Không phải P/E hay P/B, nhà đầu tư muốn "sống sót" trên thị trường cần quan tâm đến chỉ số này
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường chứng khoán hôm nay 21/10: Hàng trăm mã nằm sàn, chứng khoán Việt Nam lại giảm mạnh nhất thế giớiGần 75.000 tỷ đồng của nhà đầu tư vẫn “chôn” tại những Công ty chứng khoán trong quý III/2022Tín dụng đổ vào bất động sản tăng nhanh, chứng khoán giảm mạnhThị trường chứng khoán vừa trải qua một tuần giao dịch đầy thất vọng với sắc đỏ bao phủ, hàng trăm mã bị bán với giá sàn. Hàng loạt cổ phiếu "thủng" đáy ngắn hạn vừa xác lập kéo theo hiệu ứng domino bán tháo trên diện rộng được kích hoạt mạnh mẽ.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/10, chỉ số VN-Index giảm gần 39 điểm (-3,65%) qua đó lùi về dưới 1.020 điểm. Đây cũng là mức giảm sâu nhất trong vòng hơn 4 tháng kể từ ngày 13/6. Đồng thời, phiên giảm mạnh cuối tuần cũng đã đưa chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường giảm điểm mạnh nhất thế giới.
Điều khiến các nhà đầu tư thất vọng không chỉ là một phiên giảm điểm gần như xóa sạch thành quả tăng của nhiều tuần trước đó. Mà thị trường diễn biến kiểu "lên thang bộ, xuống thang máy" khiến nhiều nhà đầu tư thua lỗ đậm khi mạnh tay "bắt đáy" cổ phiếu trong các phiên trước đó.
Nguyên nhân nào khiến thị trường giảm mạnh?
Nhận định về đà giảm điểm trong phiên cuối tuần vừa qua, ông Bùi Văn Huy - Giám đốc Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh Chứng khoán DSC chỉ ra hai nguyên nhân chính như sau:
Thứ nhất, về diễn biến trên thị trường thế giới, mặc dù thị trường chứng khoán diễn biến không quá tệ, tuy nhiên lợi suất trái phiếu liên tục phá đỉnh trước kỳ họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đầu tháng 11. Thị trường trái phiếu thường dẫn dắt thị trường cổ phiếu, theo đó nhiều quan điểm bày tỏ lo ngại thị trường sẽ diễn biến xấu quanh kỳ họp của Fed như nhiều lần khác trong năm nay.
Thứ hai, về diễn biến thị trường trong nước, bức tranh kinh tế vĩ mô xấu đi cùng với áp lực tăng lãi suất và tỷ giá đang rất căng thẳng. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là tâm lý thị trường đang rất hoang mang trước những tin đồn. Sau những vụ việc xử lý sai phạm thời gian gần đây, tin đồn ngày càng xuất hiện nhiều với tâm lý "không ai là không thể đụng đến", điều này đã kích hoạt tâm lý hoảng loạn của các nhà đầu tư.
Bối cảnh trước mắt vẫn còn nhiều gam màu tối, nhưng để có thể đánh giá thị trường trong ngắn hạn cần nhìn vào phía cung cầu.
Về phía cung, các chuyên gia cho rằng áp lực margin đã vơi đi rất nhiều, hiện tại nhà đầu tư nếu đã lỗ nhiều cũng không muốn tiếp tục bán cổ phiếu nếu không có sự đổ vỡ nào xảy ra cũng như việc luân chuyển kênh đầu tư đã được thực hiện trước đó, qua giai đoạn cao điểm. Hiện tại nếu bán thì phần nhiều là do hoảng loạn trước những tin đồn nhiễu loạn.
Về phía cầu, vị chuyên gia tới từ DSC nhận thấy có cầu bắt đáy chất lượng, sẵn sàng giữ dài hạn ở vùng giá quang 1.000 điểm. Nhiều doanh nghiệp có nguồn tài chính tốt cũng đã lên phương án mua lại cổ phiếu khi họ hiểu nhất về giá trị doanh nghiệp.
