Hoàn công là gì? Tìm hiểu về hoàn công công trình xây dựng
Hoàn công là gì?
Có nhiều cách để diễn đạt và định nghĩa cho hoàn công là gì? Như hoàn công mạch điện hay chế tạo máy,… Tuy nhiên bài viết này định nghĩa hoàn công là gì theo công trình xây dựng. Đây là một trong những thủ tục hành chính quan trọng trong xây dựng nhà cửa, khi hoàn thành các công trình đó. Quy trình này sẽ được các bên đầu tư, thi công xác nhận đã hoàn thành và có nghiệm thu công trình đó hay không.
Hoàn công hay hoàn công xây dựng hay là hoàn thành công trình là một thủ tục hành chính trong hoạt động xây dựng của công trình nhà cửa nhằm xác nhận sự kiện các bên đầu tư và thi công đã hoàn thành công trình xây dựng sau khi được cấp giấy phép xây dựng và thực hiện xong việc thi công có nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng.
Hoàn công còn có ý nghĩa là điều kiện để được cấp đổi lại sổ hồng trong đó thể hiện những thay đổi về hiện trạng nhà đất sau khi đã thi công. Ngôi nhà khi xây dựng xong phải hoàn thiện thủ tục này trước khi làm thủ tục xin cấp sổ.
Đây là bước cuối sau khi xây dựng và hoàn thiện công trình xây dựng nhà cửa. Nó mang ý nghĩa pháp lý và có quy định rõ ràng trong Luật xây dựng năm 2014 được ban hành. Để hiểu rõ hơn về hoàn công là gì bạn đọc có thể tham khảo thêm nội dung dưới đây.
Vì sao cần phải hoàn công?
Thực tế hiện nay, việc đăng ký thủ tục hoàn công vẫn còn nhiều bất cập nhưng không hoàn toàn khó khăn như nhiều người vẫn nghĩ. Việc bỏ ngang thủ tục hoàn công hay không làm thủ tục hoàn công đều có thể dẫn đến rắc rối, phiền hà cho chủ nhà về sau. Sau đây là một số lý do bạn nên hoàn công sớm cho nhà ở hay công trình xây dựng quan trọng trên đất của mình.
- Hoàn thành thủ tục hoàn công chủ nhà sẽ được cấp Quyền sở hữu nhà ở hay Công trình.
- Hoàn công giúp công nhận tài sản gắn liền với đất, thuận tiện hơn cho việc định giá tài sản sau này. Nếu bạn muốn vay vốn ngân hàng thì giá trị cao hơn.
- Nếu không hoàn công bạn sẽ gặp thiệt hại khi Nhà nước quy hoạch hay giải tỏa. Khi đó, Nhà nước sẽ không đền bù giá trị căn nhà cho bạn.
- Khi hoàn công, ta sẽ có bản vẽ hoàn công, đây là bản vẽ đúng với hiện trạng thực tế nhất. Vì thế, công việc sửa chữa bảo dưỡng nhà sau này cũng sẽ trở nên dễ dàng.
- Hoàn thành thủ tục hoàn công, việc đăng ký kinh doanh hay làm sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đều sẽ dễ dàng hơn.
- Nếu bạn không làm hoàn công thì khi bán nhà không được giá cao, hoặc căn nhà khó bán do người mua ngại khó trong khâu thủ tục pháp lý.
Mặt khác, nếu để lâu không hoàn công thì về sau chủ nhà muốn làm thủ tục cũng sẽ gây không ít trở ngại và khó khăn cho chủ nhà bởi thủ tục hoàn công đòi hỏi có các giấy tờ về hợp đồng xây dựng với nhà thầu.
Trường hợp nào cần hoàn công?
Theo quy định của Luật xây dựng 2014 do Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã ban hành và Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 06 năm 2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Theo các quy định này, nếu xây dựng công trình tại đô thị thì mọi trường hợp đều phải thông qua thủ tục cấp phép xây dựng. Còn đối với xây dựng nhà ở tại nông thôn thì phải là nhà ở riêng lẻ được xây dựng trong khu bảo tồn hay khu di tích lịch sử – văn hóa thì mới cần xin cấp phép xây dựng.
Tương tự như vậy, việc hoàn công xây dựng được đặt ra đối với mọi trường hợp xây dựng nhà ở phải cấp phép xây dựng nêu ở trên, loại trừ các trường hợp xây nhà ở riêng lẻ tại nông thôn không cần xin giấy phép thì không cần phải tiến hành thủ tục hoàn công.
Quy trình, thủ tục hoàn công
Khi quan tâm hoàn công là gì, chắc chắn bạn sẽ băn khoăn hoàn công có quy trình và thủ tục như nào, có rườm rà, rắc rối hay không? Nếu vậy, bạn nên dành thêm thời gian tìm hiểu và nắm rõ các thông tin liên quan cụ thể như sau:
Hồ sơ giấy tờ cần chuẩn bị cho thủ tục hoàn công
Theo Thông tư 05/2015/TT-BXD quy định pháp luật, để hoàn công xây dựng bạn cần chuẩn bị các giấy tờ và hồ sơ cụ thể như sau:
- Giấy phép xây dựng: Là giấy tờ quan trọng, xác nhận cho phép thực hiện việc xây dựng công trình, nhà cửa,… trong phạm vi được cấp phép đối với mỗi cá nhân hay tổ chức.
- Hợp đồng xây dựng ký kết giữa các bên (nếu có): Chủ sở hữu, chủ đầu tư, đơn vị thiết kế, giám sát và thi công. Hợp đồng này thể hiện rõ sự thỏa thuận giữa các bên về quyền và nghĩa vụ của mình trong dự án của công trình xây dựng đó. Nó được soạn thảo ra giấy làm nhiều bản và được ký kết, lưu giữ lại.
