Lưu trú là gì? Thủ tục thông báo lưu trú cần lưu ý gì?
BÀI LIÊN QUAN
Dự án nhóm B là gì? Tiêu chí để phân loại dự án đầu tư nhóm B Sổ hoàn công là gì? Các thủ tục, hồ sơ có liên quan đến việc cấp sổ hoàn côngHoàn công là gì? Tìm hiểu về hoàn công công trình xây dựng1. Lưu trú là gì?
Theo Khoản 1 Điều 31 Luật cư trú 2016 có quy định như sau:
“1. Lưu trú là việc công dân ở lại trong một thời gian nhất định tại địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn ngoài nơi cư trú của mình và không thuộc trường hợp phải đăng ký tạm trú.”
Theo đó, Lưu trú là việc công dân đến và ở lại tại địa điểm thuộc xã, phường hay thị trấn trong một khoảng thời gian nhất định, ngoài nơi mà mình có hộ khẩu thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú.
Lưu trú phải không thuộc những trường hợp phải đăng ký tạm trú, tức là người này không thực hiện sinh sống thường xuyên tại địa điểm đó, mà chỉ vì một số lý do như công việc, du lịch hay thăm bệnh,v.v… có tính chất tạm thời mới phải thực hiện thông báo lưu trú đến cơ quan có thẩm quyền tại địa phương.
Các trường hợp theo quy định cần phải thông báo lưu trú nhưng không thực hiện thông báo lưu trú đến cơ quan có thẩm quyền có thể sẽ bị kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật.
2. Khi nào phải thực hiện thông báo lưu trú?
Theo quy định trên thì việc thông báo lưu trú được thực hiện khi công dân ở lại ở một địa điểm xã, phường, thị trấn ngoài nơi cư trú và không thuộc trường hợp phải đăng ký tạm trú trong một thời gian, kế hoạch xác định rõ ngày đến và ngày đi thì cần thực hiện việc thông báo lưu trú theo quy định pháp luật.
Việc thông báo lưu trú cần được thực hiện trước 23 giờ, nếu người đến lưu trú sau 23 giờ thì sẽ thông báo lưu trú vào sáng ngày hôm sau; với trường hợp ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, anh, chị, em ruột đến lưu trú nhiều lần thì chỉ phải thông báo lưu trú một lần.
3. Thủ tục lưu trú và tiếp nhận lưu trú tại Công an cấp xã
Theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Thông tư 35/2014/TT-BCA thì người đến lưu trú có trách nhiệm xuất trình với người có trách nhiệm thông báo lưu trú một trong các loại giấy tờ sau đây:
- Chứng minh nhân dân/căn cước công dân;
- Hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng;
- Giấy tờ tùy thân khác có dán ảnh có giá trị thay thế;
- Giấy tờ do cơ quan, tổ chức, UBND xã, phường, thị trấn cấp;
Đối với người dưới 14 tuổi đến lưu trú thì không cần phải xuất trình các giấy tờ trên nhưng phải cung cấp thông tin về nhân thân của người dưới 14 tuổi;
Nơi tiếp nhận thông báo lưu trú là trụ sở của Công an xã, phường, thị trấn hoặc địa điểm khác tùy thuộc vào điều kiện thực tế tại địa phương.
Người có trách nhiệm thông báo lưu trú có thể thực hiện việc thông báo lưu trú trực tiếp tại hoặc bằng điện thoại/qua mạng internet/mạng máy tính với Công an xã, phường, thị trấn. Công an xã, phường, thị trấn có trách nhiệm thông báo địa điểm, địa chỉ mạng internet, địa chỉ mạng máy tính, số điện thoại nơi tiếp nhận việc thông báo lưu trú và hướng dẫn cách thông báo lưu trú.
Thời gian lưu trú tùy thuộc vào nhu cầu của công dân. Với trường hợp ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, anh, chị, em ruột đến lưu trú nhiều lần thì chỉ cần thông báo lưu trú một lần.
Người tiếp nhận thông báo lưu trú cần phải ghi vào sổ tiếp nhận lưu trú và không cấp giấy tờ chứng nhận lưu trú cho công dân.
Trong quá trình lưu trú, Công an xã, phường, thị trấn có thể tiến hành kiểm tra, quản lý cư trú của địa phương, theo định kỳ, đột xuất, hoặc theo yêu cầu. Với các trường hợp phát hiện không thực hiện thông báo cư trú thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của phạm pháp luật về cư trú.