Khi mà tâm lý thị trường chưa được "cởi trói" thì khó có thể dự đoán thị trường bao giờ ngừng đà giảm. Tuy nhiên, nếu nhìn vào cung - cầu thì có thể thấy những cú
"rơi" xuống dưới ngưỡng 1.000 điểm chỉ là những cú phá vỡ giả. Thị trường khả năng vẫn duy trì được trên ngưỡng 1.000 điểm như trong nhịp test đầu tiên.
P/E hay P/B hiện tại không quan trọng bằng chỉ số này
Xét về định giá thị trường chứng khoán đang ở vùng rất thấp. Cụ thể, P/E trailing của VN-Index hiện đã rơi xuống mức 10,4x, gần tương đương với đáy Covid hồi cuối tháng 3/2020. Mặc dù thời điểm Covid tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp dự báo ở mức rất xấu, còn hiện tại bức tranh lợi nhuận vẫn duy trì tích cực.
Dù vậy, với bối cảnh bất ổn hiện tại, vấn đề mà nhà đầu tư quan tâm nhất không phải chuyện đắt hay rẻ mà là có thể tồn tại và "sống sót" trên thị trường được hay không. Mà một trong các yếu tố quyết định đến sự tồn tại cho doanh nghiệp đó là dòng tiền.
Ông Bùi Văn Huy nêu quan điểm, P/E hay P/B hiện tại dường như không quan trọng bằng P/CF (tỷ số giá chia dòng tiền). Trên thực tế các chu kỳ trước đó cho thấy nhiều doanh nghiệp có tài sản lớn, vẫn có lợi nhuận kế toán nhưng cũng đổ vỡ nếu không biết các cân được dòng tiền. Do đó, để có thể tồn tại trong giai đoạn khó khăn này thì P/CF là yếu tố quyết định, còn xét về định giá thì có rất nhiều cổ phiếu rẻ trong thời điểm hiện tại.
Đặc biệt, cũng có nhiều doanh nghiệp hiện có dòng tiền tốt, tiền mặt mặt tốt chọn cách mua lại cổ phiếu của chính họ. Điều này không chỉ giúp hỗ trợ giá cổ phiếu mà còn là một tín hiệu tích cực báo hiệu doanh nghiệp vẫn đang "sống khỏe". Bởi chính doanh nghiệp là người hơn ai hết hiểu rõ định giá cũng như sức khỏe của doanh nghiệp mình.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, bức tranh kinh doanh quý 3 mới công bố hiện nay khá mờ nhạt, mặc dù có nhiều doanh nghiệp vẫn ghi nhận tăng trưởng tốt. Chia sẻ về cách tìm kiếm cơ hội trong thời điểm này, ông Huy đưa ra 3 nguyên tắc lựa chọn cổ phiếu tốt (1) Ưu tiên các mã cổ phiếu có vốn hóa và thanh khoản vừa phải. (2) Ưu tiên những mà thuộc các ngành chịu ít ảnh hưởng của chu kỳ kinh tế và phải mang tính phòng thủ. (3) Ưu tiên những doanh nghiệp có dòng tiền tốt để sống sót qua khủng hoảng hoặc có lượng tiền mặt dự trữ.
Cũng theo chuyên gia, một nhóm ngành được ưu tiên trong giai đoạn này vẫn là các nhóm ngành ít mang yếu tố chu kỳ, thuộc nhóm phòng thủ, ít nhạy với lãi suất và tỷ giá cũng như thường có dòng tiền ổn định.
Một điều nhà đầu tư nên nhớ rằng, ngay cả khi chúng ta không bán cổ phiếu thù chúng ta vẫn đang bị lỗ bởi giá cổ phiếu vẫn giảm. Vậy nên, chiến lược đúng đắn mà các nhà đầu tư nên áp dụng đó là nắm giữ những cổ phiếu tăng giá và bán những cổ phiếu giảm giá.