- Tiếp theo là Báo cáo kết quả khảo sát xây dựng (Có form sẵn, chỉ cần điền đầy đủ, chính xác các thông tin vào).
- Báo cáo về kết quả thẩm tra và văn bản thẩm định bản vẽ thiết kế xây dựng công trình.
- Bản vẽ hoàn công của công trình xây dựng: Chỉ áp dụng khi thi công công trình có sai hoặc khác so với bản vẽ thiết kế ban đầu của công trình.
- Giấy tờ, hồ sơ xác nhận về an toàn PCCC và vận hành thang máy của các đơn vị, cơ quan Nhà nước đối với công trình xây dựng (nếu có).
Ngoài ra, trong quá trình xin hoàn công cũng có thể sẽ phát sinh thêm một số giấy tờ khác có liên quan. Bạn sẽ được các cán bộ tại các cơ quan có liên quan tư vấn thêm để hoàn thiện thủ tục.
Đơn vị tham gia nghiệm thu và trách nhiệm các bên
Các đơn vị tham gia nghiệm thu, xác nhận hoàn thiện công trình xây dựng nhà cửa bao gồm:
Chủ đầu tư: Là cá nhân, tổ chức có trách nhiệm tổ chức việc nghiệm thu cũng như cùng chịu trách nhiệm về chất lượng của công trình xây dựng, đảm bảo việc ký kết trong biên bản, và giấy tờ nghiệm thu. Hoặc trực tiếp liên hệ với bên tư vấn thiết kế làm lại bản vẽ khi công trình đó có sự thay đổi so với cấp phép ban đầu.
Đơn vị thi công: Là đơn vị trực tiếp thi công xây dựng và hoàn thiện từng giai đoạn xây dựng công trình. Bao gồm: từ khi bắt đầu làm nền móng đến khi xây dựng hoàn thiện, thu dọn công trường, lập bản vẽ và các giấy tờ, chứng từ liên quan đến nghiệm thu và bàn giao công trình. Chịu trách nhiệm về chất lượng công trình đồng thời tham gia ký kết nghiệm thu hoàn công, thực hiện đủ các nghĩa vụ như hợp đồng xây dựng đã lập.
Đơn vị tư vấn, giám sát xây dựng (nếu có): Đây là đơn vị có trách nhiệm chính trong việc tư vấn, kiểm tra và giám sát thường xuyên trong suốt quá trình thi công, nghiệm thu, bàn giao. Đảm bảo chất lượng và tiến độ thi công của công trình theo bản vẽ thiết kế và theo hợp đồng xây dựng giữa các bên. Và đơn vị này cũng tham gia vào việc kiểm tra và ký xác nhận bản vẽ hoàn công công trình xây dựng.
Đơn vị thiết kế công trình: Là đơn vị tham gia nghiệm thu công trình theo yêu cầu của chủ đầu tư. Ngoài ra, ngoài bản vẽ thiết kế trước đó, đơn vị thiết kế phải lập lại bản vẽ theo đúng công trình thực tế, trong trường hợp có thay đổi về công trình xây dựng so với giấy phép ban đầu.
Cơ quan có thẩm quyền xử lý hồ sơ hoàn công
Trong khái niệm hoàn công là gì, có nêu rõ nó là thủ tục hành chính vì vậy việc xử lý chắc chắn phải có sự tham gia của các cơ quan hành chính Nhà nước. Tuy nhiên, để giúp bạn tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc mà công việc được thuận lợi, hiệu quả, bạn cần nắm các thông tin sau:
- Ủy ban nhân dân quận, huyện và thị xã: Áp dụng với công trình nhà ở riêng lẻ của công dân và các công trình xây dựng khác đóng trên địa bàn thuộc quận, huyện, thị xã đó.
- Ủy ban nhân dân cấp xã: Áp dụng đối với nhà ở riêng lẻ ở nông thôn vùng có quy hoạch xây dựng thuộc địa giới cấp xã.
- Sở xây dựng: Áp dụng đối với những công trình xây dựng đặc biệt, cấp 1, thuộc tôn giáo, di tích lịch sử – văn hóa, đền chùa, đình miếu, các công trình trên tuyến đường hay trục đường giao thông lớn.
Quy trình hoàn công công trình nhà ở
Theo quy định mới nhất, quy trình hoàn công công trình xây dựng nhà ở đã được đơn giản và nhanh chóng hơn với 3 bước chính sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ hoàn công công trình tại Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện, thị xã hoặc cấp xã tại nơi công trình đang xây dựng, hoặc nộp tại sở xây dựng tùy vào từng trường hợp để áp dụng (theo mục Cơ quan có thẩm quyền xử lý hồ sơ hoàn công đã nêu trên).
Bước 2: Sau khi nhận hồ sơ, Ủy ban nhân dân có thẩm quyền sẽ tiến hành thụ lý, kiểm tra và xem xét các giấy tờ, hồ sơ cũng như chứng từ liên quan có đủ và hợp lệ không? Cùng với đó là tiến hành đối chứng với thực tế hiện trạng công trình xây dựng.
Bước 3: Sau khi đã kiểm tra, xem xét, Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện, thị xã, hoặc cấp xã, Sở xây dựng xác nhận, ký kết văn bản quyết định và thông báo lại cho bên yêu cầu hoàn công.
Lời kết
Bài viết trên đã cung cấp những thông tin cần thiết liên quan đến hoàn công là gì và thủ tục hoàn công. Hy vọng tất cả những thông tin mà chúng tôi chia sẻ hữu ích với quý bạn đọc.