đang chịu khoản thua lỗ trên 1 triệu đồng/lượng.
Diễn biến tương tự tại Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ). Cụ thể, PNJ hiện niêm yết giá vàng miếng ở mức 65,7 - 66,5 triệu/lượng (mua vào - bán ra), thấp hơn 250 nghìn đồng so với cuối ngày qua cũng như giảm nửa triệu đồng so với cuối tuần trước. Còn tính từ đầu tháng 8, giá vàng miếng do doanh nghiệp này bán ra đã giảm 1,5 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn do PNJ chế tác đầu tháng 8 vẫn được giao dịch ở mức 52,4 - 53,5 triệu/lượng (mua vào - bán ra), nhưng đến nay đã giảm về 50,2 triệu/lượng (mua vào) và 51,2 triệu/lượng (bán ra).
Tại những doanh nghiệp vàng lớn khác như Công ty Bảo Tín Minh Châu; Tập đoàn DOJI; Tập đoàn Phú Quý; Vàng Mi Hồng… giá 2 mặt hàng vàng nhẫn và vàng miếng đều đã ghi nhận mức sụt giảm mạnh trong hơn 1 tháng qua.
Trong đó, mức giảm phổ biến của vàng miếng là vào khoảng 1,3 triệu đồng mỗi lượng, trong khi mức giảm của vàng nhẫn lên tới 2,5 triệu đồng, tùy doanh nghiệp.
Nếu cộng thêm cả chênh lệch giá mua - bán mà các công ty đưa ra, toàn bộ nhà đầu tư vàng nhẫn trong nước từ đầu tháng 8 đến nay đều đang chịu khoản lỗ trên 3 triệu đồng mỗi lượng.
Trước tâm lý lo lắng tình trạng kinh tế toàn cầu hiện tại có thể giảm nhu cầu thương mại và tiêu dùng với hàng hóa thô, bao gồm cả kim loại, giá kim loại quý đã liên tục ghi nhận các phiên điều chỉnh.
Việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng bất chấp kỳ vọng hạ nhiệt đã khiến khẩu vị rủi ro của thị trường giảm mạnh. Nhiều nhà đầu tư càng thêm tự tin rằng ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ trong thời gian tới nhằm cải thiện lạm phát.
Giới đầu tư hiện đang dồn sự chú ý vào cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) vào tuần tới. Tại đây, nhiều khả năng FED sẽ tăng lãi suất thêm 0,75 điểm %.
Chính sách khó khăn sẽ làm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại. Trong khi đó, các nhà đầu cơ vàng cho rằng tâm lý e ngại rủi ro trên thị trường khó có thể chuyển thành nhu cầu trú ẩn an toàn.
Trên kênh hợp đồng tương lai, giá vàng kỳ hạn tháng 10 hiện đang chạm mức thấp nhất trong gần 2,5 năm. Phe bán đang có nhiều lợi thế kỹ thuật và hoạt động năng nổ hơn.
Trong khi phe mua cố gắng đẩy giá lên trên mức kháng cự cứng 1.700 USD/ounce thì ngược lại mục tiêu của phe bán là kéo giá xuống hỗ trợ cứng 1.600 USD/ounce.