Kinh tế Trung Quốc đối mặt với rủi ro mới
Theo Zingnews, tờ Bloomberg đưa tin về việc doanh số ô tô và nhà ở tại những thành phố lớn tăng lên đã giúp kinh tế Trung Quốc dần hồi phục. Thế nhưng, nhu cầu toàn cầu suy yếu cùng với niềm tin kinh doanh lao dốc nên rủi ro sụt giảm vẫn gia tăng.
Trong quý III, kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu khởi sắc sau khi chững lại vào quý II. Thế nhưng, các đợt bùng phát lẻ tẻ tại những thành phố trên khắp đất nước đã ngăn chặn đà phục hồi. Cùng với đó, nguyên nhân khác là nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường suy giảm.
Xung đột giữa Nga và Ukraine, lạm phát leo thang cùng với việc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất mạnh tay khiến nền kinh tế toàn cầu giảm tốc.
Nhu cầu toàn cầu suy yếu
Trong tháng 9, niềm tin kinh doanh đã lao dốc. Nền kinh tế đối mặt với rủi ro đáng kể vì dịch bệnh và những biện pháp chống dịch. Trong tháng này, các thành phố như Đại liên, Thành Quan và Thành Đô phải phong tỏa 1 phần.
Hiện số ca nhiễm Covid tại Trung Quốc đã giảm xuống dưới 1.000 ca/ ngày, tuy nhiên chiến lược phòng dịch cũng khiến các hoạt động kinh doanh như du lịch và khách sạn chịu tổn thất nặng nề.
Xuất khẩu là động lực quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc kể từ khi đại dịch bùng phát. Tuy nhiên, nhu cầu suy yếu trên toàn cầu đang khiến động lực này bị đe dọa.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã đưa ra tuyên bố rằng so với cách đây ít tháng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại. Nhiều quốc gia trên thế giới có thể rơi vào suy thoái vì các cuộc khủng hoảng năng lượng cũng như lạm phát.
Xuất khẩu của Hàn Quốc - chỉ số quan trọng của thương mại toàn cầu - đã giảm gần 9% trong 20 ngày đầu của tháng 9, giảm gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giảm lớn nhất tính từ tháng 7/2020.
Do nhu cầu suy giảm nên tình trạng gián đoạn nguồn cung toàn cầu cũng sụt giảm phần nào, bởi vậy chi phí vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 2 năm.
Điều đó là một tin tốt đối với Mỹ và các nước khác vì họ vốn đang phải đối mặt với lạm phát tăng phi mã. Thế nhưng, doanh nghiệp Trung Quốc có thể chịu những thiệt hại lớn.
Một số điểm tích cực
Một điểm đáng chú ý là doanh số bán xe. Doanh số ô tô tại Trung Quốc đã đi lên trong 2 tuần đầu tiên của tháng, một phần do giảm thuế đối với xe điện và khoản trợ cấp.
Động lực chính trong đà tăng trưởng của sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ là nhu cầu đối với ô tô. Thế nhưng, theo ông Lu Ting - nhà kinh tế trưởng tại Nomura, tính hiệu quả của các chính sách hỗ trợ đang giảm đi.
Dấu hiệu khả quan khác là cuộc khủng hoảng bất động sản có dấu hiệu lắng xuống. Trong những tuần đầu tiên của tháng 9, doanh số bán nhà tại Thượng Hải, Bắc Kinh, Thâm Quyến và Quảng Châu đã tăng nhẹ, đánh dấu lần tăng đầu tiên sau nhiều tháng.
Như vậy, có thể thấy nỗ lực của chính quyền Trung Quốc đã phát huy tác dụng. Dẫu vậy, việc giá nhà lao dốc và tình trạng nhiều dự án nhà ở đóng băng khiến các thành phố nhỏ vẫn lao đao.
Trong tháng 9, hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực bất động sản đã được cải thiện. Thế nhưng, chuyên gia Craig Botham tại Pantheon Macroeconomic cho biết tình hình vẫn còn rất tồi tệ dù không đến mức “khủng khiếp”.
Ông nói thêm rằng: “Bắc Kinh cần đổ thêm nhiều tiền hơn để giúp lĩnh vực bất động sản cải thiện và vực dậy niềm tin của thị trường”.