meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

Khó khăn chồng chất, nhà thầu xây dựng phải gán bất động sản cho thầu phụ

Thứ tư, 15/03/2023-15:03
Trước tình trạng nợ đọng lẫn nhau giữa chủ đầu tư, nhà thầu, thầu phụ trong ngành xây dựng, phương án gán nợ bằng tài sản như bất động sản, thiết bị thi công đang được các bên áp dụng thực hiện.

Bất động sản khó, nhà thầu xây dựng khó theo

Sự khựng lại của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và những khó khăn từ kinh tế vĩ mô đã khiến sự khó khăn của thị trường bất động sản bộc lộ, rơi vào trạng thái gần như đóng băng. Điều này kéo theo sự khó khăn của các nhà thầu xây dựng và vòng xoáy nợ đọng lẫn nhau giữa các doanh nghiệp diễn ra.

Việc các nhà thầu lớn không có nguồn lực thanh toán cho thầu phụ đã gây nhiều khó khăn cho thầu phụ, nhiều thầu phụ phải cầm cố tài sản, vay lãi để duy trì hoạt động. Khi không thể “gồng” tiếp, công nhân đình công, gây áp lực cho việc thi công.

Trao đổi với phóng viên, đại diện một nhà thầu xây dựng lớn cho biết các nhà thầu xây dựng thường phải đầu tư một số lượng lớn vốn lớn vào các dự án xây dựng trước khi có thể thu về lợi nhuận. Những khoản đầu tư này thường bị “khóa két” trong thời gian, nếu thời gian này kéo dài sẽ khiến cho nhà thầu gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ vay, chi phí vận hành và trả lương cho nhân viên.

Ngoài ra, hiện tại vấn đề tắc nghẽn dòng tiền diễn ra nghiêm trọng, dẫn đến các chủ đầu tư không dám mở thêm dự án, công ty thầu xây dựng không có thêm việc mới để gối đầu nên cũng không có khả năng thanh toán cho thầu phụ. Do đó, vừa rồi có tình trạng các nhà thầu phụ “đơn thư” đòi nợ các nhà thầu lớn.

Để giải quyết tình trạng này, các nhà thầu xây dựng không chỉ phải nợ lương nhân viên, cắt giảm bớt nhân sự vì không đủ nguồn lực duy trì, mà họ cũng đang phải sử dụng các biện pháp như gán nợ bằng tài sản cho các thầu phụ.


Chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, thầu phụ gán nợ cho nhau bằng bất động sản
Chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, thầu phụ gán nợ cho nhau bằng bất động sản

Đại diện doanh nghiệp này cho hay, tình trạng gán nợ xảy ra nguyên nhân chính là họ không thể đòi được các khoản tiền nợ từ những chủ đầu tư bất động sản.

“Có doanh nghiệp bất động sản đề nghị trả nợ bằng sản phẩm nhưng với thanh khoản thị trường đứng và khá yếu như hiện nay, nhà thầu cũng không hào hứng với phương án này, tuy nhiên vẫn phải chấp nhận vì “có còn hơn không, hiện thu hồi được nợ là tốt lắm rồi, nếu để dòng tiền nghẽn thì càng nguy hiểm hơn”, vị này nói và cho biết “những khó khăn trên mặt báo cũng là một phần, còn thực tế nhiều khó khăn hơn, vì mỗi doanh nghiệp đều có những câu chuyện riêng không muốn lộ ra ngoài”.

Phương án đổi sản phẩm để trừ nợ được đánh giá là giải pháp tốt trong bối cảnh hiện nay. Điều này cũng đã có cơ chế đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Dù vậy, đại diện nhà thầu này cũng cho biết nhà thầu vẫn muốn lấy tiền để xoay vòng vốn.

“Nếu không có tiền thì không có kinh phí để làm, không có tiền nói quân không nghe, không có tiền ứng trước thầu phụ không cấp hàng, rất khổ”, vị này cho hay và chia sẻ thêm, các nhà thầu cũng không muốn tìm đến con đường pháp lý như kiện tụng, vì thường mất rất nhiều thời gian, hiệu quả không rõ.

Tính pháp lý của bất động sản rất quan trọng

Các nhà thầu xây dựng cũng cho biết, nếu đổi được sản phẩm là bất động sản từ chủ đầu tư, các nhà thầu này cũng sẽ dùng bất động sản này để trừ nợ cho các nhà thầu phụ. Do đó, để sản phẩm có thể trao đổi trôi chảy, tính pháp lý, sự đảm bảo của bất động sản là yếu tố quan trọng.

