Làn sóng cắt giảm nhân sự của các công ty công nghệ tác động ra sao đến phân khúc cho thuê văn phòng?
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường khó khăn, nhiều chủ sàn môi giới bất động sản buộc phải bán tài sản cá nhân để duy trì văn phòngNhững năm gần đây được xem là giai đoạn bùng nổ của các công ty công nghệ với nguồn nhân lực dồi dào và nhu cầu thuê văn phòng mạnh mẽ. Nghiên cứu của Savills cho thấy để thích nghi với xu hướng này, thị trường văn phòng trên toàn cầu cũng đang có sự thay đổi mạnh mẽ để thích nghi với các yêu cầu của nhóm khách hàng tiềm năng này.
Bất chấp những xu hướng cắt giảm nhân sự ở một số công ty lớn trong thời gian qua, thống kê của Bộ phận Nghiên cứu Savills World cho thấy lượng nhân sự trung bình của các công ty công nghệ lớn vẫn tăng 66% so với mức trước đại dịch. Đơn cử, tổng số nhân viên của Amazon đã tăng từ 800.000 người trước đại dịch lên mức cao nhất là 1,6 triệu người vào đầu năm 2022, trước khi giảm xuống còn 1,5 triệu người hiện nay.
Tương tự như thị trường lao động nói chung, nguồn nhân sự ngành CNTT vẫn còn khá hạn chế. Tại Mỹ, lượng vị trí tuyển dụng mới cao hơn nhiều so với số nhân viên bị cắt giảm, với nhu cầu tuyển dụng nhân sự về công nghệ trong bối cảnh hầu hết các doanh nghiệp ở tất cả các lĩnh vực đều đang tập trung vào phát triển. Điều đó cho thấy nhu cầu thuê văn phòng làm việc của các doanh nghiệp công nghệ còn rất lớn và là động lực thúc đẩy thị trường văn phòng toàn cầu.
Sau đại dịch Hybrid working vẫn được ưa chuộng
Trong thời kỳ đại dịch, các công ty công nghệ đã coi phương thức làm việc kết hợp Hybrid working như một phương pháp duy trì năng suất đồng thời tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội. Giải pháp tạm thời này thực tế lại có tính ứng dụng cao trong cả giai đoạn hậu Covid-19. Với mô hình Hybrid working, văn phòng đóng vai trò trung tâm và vẫn rất quan trọng đối với hoạt động của nhiều công ty công nghệ.
Hybrid working được áp dụng hiệu quả tỷ lệ sử dụng văn phòng (số người làm việc tại văn phòng) ở dưới mức trung bình trước đại dịch. Khảo sát tại hơn 35 thành phố công nghệ thuộc danh sách Tech Cities của Savills, tỷ lệ sử dụng văn phòng trung bình ở nhiều khu vực khác nhau chỉ đạt hơn 60%. Các thị trường Châu Á - Thái Bình Dương có tỷ lệ sử dụng trung bình là 77%, trong khi các khu vực như Châu Âu, Trung Đông, Châu Phi và Châu Mỹ dao động quanh mốc 50%.
Theo đánh giá của bà Lại Thị Như Quỳnh, Quản lý Cấp cao Dịch vụ Cho thuê Văn phòng Savills TP.HCM, không chỉ ở thị trường quốc tế, mô hình Hybrid working đang được các doanh nghiệp tại Việt Nam áp dụng ngày càng rộng rãi nhờ nhiều lợi ích như tăng năng suất làm việc, tiết kiệm chi phí thuê văn phòng, tăng sự hài lòng của nhân viên, tăng sự hấp dẫn của doanh nghiệp.
“Mô hình này đặc biệt phù hợp với các công ty công nghệ cũng như các doanh nghiệp đang áp dụng công nghệ mạnh mẽ trong quá trình vận hành, quản lý doanh nghiệp. Hiện nay các khách hàng lớn của chúng tôi trong ngành công nghệ như Momo hay chính Savills cũng đang ứng dụng mô hình làm việc Hybrid working cho văn phòng tại Hà Nội và TP.HCM”, chuyên gia Savills cho biết thêm.
Chi phí đóng vai trò quyết định
Sau vấn đề nhân sự, mặt bằng văn phòng là một trong những chi phí tốn kém nhất của doanh nghiệp. Trong bối cảnh kinh tế nhiều thách thức, cùng với việc áp dụng Hybrid working, các doanh nghiệp đang cân nhắc kỹ lưỡng hơn về nhu cầu văn phòng của mình.
Một số công ty đang tập trung vào không gian nhỏ nhưng chất lượng cao hơn và đạt các tiêu chuẩn không gian xanh bền vững. Đơn cử, gã khổng lồ công nghệ Google đang thực hiện kế hoạch chuyển tất cả nhân viên ở London sang làm việc tại một tổ hợp khuôn viên xanh được xây dựng tại Kings Cross vào năm 2024.
Tuy nhiên, nguồn văn phòng đạt chuẩn xanh đang rất khan hiếm ở nhiều thị trường. Ví dụ, ở Los Angeles, 95% nguồn cung của nó được xây dựng từ trước năm 2010 và chỉ 13% nguồn cung đạt chứng nhận xanh; Paris cũng gặp phải tình trạng thừa cung các văn phòng cũ với chưa đến 10% số văn phòng hiện có đạt chuẩn chứng nhận xanh.
Việc tìm kiếm các không gian đạt chuẩn ESG là xu hướng đang lan rộng toàn cầu của khách thuê hiện nay.
Theo đánh giá của bà Quỳnh, các công ty và tổ chức tại Việt Nam hiện nay đang tìm kiếm các văn phòng xanh để đáp ứng các mục tiêu bền vững của mình. Nhiều chủ đầu tư cũng đã nhanh chóng đáp ứng những tiêu chuẩn xanh về xây dựng đối với các dự án văn phòng như tòa Nexus tại quận 1 hay The METT, The Hallmark tại KĐT mới Thủ Thiêm,…. Văn phòng xanh có thể tăng giá trị tài sản của chủ sở hữu bằng cách thu hút khách hàng và thuê văn phòng tốt hơn.
Ngoài ra, chuyên gia của Savills cũng chỉ ra một xu hướng dịch chuyển đến các dự án rìa trung tâm (non-CBD) của khách thuê văn phòng tại TP.HCM.
“Các dự án văn phòng như OfficeHaus tại quận Tân Phú hay tòa nhà UOA, Cobi và CMC Creative Zone ở khu vực quận 7 là những dự án văn phòng chất lượng cao, công nghệ tân tiến với chi phí thuê “dễ chịu” phù hợp với các công ty công nghệ mang phong cách làm việc trẻ trung, hiện đại”, bà Lại Thị Như Quỳnh phân tích.
Với hàng loạt tòa nhà văn phòng ở vị trí ngoài trung tâm đang nhanh chóng hoàn thiện và sẵn sàng đi vào hoạt động, bà nhấn mạnh thị trường văn phòng và khách thuê được dịp chứng kiến ngày thêm nhiều các công trình kiến trúc, hạ tầng tiện ích hiện đại và tân tiến hơn. Ngoài ra, việc sử dụng các vật liệu xây dựng bền vững, thiết kế tối giản và công nghệ không tiếp xúc cũng đang dần phổ biến trong các dự án mới này.