Kinh nghiệm về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất tại một số nước
BÀI LIÊN QUAN
Chuyên gia Nguyễn Chí Thanh: Phát triển nhà ở xã hội sẽ là điểm sáng cho thị trường bất động sản trong thời gian tớiMột năm lao đao vì đầu tư vội vãThủ tục đất đai phức tạp gây cản trở nhiều doanh nghiệp bất động sảnNhìn từ kinh nghiệm các nước trên thế giới
Sau hơn 8 năm triển khai, việc thi hành Luật Đất đai 2013 không còn theo kịp với thực tiễn phát triển của thị trường, đặc biệt là khi các mối quan hệ kinh tế - xã hội đã có nhiều thay đổi. Bên cạnh đó, có nhiều chính sách, pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai của Luật Đất đai đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần phải nhanh chóng sửa đổi, bổ sung…
Một trong những nội dung quan trọng của Luật Đất đai như bồi thường thu hồi đất, hỗ trợ tái định cư, giải quyết tranh chấp đất đai,…. còn nhiều nút thắt, gây bức xúc trong nhiều năm qua. Trong đó, việc giải phóng mặt bằng là công việc khá khó khăn liên quan đến nhiều người và thường nảy sinh những vấn đề xã hội phức tạp. Bởi vì, việc bồi thường thu hồi đất đòi hỏi sự kết hợp hài hòa giữa lợi ích Nhà nước, lợi ích chủ đầu tư và người bị thu hồi đất.
Nhìn từ kinh nghiệm bồi thường của Trung Quốc, GS. Hà Tôn Vinh, TGĐ. Công ty Quản lý Stellar cho biết, sự phát triển mạnh mẽ tại Trung Quốc là bởi vì họ thu hồi đất một cách nhanh chóng và làm một cách triệt để. Mỗi khi, họ định lấy đất để xây dựng đường xá hay cao ốc thì việc đầu tiên là họ sẽ đàm phán và thỏa thuận mức tiền đền bù cho người sử dụng đất bị thu hồi. Chính vì vậy, tại Trung Quốc không bao giờ diễn ra sự chống đối hay biểu tình.
“Chẳng hạn, tại Trung Quốc khi quyết định khu vực nào để xây cao ốc thì bên cạnh tiền phí bồi thường trước đó, những người sở hữu nhà hoặc đất tại khu vực bị thu hồi sẽ có quyền được mua cao ốc mới xây dựng này trước và sử dụng trước. Khi ấy, họ vừa có thể mua được với giá hỗ trợ đền bù mua nhà, vừa có thể bán chuyển nhượng sớm để có lời”, ông Vinh cho hay.
Ông cho biết thêm, người dân tại Trung Quốc luôn sẵn sàng đóng góp và đưa đất của mình cho Nhà nước bởi vì họ không chỉ được đền bù ở mức đồng tình thỏa thuận giữa những người sở hữu đất bị thu hồi và Nhà nước, doanh nghiệp mà còn được ưu tiên nhiều quyền lợi khác trước.
Nói về kinh nghiệm đền bù đất đai tại Đài Loan, nhà nghiên cứu Lê Thân cho rằng, câu chuyện đền bù, bồi thường thu hồi đất thật ra rất đơn giản chứ không quá phức tạp như nhiều năm qua tại Việt Nam mà vẫn chưa gỡ được.
“Để xác định mức bồi thường, những người sử dụng đất bị thu hồi sẽ thuê những người có đầy đủ kiến thức, khả năng kiểm định như nhân viên đất đai, luật sư,… làm bên trung gian để giải quyết vấn đề này. Khi ấy người ta sẽ lập ra một Ủy ban có trách nhiệm xác định mức đền bù hợp lý dựa trên việc thẩm định của họ và quyết định mức đền bù để người dân và bên chủ đầu tư phải thực thi theo. Nhà nước sẽ là người đứng ngoài và không có quyền tham dự”, ông Lê Thân nói.
Đồng quan điểm, GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, chuyện bồi thường đất đai tại Việt Nam đã kéo dài nhiều năm qua, hết sức phức tạp mà chưa có lối thoát, thường xuyên diễn ra các cuộc khiếu kiện, chống đối.
“Thực tế hiện nay việc bồi thường cho người dân còn nhiều điểm bất cập bởi nếu bồi thường đủ cho dân thì đương nhiên Nhà nước sẽ lỗ, còn nếu để các chủ đầu tư xuống từng dự án thỏa thuận với người dân thì rất khó đạt được sự đồng thuận 100% và cũng không có nhà đầu tư nào làm vậy cả”, ông Võ nhận định.
Học tập kinh nghiệm từ các nước trên thế giới, ông Võ đưa ra giải pháp: “Để việc bồi thường, đền bù hài hòa lợi ích giữa các bên chúng ta cần có những công ty tư vấn độc lập, không thuộc Nhà nước mà cũng không được bè phái với chủ đầu tư dự án. Công ty tư vấn đó sẽ đứng ra xem xét dự án, lập ra phương án chuyển dịch đất đai và thảo luận với người dân xem ai muốn chuyển đi ai ở lại, bồi thường tài sản ra sao. Hiện nay các nước trên thế giới đều đang áp dụng phương pháp trên”.
Thực tiễn, việc triển khai thực hiện bồi thường còn diễn ra rất phức tạp, đòi hỏi kết hợp hài hòa giữa lợi ích giữa các bên. Do vậy, việc học tập kinh nghiệm triển khai đền bù, bồi thường đất đai của một số nước trên thế giới sẽ giúp Việt Nam có thể tham khảo và áp dụng, đưa ra cách thức riêng, hợp lý với đặc thù thực tế của đất nước.
Hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp
Theo các chuyên gia, từ trước đến nay, Luật Đất đai 2013 có quy định là hài hòa lợi ích giữa người sử dụng đất, Nhà nước, doanh nghiệp. Trên thực tế là việc hài hòa lợi ích giữa ba bên nhưng chỉ có doanh nghiệp mới “bắt tay” được với chính quyền địa phương, còn người dân rất khó tiếp cận được với chính quyền. Trong khi đó, Nhà nước là một trong những đồng thể được hưởng lợi ích nhưng quyền cao hơn và có quyền quyết định. Chính vì thế nên sửa thành “hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp”, còn Nhà nước sẽ đứng ra giữ vai trò làm trọng tài, áp dụng chế tài thực thi.
Từ những dự án bị ngưng trệ do không thống nhất được giá đền bù giải phóng mặt bằng cho thấy vấn đề khó khăn nhất để người dân đồng thuận giao mặt bằng là mức giá bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Hiện nay, giá đền bù và hỗ trợ tại thời điểm xây dựng và thời điểm tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng là khác nhau, có độ chênh lệch. Chính vì vậy, khi triển khai xây dựng, giá đền bù phải phù hợp, sát với giá thị trường để tránh gây thiệt thòi cho người dân.
Theo GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, để giải quyết vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng rất cần có một thiết chế độc lập có thể là những dịch vụ tư như công ty tư vấn hoặc dịch vụ công như một bên thứ ba có quyền lực nhất định thực hiện việc định giá, tư vấn giữa các bên để đạt đến tiếng nói chung. Tất nhiên, vẫn cần có cơ chế của Nhà nước trong việc cưỡng chế ở mức nhất định để việc thực thi giải phóng mặt bằng minh bạch và hài hòa hơn.