“Bất động sản có pháp lý rõ ràng chúng tôi mới nhận. Một số chủ đầu tư bất động sản cũng có những sản phẩm đã xây dựng xong mà chưa bán được, chứ nếu nhận bất động sản chưa đầy đủ pháp lý thì khá rủi ro mà cũng khó chuyển nhượng hay gán nợ tiếp được”, đại diện một nhà thầu cho hay.

Nói với phóng viên, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho biết, doanh nghiệp bị ngân hàng thu hồi nợ trước hạn, đồng thời một số công trình thi công chưa được thanh toán dẫn đến không có tiền trả cho thầu phụ. Do vậy, doanh nghiệp một mặt làm việc để ngân hàng tiếp tục giải ngân, một mặt bán bớt tài sản để thanh toán nợ cho thầu phụ; xác nhận công nợ với thầu phụ để họ có thể dùng khoản nợ phải thu để vay ngân hàng, lấy vốn hoạt động.

Ngoài ra, theo ông Hải, cũng bởi khó khăn, một số chủ đầu tư đã thanh toán cho Hòa Bình bằng sản phẩm bất động sản của họ. Hòa Bình cũng đề nghị các nhà thầu phụ xem xét thay thế việc thanh toán bằng bất động sản do Hòa Bình đã nhận để cấn trừ nợ.

Ông Lê Viết Hải cũng cho biết, do chính sách thắt chặt tín dụng trong thời gian qua khiến doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu dòng tiền trong ngắn hạn. Do vậy, doanh nghiệp đang khẩn trương thu hồi nợ, cơ cấu lại nguồn vốn để bù đắp các thiếu hụt về tài chính.


Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình

Ông Hải cũng chia sẻ, trong hệ sinh thái ngành bất động sản, nguồn nhân lực rất lớn và khi khó khăn ập đến thì kéo theo sự sụp đổ của hàng loạt doanh nghiệp khác nằm trong chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ liên quan như sản xuất vật liệu xây dựng, tư vấn thiết kế, nhà thầu xây dựng, tài chính – ngân hàng…

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cũng cho hay, vấn đề trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp ảnh hưởng rất lớn tới thị trường bất động sản – xây dựng, đặc biệt số lượng trái phiếu đáo hạn năm 2023 rất cao.

Ông Hiệp cho rằng, trái phiếu đáo hạn 2023-2024 là rất lớn. Trong khi đó, Nghị định 08 vừa ban hành chỉ là biện pháp tình thế cứu thị trường trái phiếu như cho phép doanh nghiệp và trái chủ đàm phán gia hạn hoặc hoán đổi bằng sản phẩm. Tuy nhiên, chưa giải quyết được triệt để vấn đề niềm tin vào thị trường trái phiếu và giải pháp bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.

“Không có dòng tiền để thanh toán cho trái chủ khi đến hạn, nhà thầu, chủ đầu tư bất động sản đã gán nợ bằng sản phẩm bất động sản, thậm chí nhiều sản phẩm chưa đủ pháp lý. Điều này càng làm cho thị trường phức tạp, nhà thầu đứng trước khó khăn tài chính”, ông Hiệp nói.

Thanh Long
Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

HoREA đề xuất giải pháp “mở khóa” nguồn cung nhà ở vừa túi tiền

Hà Nội sắp thanh tra việc quản lý, sử dụng quỹ nhà tái định cư

TP.HCM: Phân khúc trung cấp chỉ chiếm 10% nguồn cung căn hộ mới năm 2025

Nhiều địa phương có thêm các KCN tầm cỡ, tăng cơ hội việc làm cho hàng nghìn lao động

Thị trường bất động sản năm 2025: Chủ đầu tư cần tính toán kỹ hơn về giá bán thay vì chạy theo lợi nhuận

Nhà ở xã hội: Không chỉ khó làm, còn khó cả bán

Mặt bằng, căn hộ nhộn nhịp theo Metro số 1

Vĩnh Phúc sắp đấu giá 67 ô đất, khởi điểm từ 960 triệu đồng

Tin mới cập nhật

Chuyên gia: Cần thúc đẩy giãn dân về ngoại thành để giám áp lực giá nhà ở trung tâm

10 giờ trước

Hà Nội sắp thanh tra việc quản lý, sử dụng quỹ nhà tái định cư

10 giờ trước

HoREA đề xuất giải pháp “mở khóa” nguồn cung nhà ở vừa túi tiền

10 giờ trước

Nhìn lại những đột phá của công nghệ AI trong năm 2024

10 giờ trước

Thị trường bất động sản năm 2025: Chủ đầu tư cần tính toán kỹ hơn về giá bán thay vì chạy theo lợi nhuận

3 ngày trước