4. Một số điểm lưu ý về thông báo lưu trú:
- Trách nhiệm thông báo lưu trú không phải của người đến lưu trú, mà là của gia đình, nhà ở tập thể, cơ sở chữa bệnh, khách sạn, nhà nghỉ hay cơ sở lưu trú khác khi có người đến lưu trú.
Ví dụ như: Khách sạn phải báo cáo với công an phường, xã về số khách lưu trú trước 23 giờ trong ngày.
- Để tạo thuận lợi và nhằm giảm bớt phiền hà cho công dân, ngoài những người là cha, me, vợ, chồng, con thì khoản 3 Điều 31 Luật Cư trú còn bổ sung những đối tượng ông, bà, cháu và anh, chị, em ruột nếu đến lưu trú nhiều lần thì chỉ cần thông báo lưu trú một lần.
- Về phương pháp thông báo lưu trú: người đến lưu trú hoặc gia đình, nhà ở tập thể, cơ sở chữa bệnh, khách sạn hay nhà nghỉ… có thể trực tiếp đến các cơ sở tiếp nhận thông báo lưu trú gọi hoặc điện thoại đến các địa điểm này để thông báo lưu trú.
5. Phân biệt Lưu trú với thường trú, tạm trú
Căn cứ Luật Cư trú năm 2020, Thông tư 55/2021/TT-BCA, giữa thường trú, tạm trú và lưu trú có những điểm khác biệt sau:
Thường trú
Thường trú là nơi mà công dân sinh sống ổn định, lâu dài và đã được đăng ký thường trú; thời gian sinh sống là ổn định lâu dài.
Điều kiện đăng ký là công dân đã có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình; trường hợp đặc biệt công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình theo quy định tại điều 20 Luật Cư trú 2020.
Thủ tục đăng ký: Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình đang cư trú theo quy định tại Điều 22 Luật Cư trú 2020.
Tạm trú
Là nơi công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã đăng ký tạm trú; thời gian sinh sống từ 30 ngày đến 2 năm (và có thể tiếp tục gia hạn nhiều lần).
Điều kiện đăng ký là công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã, phường nơi đã đăng ký thường trú để học tập, lao động hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì cần phải thực hiện đăng ký tạm trú.
Thủ tục đăng ký tạm trú: Người đăng ký tạm trú nộp hồ sơ đăng ký tạm trú tại cơ quan đăng ký cư trú nơi mình dự kiến tạm trú theo quy định của khoản 2 điều 28 Luật Cư trú 2020.
Lưu trú
Là việc công dân ở lại một địa điểm không phải nơi thường trú hay nơi tạm trú trong thời gian ít hơn 30 ngày.
Điều kiện đăng ký là khi có người đến lưu trú, thành viên hộ gia đình, người đại diện cơ sở chữa bệnh, cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở khác có chức năng lưu trú phải có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với cơ quan đăng ký cư trú. Trường hợp đối với người đến lưu trú tại chỗ ở của cá nhân, hộ gia đình mà cá nhân, thành viên hộ gia đình không có mặt tại chỗ ở đó thì người đến lưu trú phải có trách nhiệm thông báo việc, lưu trú với cơ quan đăng ký cư trú.
Thủ tục đăng ký: Việc thông báo lưu trú được thực hiện theo một trong những hình thức sau đây:
- Trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú hoặc địa điểm tiếp nhận thông báo lưu trú do cơ quan đăng ký cư trú đã quy định.
- Thông qua số điện thoại/hộp thư điện tử do cơ quan đăng ký cư trú thông báo hoặc niêm yết.
- Thông qua trang thông tin điện tử của cơ quan đăng ký cư trú/Cổng dịch vụ công quốc gia/Cổng dịch vụ công quản lý cư trú/Cổng dịch vụ công Bộ Công an.
- Thông qua ứng dụng của thiết bị điện tử.
Lời kết
Tóm lại, công dân được quyền lựa chọn nơi lưu trú của mình, tuy nhiên để dễ dàng cho việc quản lý dân cư, cần phải đáp ứng tuân thủ quy định của pháp luật về khai báo lưu trú tới cơ quan Công an cấp xã/phường nơi lưu trú.
Trên đây là toàn bộ bài viết về vấn đề lưu trú là gì và các vấn đề liên quan tới thủ tục khai báo lưu trú. Hy vọng bạn có thể hiểu hơn về vấn đề này.