Khu vực miền Nam: Cạnh tranh nổ ra trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thuộc Bộ Công Thương đã công bố bản báo cáo: “Báo cáo cạnh tranh trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp tại Việt Nam” - Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ. Dựa trên báo cáo, bất động sản công nghiệp của 3 khu vực miền Bắc - miền Trung - miền Nam được phân tích kỹ lưỡng.
Khu công nghiệp tại các tỉnh miền Bắc chưa tìm được vị trí thống lĩnh
Theo số liệu tổng hợp, khu vực miền Bắc ở thời điểm hiện tại đang quy hoạch khoảng 63.5 nghìn ha đất công nghiệp, 238 khu - cụm công nghiệp được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động. Căn cứ theo các báo cáo và số liệu thị phần, thị trường hiện tại đang tập trung chính tại khu vực phía Đông Bắc Bộ.
Các tỉnh thành có mức độ tập trung cao nhất miền Bắc lần lượt là Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng và thành phố Hà Nội, tổng chiếm hơn 50% tổng thị phần trên thị trường. Theo đó, khu công nghiệp nổi bật nhất với quy mô diện tích đạt 11.3 nghìn ha tại tỉnh Quảng Ninh, tương đương 18% quy mô tại khu vực.
Có thể thấy rằng, ở các tỉnh phía Bắc, thị trường bất động sản công nghiệp tại khu vực trung tâm và các vùng gần và ven biển sẽ được tập trung phát triển. Những vùng này thường được đầu tư, nâng cấp hoàn thiện về cơ sở hạ tầng và các tuyến giao thông. Nhằm tạo thuận lợi cho việc di chuyển và giao thương hàng hóa, vật liệu trong quá trình sản xuất, đáp ứng nhu cầu cao và thu hút được nhiều doanh nghiệp.
Dù được nhận nhiều sự hỗ trợ và đầu tư, tuy nhiên theo những nghiên cứu mới nhất, miền Bắc vẫn chưa phát triển khu công nghiệp nào mang vị trí thống lĩnh với quy mô lớn trên thị trường. Song song với đó, khu vực này đang diễn ra tình trạng cạnh tranh gay gắt của các khu công nghiệp có diện tích tương đồng.
Trong "Báo cáo cạnh tranh trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp tại Việt Nam" đã nêu rõ “Thị trường bất động sản công nghiệp miền Bắc đang có mức độ tập trung rất thấp. Các khu công nghiệp đều có mức thị phần nhỏ. Gần như không có khu công nghiệp nào có mức thị phần nổi trội hay làm tăng mức độ tập trung của thị trường”.
Miền Trung nổi trội với Khu công nghiệp Nghi Sơn
Cũng như khu vực miền Bắc, thị trường miền Trung đang sở hữu khoảng 260 dự án khu công nghiệp với quy mô 62.8 nghìn ha đang được quy hoạch. Ghi nhận từ số liệu thị phần tổng hợp, Khu công nghiệp Nghi Sơn đang dẫn đầu về diện tích trong khu vực với mức thị phần là 14.4% tương đương 9.057 ha. Khu công nghiệp Nghi Sơn có quy mô gấp gần 3 lần so với hai khu công nghiệp liền kề.
Xếp ở vị trí thứ hai là Cụm công nghiệp Sa Huỳnh, chiếm 5.37% thị phần, tương đương quy mô 3.369 ha. Theo sau đó là Khu công nghiệp Wha Hemaraj 1 có tổng diện tích 3.200 ha, tương đương 5.10% thị phần. Thị phần ở các khu vực còn lại không quá cao, chỉ dao động trong khoảng 1% đến 4%.
Tỉnh Thanh Hóa hiện đang có quy mô bất động sản công nghiệp lớn nhất khu vực miền Trung. Nơi đây đang giữ mức thị phần là 19%, tương đương quy mô 12.1 nghìn ha đất quy hoạch. Thống kê cho thấy, 5 tỉnh đang giữ vị trí dẫn đầu là Thanh Hóa, Bình Thuận, Nghệ An, Quảng Nam và Quảng Ngãi, với tổng mức thị phần chiếm hơn 60% toàn khu vực.
Miền Nam là thị trường bất động sản màu mỡ cho các Khu công nghiệp
Các khu công nghiệp lớn nhất đều tập trung tại thị trường miền Nam. Với số lượng khoảng 400 dự án khu công nghiệp đã và đang đưa vào quy hoạch, triển khai, tổng quy mô xác định vào khoảng 109 nghìn ha đất. Tỉnh Bình Dương đang dẫn đầu khi tập trung nhiều diện tích bất động sản công nghiệp trong khu vực. Quy mô thị phần nơi đây lên đến 13%, tương ứng với 14.5 nghìn ha đất công nghiệp.
Bình Dương cũng đang là tỉnh thành đứng thứ 3 về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Khu vực này có tỷ lệ lấp đầy cao nhất cả nước khi đạt mức 99% và mật độ khu công nghiệp rất lớn. Khu vực miền Nam đang có 5 tỉnh thành với mức độ tập trung cao nhất, chiếm hơn 50% tổng thị phần toàn thị trường là Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cà Mau, Đồng Nai và Long An.
Dựa vào chỉ số CR (tổng thị phần của các doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất trên trường), báo cáo chỉ ra rằng khu vực miền Nam đang diễn ra tình trạng cạnh tranh gay gắt trong thị trường bất động sản khu công nghiệp. Khu công nghiệp với quy mô lớn nhất khu vực cũng chưa chiếm tới 10% thị phần; các khu trong top 3 cũng chỉ chiếm khoảng 10% và top 5 chiếm khoảng 20%.
Trên thực tế thị trường bất động sản công nghiệp khu vực miền Nam đang có mức độ tập trung khá thấp. Các khu công nghiệp khu vực này đều sở hữu mức thị phần rất nhỏ. Trong thời gian tới, chưa có khu công nghiệp nào xác định xu hướng làm tăng mức độ tập trung của ngành.
Báo cáo nhận định rằng: “Do vậy, thị trường bất động sản công nghiệp tại miền Nam đang có mức cạnh tranh vô cùng cao, chưa có doanh nghiệp nào chiếm lĩnh thị trường. Thị phần được phân bổ khá đồng đều giữa các khu công nghiệp”.
Như vậy, thị trường bất động sản khu vực miền Nam vẫn là sự lựa chọn ưu tiên cho các khu công nghiệp vừa và nhỏ. Theo đó, số lượng bất động sản công nghiệp càng tăng sẽ gây ra sự bùng nổ cạnh tranh trên thị trường. Theo đó, các khu công nghiệp cũng cần đưa ra định hướng mở rộng và tăng thêm mức độ tập trung ngành công nghiệp.